Phòng ngừa dị ứng cho trẻ bằng dinh dưỡng
Cập nhật: 25/2/2012 | 3:43:40 PM
Bệnh lý dị ứng là một nhóm bệnh lý hay gặp trên thực hành lâm sàng Nhi khoa và ngày càng được quan tâm nhiều vì ảnh hưởng của chúng đến chất lượng cuộc sống của trẻ cũng như người chăm sóc.
Điều trị dị ứng mất nhiều thời gian, công sức, tốn kém cho gia đình và xã hội, vì vậy vấn đề phòng ngừa dị ứng trở nên quan trọng hơn.
Nhóm bệnh lý dị ứng gồm: dị ứng thức ăn (chủ yếu là dị ứng sữa), viêm da dị ứng, suyễn. Việc phòng ngừa dị ứng bằng dinh dưỡng đã được quan tâm và đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta cần nhận biết những trẻ có nguy cơ dị ứng để phòng tránh sớm: Nếu trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ bị dị ứng, nguy cơ ở trẻ là 20 - 40 %, nguy cơ sẽ tăng lên khoảng 40 - 60% nếu cả cha và mẹ ghi nhận tiền sử dị ứng, cao nhất khoảng 72% khi cả cha mẹ cùng bị một loại dị ứng. Nếu trong gia đình không ai ghi nhận bệnh lý dị ứng, trẻ vẫn có 10 - 20 % nguy cơ xuất hiện bệnh. Cho đến nay mặc dù thấy có sự liên quan giữa dị ứng và di truyền nhưng vẫn chưa tìm được gen chuyên biệt gây dị ứng. Do vậy việc xác định tiền sử dị ứng trong gia đình vẫn là phương thức tốt nhất để xác định một trẻ có nguy cơ phát triển bệnh dị ứng hay không.
Viện Hàn Lâm Nhi Khoa (American Acedemy of Pediatrics) đã đưa ra khuyến cáo về chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa dị ứng cho trẻ, cụ thể là:
1) Hiện nay chưa có bằng chứng cho việc ăn uống kiêng cữ trong giai đoạn mang thai có vai trò quan trọng trong phòng ngừa dị ứng cho trẻ sau này. Vì thế các bà mẹ không bị dị ứng trong giai đoạn mang thai có thể ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
2) Đối với trẻ nhũ nhi có nguy cơ dị ứng cao (có cha hoặc mẹ bị dị ứng), bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 4 tháng đầu giúp giảm tần suất xuất hiện viêm da cơ địa và dị ứng sữa bò trong 2 năm đầu đời so với nhóm trẻ bú sữa bò thông thường. Có bằng chứng cho thấy bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 3 tháng đầu giúp ngăn ngừa khò khè trong giai đoạn đầu đời. Không nên cho trẻ ăn thức ăn đặc trước 4-6 tháng.
Với trường hợp người mẹ bị dị ứng thì trong suốt quá trình mang thai và cho con bú nên kiêng thức ăn mà mẹ dị ứng, còn trong trường hợp bố bị dị ứng thì chưa có bằng chứng nào cho thấy người mẹ cần phải kiêng cả thức ăn mà bố bị dị ứng trong các giai đoạn này.
3)Nếu trẻ có nguy cơ cao mà không có điều kiện bú mẹ có thể phòng ngừa dị ứng bằng sữa công thức thủy phân một phần hoặc toàn phần. Không phải tất cả các loại sữa thủy phân đểu có tác dụng phòng ngừa như nhau, sữa thủy phân toàn phần hiệu quả hơn sữa thủy phân một phần. Giá cả sữa cũng cần phải cân nhắc khi quyết định, vì phải sử dụng trong thởi gian dài.
4) Không có bằng chứng rõ ràng cho việc sử dụng sữa từ đậu nành cho việc phòng ngừa dị ứng. Do vậy không nên cho trẻ uống sữa đậu nành với mục đích ngừa dị ứng. Đối với trẻ sau 4-6 tháng tuổi thì không có đủ bằng chứng ủng hộ cho việc phòng ngừa dị ứng bằng bất kỳ phương thức can thiệp dinh dưỡng nào, do đó nếu muốn phòng ngừa bệnh thì nên thưc hiện trong 6 tháng đầu đời của trẻ.
(Nguồn: nhipcausuckhoe.com)