Chặn viêm họng liên cầu, phòng thấp tim
Cập nhật: 12/11/2016 | 11:08:40 AM
Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở trẻ em có nguy cơ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là bệnh thấp tim gây di chứng ở van tim tồn tại suốt đời. Bệnh thấp tim có thể hoàn toàn tránh được nếu điều trị tốt và đúng khi bị viêm họng.
Viêm họng là một bệnh thường gặp trong cộng đồng, tần suất mắc bệnh tăng lên khá nhiều ở trẻ em dưới 7 - 8 tuổi. Do viêm họng là bệnh khá phổ biến nên thường bị xem nhẹ, đa số người bệnh nghĩ rằng viêm họng sẽ khỏi nếu súc họng bằng nước muối. Điều đó cũng đúng do 80% các trường hợp viêm họng đều có thể tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại, nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn sẵn có ở vùng họng. Trong số các loại vi khuẩn gây bệnh, người ta đặc biệt chú ý đến loại viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A (streptococus typ A). Vỏ của loại liên cầu này có cấu trúc gần giống cấu tạo của màng thận, màng tim, màng khớp, do đó khi không được điều trị, cơ thể tự sản sinh ra kháng thể chống lại loại liên cầu này, đồng thời tấn công cả vào thận, tim và khớp gây viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim để lại hậu quả rất nặng nề cho bản thân bệnh nhân và xã hội.
Trong vòng 2-3 tuần sau nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể tiến triển thành thấp tim.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thấp tim
Thấp tim là bệnh gặp ở trẻ đang độ tuổi đi học (5 - 15 tuổi). Không phải tất cả trẻ bị viêm họng đều bị thấp tim, tuy nhiên sau nhiều đợt viêm cấp tái phát thì nguy cơ bị thấp tim càng cao. Sau đợt viêm họng, viêm amidan, viêm xoang do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, các cơ quan khác bắt đầu bị tổn thương. Dấu hiệu ban đầu của thấp tim là trẻ thường sốt từ 38-40oC, có thể họng đỏ, vã mồ hôi, chảy máu cam, đái ít, mệt mỏi, kém ăn, sắc mặt nhợt nhạt. Cũng có trường hợp triệu chứng chỉ thoáng qua không gây cho trẻ khó chịu gì nhưng sau đó khoảng 1-5 tuần thì có biểu hiện đau ở khớp.
Triệu chứng điển hình là đau viêm sưng nóng đỏ ở một số khớp, đau lan từ khớp này sang khớp khác. Khớp bị sưng, đau, nóng đỏ thường là các khớp lớn như khớp gối, khớp khuỷu, khớp cổ chân, cổ tay làm cho người bệnh đi lại và cử động rất khó khăn. Biểu hiện ở khớp rất rầm rộ: khi khớp sau bị sưng đau thì các khớp bị sưng đau trước đó lại khỏi, chính vì vậy nên đã có thời gian khá dài bệnh được mang tên là bệnh “thấp khớp cấp”. Thực ra ngay khi người bệnh có cơn đau ở khớp thì ở tim cũng có tổn thương (cơ tim, các màng tim và các van tim) làm cho người bệnh mệt mỏi, đau tức ngực, khó thở. Vì vậy đã có nhiều nhận định rằng đây là căn bệnh chỉ “liếm” qua khớp nhưng lại “đớp” vào tim.
Những biểu hiện ở tim rất nguy hiểm cho người bệnh. Tổn thương ở tim có thể là: viêm màng trong tim và các van tim, viêm cơ tim hoặc viêm màng ngoài tim đơn độc. Cũng có trường hợp viêm toàn bộ tim khiến trẻ mệt mỏi, tức ngực, hồi hộp, khó thở, loạn nhịp tim hoặc có những tiếng bất thường ở tim. Bệnh nguy hiểm ở chỗ có thể gây suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp dẫn tới tử vong. Những trường hợp sưng tim nặng sẽ để lại sẹo trên tim, gây hẹp van tim, hở van tim, có thể cần phải phẫu thuật mới chữa khỏi. Trẻ mắc bệnh này phải được bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị tại bệnh viện. Trẻ cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường ít nhất là 2 tuần, những trường hợp nặng có khi phải nghỉ ngơi 6 tuần tới 3 tháng.
Ngoài ra, các dấu hiệu của bệnh thấp tim còn để lại các biểu hiện ở hệ thần kinh (tuy ít gặp), lúc đầu có thể trẻ chỉ thay đổi tâm tính, hay cáu gắt, mệt mỏi, có thể kèm theo rối loạn như: múa tay chân bất thường, nói khó, cầm đũa, bút viết hay rơi, viết xấu, không thẳng hàng... Đồng thời trên da, đặc biệt là xung quanh một số khớp xuất hiện những hạt cứng bằng hạt ngô, hạt lạc, hạt táo hoặc những ban màu hồng bằng đồng xu ở ngực, tay, dọc cột sống, lưng...
Điều trị sớm tránh biến chứng “đớp” tim
Bệnh thấp tim có thể hoàn toàn tránh được nếu điều trị tốt và đúng khi bị viêm họng. Trẻ bị viêm họng, viêm amidan hoặc viêm xoang cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để điều trị triệt để, không tự ý cho trẻ dùng thuốc hay điều trị qua loa. Cần nhận biết triệu chứng lâm sàng của viêm họng do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A từ đó kịp thời điều trị phòng thấp tim. Nếu phát hiện những dấu hiệu sau: trẻ sốt cao, mệt nhiều, thở khó khăn, nuốt khó, trẻ nhỏ chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, ở họng thấy có mủ trắng bẩn ở khe, hốc amiđan hai bên, sờ thấy hạch dưới hàm cả hai bên, di động, ấn đau, phát ban đỏ toàn thân hoặc bệnh kéo dài trên 2 tuần cần phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời và tuân thủ chế độ tiêm phòng tái phát thấp tim theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Không nên chữa bằng các biện pháp dân gian, cúng bái sẽ rất nguy hiểm cho trẻ về sau. Việc tiêm phòng thấp tim ở trẻ đã bị thấp tim sau khi đã điều trị ổn định là rất cần thiết. Nếu không tiêm phòng, bệnh sẽ dễ dàng tái phát nhiều lần và để lại di chứng ngày càng nặng dẫn đến suy tim không hồi phục rất nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ. Tốt nhất là tiêm phòng bằng thuốc penixilin đào thải chậm. Thời gian tối thiểu là 5 năm. Nếu trong thời gian tiêm phòng mà trẻ vẫn bị tái phát bệnh thấp tim thì phải tiêm tới khi 21 tuổi hoặc suốt đời.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)