Khuyến cáo mới về chăm sóc răng miệng cho trẻ
Cập nhật: 22/12/2016 | 8:37:18 AM
Theo số liệu thống kê, trên 80% học sinh tiểu học mắc các bệnh răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng.
Ở lứa tuổi lớn hơn, tỷ lệ này cũng lên đến 60-70% và đang có dấu hiệu tăng trong thời gian gần đây. Đặc biệt, lứa tuổi học sinh tiểu học là lứa tuổi mà trẻ bắt đầu mọc răng vĩnh viễn, việc mất răng sữa sớm làm trẻ ăn nhai kém, phát âm không chuẩn, hàm răng vĩnh viễn dễ bị xô lệch, ảnh hưởng đến sự phát triển thẩm mỹ và thể chất trong giai đoạn sau này. Vì vậy, hướng dẫn cho trẻ nhỏ chải răng, làm thế nào để dự phòng sâu răng viêm lợi cho trẻ nhỏ... là một trong những vấn đề mà cha mẹ cũng như các cán bộ y tế rất quan tâm.
Ngậm cơm cũng gây mủn răng
Bé Tường Vân năm nay 3 tuổi, từ khi sinh ra bé đã được mẹ chăm sóc răng miệng rất kỹ nhưng đến tuổi bắt đầu ăn dặm thì mẹ thấy những chiếc răng cứ mủn dần, rồi răng cửa bắt đầu cụt ngủn, có màu đen và miệng con rất hôi. Bé có thói quen ăn cơm ngậm, mỗi bữa ăn thường kéo dài trên 1 giờ. Cách đây 6 tháng bé đã phải điều trị tủy một răng cửa hàm trên, đó là những trải nghiệm khó quên của bé và gia đình, 6 người giữ và không biết bao nhiêu nước mắt của con, của mẹ. Mẹ bé vẫn luôn trăn trở về những chiếc răng còn lại chưa điều trị, đã cho con đi khám nhiều nơi mà con không hợp tác,...
Những ngày sau đó, bé ăn kém, hay ốm, suy dinh dưỡng và gần nhất bé sốt không ăn do đau răng nên được bố mẹ đưa đến Trung tâm Kỹ thuật cao Khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt - Đại học Y Hà Nội để khám. Bố mẹ bé cho biết, không hiểu sao chăm sóc răng miệng kỹ mà vẫn sâu răng, mủn răng. Sau khi các bác sĩ giải thích trẻ nhỏ bú sữa trong lúc ngủ, ăn cơm quá 30 phút/bữa là một trong những nguyên nhân gây tình trạng răng miệng sâu và mủn. Sau đó các bác sĩ đã chuẩn bị tâm lý sau cuộc trò chuyện và kết quả thật bất ngờ. Bé Tường Vân được tách khỏi bố mẹ từ ngoài phòng chờ, đi theo bác sĩ vào phòng, lên ghế răng rồi buổi đầu tiên đã trám được 3 răng. Sau đó 2 ngày bé tiếp tục được điều trị 9 răng, bôi vecni fluor toàn bộ hai hàm.
Bé cần được hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ nhỏ.
Đánh giá nguy cơ sức khỏe răng miệng
Mỗi trẻ nhỏ nên được các nhà chăm sóc sức khỏe ban đầu hay các chuyên gia chăm sóc sức khỏe có trình độ chuyên nghiệp đánh giá nguy cơ sức khỏe răng miệng ngay từ khi 6 tháng tuổi. Đánh giá ban đầu nên đánh giá nguy cơ phát triển các bệnh về mô cứng như men răng, ngà răng và mô mềm trong miệng của trẻ bao gồm đánh giá nguy cơ sâu răng, đồng thời giáo dục về sức khỏe răng miệng cho trẻ nhỏ và tối ưu hóa sự tiếp xúc với fluoride.
Trẻ nào cần được chăm sóc răng miệng tại nhà?
Bố mẹ nên mời các chuyên gia răng miệng đến khám tại nhà cho trẻ ở độ tuổi 12 tháng tuổi nếu bố mẹ không có điều kiện đưa trẻ đến các trung tâm răng hàm mặt hay vì một số lý do khác. Trong buổi gặp ban đầu, bác sĩ sẽ khai thác hết tiền sử bệnh toàn thân, tiền sử nha khoa của trẻ và các bố mẹ, thăm khám răng miệng kĩ lưỡng, minh họa cách chải răng phù hợp với từng lứa tuổi và điều trị hoặc phòng bệnh bằng vecni fluor nếu được chỉ định. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ sâu răng đang tiến triển và xác định một kế hoạch điều trị dự phòng, xác định khoảng thời gian khám định kì. Các trẻ có thể được giới thiệu đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu cần thiết phải can thiệp sâu về chuyên môn. Cung cấp các hướng dẫn phòng ngừa để phòng ngừa các bệnh liên quan đến sự phát triển răng miệng, tình trạng sử dụng fluor, các thói quen xấu, mọc răng, phòng ngừa chấn thương, hướng dẫn vệ sinh răng miệng và các ảnh hưởng của chế độ ăn uống lên bộ răng cũng là những thành phần quan trọng trong buổi hẹn đầu tiên.
Những khuyến cáo về chăm sóc răng cho trẻ
Các biện pháp vệ sinh răng miệng cần được thực hiện ngay từ thời điểm chiếc răng sữa đầu tiên mọc. Bố mẹ nên đánh răng cho bé 2 lần một ngày bằng cách sử dụng các bàn chải lông mềm và với kích cỡ phù hợp với độ tuổi và hàm lượng fluor thích hợp.
Chế độ ăn uống, đối với trẻ còn bú mẹ thì việc trẻ bú sữa mẹ có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng, đảm bảo sự phát triển tâm lý, xã hội cho trẻ, đảm bảo kinh tế và môi trường thuận lợi đồng thời giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh cấp và mạn tính. Sữa mẹ là sữa duy nhất vượt trội trong việc cung cấp dinh dưỡng tốt nhất có thể cho trẻ sơ sinh và không có nguy cơ gây bệnh sâu răng. Bú bình với các loại sữa khác ngoài sữa mẹ, hoặc ban đêm với nước trái cây, tiêu thụ thường xuyên đồ ăn và thức uống chứa đường (ví dụ nước trái cây, sữa và nước soda) làm tăng nguy cơ sâu răng. Học viện Nhi khoa Mỹ đã khuyến cáo rằng trẻ em từ 1-6 tuổi không nên tiêu thụ quá 120-180ml nước ép trái cây mỗi ngày, uống tập trung vào bữa ăn chính hoặc bữa ăn phụ. Bú bình với các thức uống có đường kéo dài, đặc biệt buổi tối hoặc thói quen ngậm cơm là một trong những thói quen có nguy cơ sâu răng cao và đáng báo động hiện nay.
Sử dụng fluor một cách hợp lý là điều quan trọng với tất cả trẻ nhỏ mới mọc răng và trẻ lớn hơn. Việc chỉ định sử dụng fluor dựa trên nhu cầu riêng của mỗi bệnh nhân. Việc sử dụng fluor để ngăn ngừa và kiểm soát sâu răng đúng theo khuyến cáo đã được chứng minh là vừa an toàn vừa hiệu quả. Việc lạm dụng sử dụng fluor có thể gây ra tình trạng nhiễm độc fluor. Kem đánh răng chứa hàm lượng fluor phù hợp nên được sử dụng 2 lần mỗi ngày.
Các thói quen xấu ảnh hưởng đến sự phát triển sọ mặt: Các thói quen không có lợi (ví dụ như mút ngón tay hoặc núm vú giả, nghiến răng và đẩy lưỡi bất thường) có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bộ răng, xương ổ răng và hệ thống sọ - mặt. Vì vậy, cần thiết phải thảo luận về sự cần thiết cho bú sớm và sự cần thiết phải cai sữa hay từ bỏ thói quen trước khi hiện tượng sai khớp cắn xảy ra.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)