Phình niệu quản ở trẻ em, làm sao phát hiện?

Cập nhật: 19/3/2017 | 9:17:06 AM

Hầu hết trẻ sinh ra với hệ tiết niệu bình thường. Tuy vậy, một số trẻ không may có ống nối từ thận đến bàng quang (niệu quản) lại bị giãn rộng.

Hầu hết trẻ sinh ra với hệ tiết niệu bình thường. Tuy vậy, một số trẻ không may có ống nối từ thận đến bàng quang (niệu quản) lại bị giãn rộng. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn và tắc dòng nước tiểu chảy xuống. Nếu không được điều trị sẽ gây hủy hoại thận.

Một niệu quản rộng hơn 7mm được coi là phình. Tình trạng này có thể là hậu quả của những bất thường của chính niệu quản (nguyên phát) hoặc do bàng quang bị tắc (thứ phát).

Phình niệu quản tiên phát có tắc: Niệu quản giãn mỏng khi đổ vào bàng quang. Tình trạng tắc này gây giãn niệu quản phía trên thậm chí gây hủy hoại thận theo thời gian. Cần mổ để sửa chữa và loại bỏ nguyên nhân gây tắc. Theo dõi sức khoẻ sau mổ rất quan trọng ngay cả khi các triệu chứng đã thuyên giảm

Phình niệu quản trào ngược: Niệu quản bị giãn rộng do luồng trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên (luồng trào ngược bàng quang niệu quản). Ở người bình thường, nước tiểu không bao giờ trào ngược từ bàng quang lên niệu quản. Thường gặp ở trẻ trai. Nếu bệnh không tự khỏi có thể phải mổ. Tình trạng phình niệu quản trào ngược có thể ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ nếu bàng quang đào thải nước tiểu kém. Tình trạng đó gọi là hội chứng bàng quang to và phình niệu quản.

Phình niệu quản không tắc và không trào ngược: Niệu quản phình to nhưng không có nguyên nhân gây tắc hay trào ngược. Ở thể này, bệnh thường tiến triển tốt theo thời gian.

Phình niệu quản có tắc và trào ngược: Đây là dạng nguy hiểm nhất vì có cả tắc và trào ngược. Niệu quản luôn phình to, thường phối hợp với nhiễm trùng tiết niệu, bệnh nặng lên theo thời gian nếu không được mổ.

Phình niệu quản thứ phát: Một số phình niệu quản gặp trong các bệnh lý khác: van niệu đạo sau, bàng quang thần kinh, hội chứng Prune belly…Hình ảnh phình niệu quản.

Hình ảnh phình niệu quản.

Làm sao phát hiện trẻ bị phình niệu quản?

Đa số các trường hợp được chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm với hình ảnh giãn thận và niệu quản.

Sau sinh, trẻ có thể có biểu hiện sốt, đau lưng, nôn…

Phình niệu quản có thể gây nhiễm trùng tiết niệu nặng nề hoặc tắc làm hủy hoại thận gây nguy hại đến sức khỏe và tính mạng.

Tuy nhiên, một số trẻ được phát hiện phình niệu quản trước sinh lại không hề có triệu chứng, trong trường hợp này, việc theo dõi liên tục để loại trừ bệnh gây tổn thương thận là rất quan trọng.

Nếu con bạn bị nhiễm trùng tiết niệu hoặc có các triệu chứng giống như phình niệu quản, cần được khám chuyên khoa tiết niệu với các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp bàng quang niệu đạo khi tiểu, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ...

Những phương pháp cơ bản điều trị phình niệu quản

Mổ mở: Nếu có hình ảnh của tắc hoặc tổn thương chức năng thận, trẻ cần được mổ. Nguyên tắc mổ là trồng lại niệu quản và làm thu nhỏ lại niệu quản. Nếu trẻ không bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc không bị giảm chức năng thận, việc tiến hành mổ có thể chậm lại khi bé được 1 tuổi. Mổ cho trẻ nhỏ rất khó khăn và cần bác sĩ có kinh nghiệm. Nhiều trẻ cần dùng kháng sinh cho đến tận khi mổ để tránh nhiễm trùng tiết niệu.

Hầu hết những trẻ bị phình niệu quản đều có kết quả rất tốt với phương pháp mổ này bởi nó có khả năng loại bỏ căn nguyên gây tắc, tình trạng trào ngược từ bàng quang lên niệu quản và tạo hình lại niệu quản về kích thước bình thường nếu niệu quản phình to.

Các giải pháp khác: Với trẻ lớn hơn 2 tuổi, có thể dùng phương pháp nội soi nong phần hẹp. Với máy nội soi bàng quang, bác sĩ đặt 1 dây dẫn lên niệu quản, theo đó bơm căng 1 bóng để nong rộng phần niệu quản hẹp sau đó đặt ống thông JJ từ bàng quang qua niệu quản lên thận từ 4-6 tuần. Các nghiên cứu cho thấy phương pháp này có thể loại trừ đoạn tắc và khắc phục tình trạng trào ngược.

Phương pháp ít xâm hại như bơm chất chống trào ngược vào thành niệu quản trong bàng quang cũng đã sử dụng...

Theo dõi sau mổ

Sau mổ, một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm: chảy máu, tắc niệu quản và luồng trào ngược (bị lại hoặc tiếp diễn).

Tắc niệu quản có thể gặp sớm ngay sau mổ hoặc ở giai đoạn muộn với tỉ lệ khoảng 5%. Thường phải mổ lại. Luồng trào ngược gặp sau mổ khoảng 5% các trường hợp. Tình trạng này có thể tự hết sau vài năm. Thông thường, việc theo dõi sau mổ được sử dụng bằng siêu âm. Chụp cắt lớp vi tính được sử dụng khi muốn biết tình trạng làm việc của thận và loại trừ sự tắc. Chụp bàng quang niệu đạo thường dùng sau mổ vài tháng để kiểm tra tình trạng trào ngược.

Những thắc mắc thường gặp

Đây có phải là bệnh di truyền không? Cho đến nay, khoa học chưa khẳng định được tính di truyền của bệnh.

Có phải tất cả các trẻ bị phình niệu quản đều phải mổ không? Không. Nhiều phình niệu quản phát hiện trước sinh vẫn không cần mổ. Tuy nhiên, phình niệu quản phát hiện ở trẻ lớn có đau hoặc nhiễm trùng tiết niệu thường cần mổ. Kháng sinh thường cần được sử dụng để dự phòng nhiễm trùng tiết niệu.

Liệu các can thiệp ít xâm hại sẽ là 1 giải pháp điều trị? Có thể đặt ống thông niệu quản qua chỗ niệu quản tắc để dẫn lưu thận trong 1 thời gian. Nội soi ổ bụng để điều trị phình niệu quản đang được thực hiện để đánh giá hiệu quả.

Các biến chứng có thế xảy ra? Đó là sỏi niệu quản, nhiễm khuẩn tiết niệu, suy thận…

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin