Nhà tâm lý học kêu gọi: Tuyệt đối không cho trẻ dưới 2 tuổi chơi iPad

Cập nhật: 26/4/2017 | 10:57:31 AM

Các chuyên gia tâm lý hàng đầu nước Anh đang kêu gọi các bậc phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với bất kỳ thiết bị điện tử, công nghệ nào.

TS Aric Sigman cảnh báo việc nhìn chằm chằm vào màn hình iPad có thể dẫn tới nghiện kéo dài. Và những đứa trẻ dưới 2 tuổi sẽ có nguy cơ cao nhất và ngay cả một người 20 tuổi cũng có thể bị nghiện.

Còn TS Ben Carter khuyên mọi người nên rời khỏi điện thoại 90 phút trước khi đi ngủ.

Đặc biệt, Carter cảnh báo: Những đứa trẻ nên dưới 2 tuổi tuyệt đối không được tiếp xúc với điện thoại thông minh, máy tính bảng. Từ 2 - 5 tuổi, trẻ chỉ nên tiếp xúc với màn hình không quá 1 tiếng mỗi ngày.

Chứng lệ thuộc màn hình

TS Aric Sigman, một chuyên gia tâm lý học và là giảng viên về giáo dục sức khỏe trẻ em cảnh báo rằng việc nhìn chằm chằm vào màn hình khi thơ ấu có thể gây ra “những rối loạn lệ thuộc vào màn hình” - một chứng nghiện thiết bị điện tử có thể kéo dài suốt đời.

Đăng tải trên tạp chí Hiệp hội Thần kinh học trẻ em, ông đã trích dẫn những bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc nhiều với máy tính sớm sẽ làm thay đổi cấu trúc não bộ.

TS Aric Sigman cho biết, trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình có thể bị nghiện suốt đời
TS Aric Sigman cho biết, trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình có thể bị nghiện suốt đời

Mặc dù với hầu hết trẻ em là vô hại nhưng với những trẻ có xu hướng dễ bị tác động (mang tính di truyền) hình thành các thói quen lệ thuộc thì sự ảnh hưởng có thể kéo dài suốt đời.

TS Sigman nói: “Hầu hết trẻ em tiếp xúc với màn hình sẽ không bị nghiện, giống như hầu hết chúng ta uống rượu mà không bị nghiện. Nhưng với những người dễ bị tác động (do di truyền) thì việc tiếp xúc sớm và nhiều có thể hình thành thói quen lệ thuộc”.

Tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa

Các nhà khoa học không chắc bao nhiêu người có nguy cơ này nhưng TS Sigman khuyên các bậc cha mẹ và các bác sĩ nên tuân theo “nguyên tắc phòng ngừa” và hạn chế cho trẻ tiếp xúc.

Những người mắc hội chứng rối loạn lệ thuộc màn hình sẽ bị ám ảnh, không chan hòa, hay nói dối về việc chúng dành bao nhiêu thời gian cho thiết bị công nghệ và thậm chí có dấu hiệu của hội chứng cai nghiện nếu không được sử dụng.

TS Sigman cũng cho biết, hội chứng lệ thuộc màn hình đang nổi lên, trở thành một vấn đề sức khỏe tâm thần nhưng hầu hết lại không thoải mái khi nói về chuyện này, bởi không ai muốn thừa nhận sự nguy hiểm của nó.

Một báo cáo của Ofcom (Anh) công bố tháng Mười một cho thấy trung bình trẻ 3-4 tuổi đã sử dụng thiết bị như máy tính bảng 2 tiếng mỗi ngày, cộng với 2 tiếng xem tivi. Trẻ lớn tuổi từ 5-15 tuổi dành 4 tiếng để sử dụng các thiết bị tương tự đồng thời xem tivi 2 tiếng.

TS Sigman cho biết “Chúng tôi đang tập hợp số liệu về những người mắc hội chứng này”. Ông cũng cho biết, nguy cơ cao nhất là ở trẻ nhỏ và trẻ tuổi tập đi, nhưng hội chứng này cũng có thể gặp ở thiếu niên và thậm chí là ở độ tuổi 20.

Sigman đã trích dẫn một nghiên cứu năm 2016 với 248 trẻ 5-17 tuổi tham gia. Bộ não của trẻ sẽ được chụp sau 3 năm nữa để xem liệu có sự thay đổi nào ở não bộ những trẻ chơi điện tử trong một thời gian dài.

TS Sigman cho biết: “Chúng ta không ý thức được rằng những bằng chứng về hành vi tiếp xúc màn hình không chỉ là vấn đề xã hội, văn hóa mà thực sự là vấn đề y học”.

Ông khuyên các bậc cha mẹ nên tuân thủ theo khuyến nghị của chính phủ Australia về việc không cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với bất kỳ loại màn hình nào.

Còn TS Ben Carter, một nhà khoa học của Trường Cao đẳng King London, khuyên nên rời khỏi điện thoại 1,5 tiếng trước khi đi ngủ. Bởi nghiên cứu của ông cho thấy trẻ em và thiếu niên dùng các thiết bị điện tử trong 90 phút trước khi ngủ sẽ có nguy cơ thiếu ngủ và cảm thấy mệt mỏi vào hôm sau cao gấp gần 3 lần.


(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin