6 bệnh ngoài da hay gặp ở trẻ mùa nắng nóng
Cập nhật: 8/7/2017 | 9:26:19 AM
Các bệnh về da thường “tấn công” trẻ nhiều hơn khi trời nóng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Vậy những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ đó là gì? Cách phòng tránh thế nào?
Chốc lở
Chốc lở là tình trạng nhiễm khuẩn nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp, sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy, bệnh còn được gọi là “chốc lây”. 90% trường hợp chốc là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.
Chốc được phân loại theo hình thái thương tổn: chốc có bọng nước và chốc không có bọng nước. Chốc có bọng nước điển hình thường do tụ cầu gây ra. Tổn thương cơ bản là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Chốc không có bọng nước thường do liên cầu tan huyết nhóm A gây ra. Thương tổn ban đầu là các mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình.
Trẻ em bị bệnh không sốt nhưng thường bị sưng hạch ở quanh vùng có vết chốc. Vết chốc lở rất dễ lây lan sang các vùng da lành khác nếu bị dây dịch của vết chốc. Nếu mẹ không để ý và kịp thời chữa cho trẻ có thể dẫn đến bệnh viêm cầu thận. Viêm cầu thận xảy ra sau khi phát chốc lở khoảng 2 tuần. Triệu chứng gồm: phù mặt, nhất là phù mi mắt, đi tiểu ít, có máu trong nước tiểu, tăng huyết áp, cứng khớp và đau khớp.
Rôm sảy
Rôm sảy rất phổ biến ở trẻ em trong mùa hè, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Nguyên nhân chính là trong thời tiết nóng nực, mồ hôi trẻ tiết nhiều không thoát ra được hết, ứ đọng trong ống bài tiết. Miệng ống dễ bị bụi, ghét bít kín khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng, mọc thành từng đám, có khi dày đặc. Càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp của cơ thể... càng có nhiều rôm.
Chàm sữa
Thường gặp ở trẻ sau 3 tháng tuổi. Biểu hiện bệnh là những mụn nhỏ li ti xuất hiện ở hai bên má rồi lan đến cằm và trán. Chúng nhanh chóng vỡ ra khiến cho da trở nên đỏ và bị rớm dịch. Nếu không giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, trẻ rất dễ bị nhiễm khuẩn, những vết vỡ sẽ bị đóng vảy, da trẻ đỏ nhiều hơn, trẻ thấy ngứa ngáy khó chịu. Bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần, có người cho rằng bệnh nổi theo tuần trăng. Nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ em khá phức tạp và khó xác định. Có nhiều ý kiến cho rằng yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong bệnh này. Bệnh không nguy hiểm, đến khoảng 2 tuổi, bệnh có thể tự biến mất mà không để lại dấu vết gì.
Mụn nhọt
Khác với rôm sảy, mụn, nhọt là do vi khuẩn gây ra. Từ những nốt rôm sảy không được vệ sinh cẩn thận, vi khuẩn sẽ gây bệnh tạo thành mụn, nhọt. Biểu hiện ban đầu là đỏ sưng rồi nóng gây đau nhức, dần dần mềm vỡ ra chảy mủ và thành sẹo. Mụn nhọt có thể mọc ở nhiều nơi trên cơ thể, đau nhức khiến trẻ quấy khóc, kém ăn kém ngủ. Những trẻ cơ thể suy yếu, không đủ sức chống đỡ với vi khuẩn có thể bị nhọt liên tiếp; nhọt này vừa khỏi nhọt khác lại mọc lên. Nhọt trên đầu thường do tụ cầu khuẩn (hay gặp nhất là tụ cầu vàng), có thể xuất hiện một hoặc nhiều cái, mọc riêng lẻ hoặc từng chùm phụ thuộc vi khuẩn gây bệnh. Tùy theo tổn thương, mụn, nhọt sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau: to bằng hạt chanh, hạt bắp, trái chanh hoặc có thể bằng... trái táo xanh (áp-xe nguyên một khối cơ). Khi cơ thể trẻ đề kháng tốt, những vi khuẩn chỉ khu trú trong mụn, nhọt; nhưng nếu sức đề kháng không tốt, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết. Lúc đó, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao 39 - 400C. Lúc này, nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc bùng phát, trẻ còn có thể bị sốc do độc tố vi khuẩn. Không ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng huyết, sau đó vi khuẩn đi vào màng não. Nếu phát hiện và điều trị trễ, trẻ có thể bị các biến chứng như điếc, viêm màng não, viêm phổi, áp-xe phổi...
Bệnh tay - chân - miệng
Bệnh tay - chân - miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh thường do virut đường ruột Coxsackieviruses A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh tay - chân - miệng ở trẻ có thể lây từ người này sang người khác qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Đặc trưng của bệnh là hiện tượng sốt, đau họng, nổi ban có bọng nước. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú, lúc này miệng trẻ có những vết lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi..., sau đó xuất hiện những vết phát ban dạng phỏng nước hoặc vết nổi cộm trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân… Nếu trẻ sốt hơn 39 độ C và có những triệu chứng khác như bứt rứt, khó ngủ, quấy khóc hoặc ngủ li bì, thỉnh thoảng giật mình và giơ hai tay lên thì nên nghĩ đến tình trạng biến chứng ở trẻ và cần đưa đến bệnh viện kịp thời. Nếu để trễ từ 6 - 12 tiếng, bệnh có thể trở nặng, trẻ lừ đừ, run chi, trợn mắt, rung giật cơ, tim nhanh, mạch nhanh, thở nhanh và có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
Tay - chân - miệng là bệnh mà trẻ hay mắc phải trong mùa hè.
Phát hiện bệnh sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời thì trẻ dù có biến chứng nặng cũng có thể cứu được và không có di chứng nặng nề nào cho sự phát triển về sau.
Bệnh ngoài da cho trẻ
Vào mùa nắng nóng, bé dễ đổ mồ hôi. Do vậy, nên chú ý chuẩn bị các loại khăn bông vải mềm để giúp bé thấm mồ hôi. Nên tắm cho bé thường xuyên hơn so với mùa lạnh nhưng không nên tắm quá nhiều lần. Nên cho bé tắm bằng nước ấm và sau khi tắm xong cần lau khô thật nhanh và thật kỹ cho bé. Cần giữ cho da trẻ luôn thoáng mát, cho trẻ mặc những loại quần áo làm bằng chất liệu cotton, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, luôn để trẻ ở nơi thoáng mát, tránh nơi nóng nực, ngột ngạt và bí gió. Ngoài ra, cần thường xuyên cho bé uống nước để đảm bảo lượng nước cung cấp đủ cho cơ thể. Tăng cường cho bé ăn thêm các loại trái cây có tác dụng làm mát cơ thể. Theo dõi các triệu chứng và kiểm tra da của bé thật cẩn thận. Không nên xem thường bất cứ dấu hiệu nhỏ nào. Khi thấy có những dấu hiệu đáng ngờ khó nhận biết cần đưa trẻ đi khám kịp thời.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)