Cách xử trí khi trẻ bị té
Cập nhật: 2/4/2012 | 7:29:55 PM
Những đứa bé thường rất hiếu động, mạnh mẽ và thường chạy nhảy thoát khỏi tầm quản lý, kiểm soát của cha mẹ.
Trẻ có thể nhanh chóng trèo lên bàn, đụng vào một vật gì đó… hoặc leo cầu thang. Với trách nhiệm là cha mẹ, bạn cần phải phản ứng nhanh chóng và xử trí thông minh trong các tình huống như thế.
Theo các chuyên gia, khi một đứa bé bị té và bị đau, điều đó không chỉ thể hiện bằng một cục u nhỏ trên đầu. Khi sức va chạm mạnh, hậu quả có thể dẫn đến gãy xương. Dù bạn có thể nhìn thấy hoặc chỉ cảm nhận được bất cứ tổn hại nào không đáng kể ở trẻ, bạn cũng cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để kiểm tra, phòng ngừa những tổn hại tiềm ẩn khác để điều trị kịp thời.
Bạn cần nhớ, đối với những trường hợp cần chuyển trẻ tới bệnh viện, trong lúc chờ xe cấp cứu và thực hiện các biện pháp sơ cấp cứu ban đầu, để bảo đảm an toàn cho trẻ, bạn cần phải hết sức bình tĩnh, không được hoảng loạn. Hầu hết mọi đứa trẻ thường rên la khi bị đau và trạng thái bình tĩnh của bạn sẽ giúp trẻ cảm thấy an tâm hơn.
Việc tốt nhất mà bạn có thể làm vào lúc ấy là giúp trẻ cố định và bảo vệ khu vực bị thương, bảo đảm không để trẻ cử động hoặc làm bất cứ điều gì khiến vết thương thêm tồi tệ. Trong trường hợp trẻ bị gãy xương cánh tay hoặc cẳng chân, bạn nên nhẹ nhàng bọc một tấm chăn quanh khu vực đó để giúp cố định chi bị gãy. Tuy nhiên, bạn không được bó chặt quá hoặc lỏng quá.
Trong trường hợp nghi ngờ trẻ có thể bị nứt xương cột sống, xương cổ hoặc sọ não sau khi té, bạn không nên di chuyển trẻ mà hãy gọi số cấp cứu ngay lập tức. Trong lúc chờ đợi, bạn nên giữ cơ thể trẻ cố định và an ủi trẻ bằng những lời lẽ thích hợp nhất mà bạn có thể làm được. Bạn cần biết, việc di chuyển trẻ trong các tình huống này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Bất kể bạn thương trẻ như thế nào cũng không được ôm ấp trẻ vào lúc này, bạn cần phải hết sức tỉnh táo.
Bạn cũng cần phải theo dõi các triệu chứng và các biểu hiện trên cơ thể trẻ hoặc tình trạng xuất huyết bên trong sau cú ngã. Hãy gọi ngay các số điện thoại nóng ở các trung tâm cấp cứu gần nhất nếu bạn phát hiện trẻ bị các vết thương hở trên đầu, bụng hoặc ngực sau khi bị té, để đưa trẻ tới ngay bệnh viện.
Hầu hết các trường hợp té ngã gây gãy xương đều không nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, chúng chỉ khiến các bậc cha mẹ bị hoảng hốt chút ít. Tuy nhiên, hãy trang bị đầy đủ kiến thức y khoa cần thiết và không nên e ngại tư vấn với các bác sĩ, hoặc các săn sóc viên để tìm những lời khuyên và sự chỉ dẫn cụ thể về việc làm thế nào để xử lý tình trạng trẻ bị gãy xương do té ngã mà bạn chưa được tường tận.
(Nguồn: phunuonline.com.vn)