Thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ em
Cập nhật: 13/2/2018 | 8:01:45 AM
Các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, vì trẻ có những đặc điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị.
Trẻ em là đối tượng nhạy cảm rất dễ có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác nhau. Khi bị mắc bệnh, phụ huynh không được tự ý tùy tiện mua và sử dụng thuốc điều trị mà phải đưa trẻ đi khám để thầy thuốc kê đơn, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc một cách an toàn, hợp lý vì trẻ có những đặc điểm cần lưu ý nếu phải dùng thuốc.
Các nhà khoa học khuyến cáo trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, vì trẻ có những đặc điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị. Thực tế liều thuốc dùng cho trẻ em khác hẳn với liều thuốc dùng cho người lớn, do đó tuyệt đối không được dùng liều thuốc người lớn rồi tùy tiện suy diễn tính ra liều thuốc đối với trẻ em; đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ đang còn bú sữa mẹ. Theo quy định, có những loại thuốc được chỉ định sử dụng dành cho người lớn nhưng lại cấm dùng đối với trẻ em như: thuốc kháng sinh chloramphenicol, tetracyclin; các chế phẩm từ thuốc phiện, nội tiết tố sinh dục, thuốc amphetamin... Do đó, phụ huynh cần giám sát chặt chẽ, không được cho trẻ tự ý dùng thuốc và phải để thuốc ở vị trí kín đáo, ngoài tầm tay với đến của trẻ nhằm bảo đảm sự an toàn. Trẻ em có các đặc điểm về sự hấp thu thuốc, phân phối thuốc trong cơ thể; có hàng rào máu-não chưa hoàn chỉnh, có sự chuyển hóa thuốc và thải trừ thuốc qua thận khác biệt so với người lớn.
Hấp thu thuốc ở trẻ em
Trẻ em có đặc điểm niêm mạc dà dày chưa phát triển đầy đủ nên thiếu chất axít chlorhydric trong dịch vị, độ acid của dạ dày chỉ đạt đến mức của người lớn khi trẻ đủ 20 - 30 tháng tuổi. Thời gian tháo sạch của dạ dày trẻ thường kéo dài và không đều, chỉ đạt mức độ như người lớn khi trẻ được 6 - 8 tháng tuổi. Đồng thời, nhu động ruột của trẻ hoạt động thất thường cùng với niêm mạc ruột chưa trưởng thành, chức năng mật chưa phát triển đầy đủ... nên việc hấp thu thuốc ở hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ đang bú sữa mẹ còn rất kém và có sự sai lạc đối với các loại thuốc phenobarbital, paracetamol, phenytoin, carbamazepin, rifampicin...
Nếu đặt thuốc đạn vào trực tràng, thuốc được hấp thu rất mạnh và nhanh chóng đạt nồng độ cao ở trong máu của trẻ nên dễ gây độc như đặt thuốc đạn có chứa theophylin có thể gây co giật hoặc thuốc đạn có chứa diazepam có thể đạt nồng độ thuốc cao ở trong máu giống như tiêm tĩnh mạch.
Phụ huynh không nên tự ý tùy tiện mua và sử dụng bất cứ một loại thuốc gì khi trẻ chưa được thầy thuốc khám bệnh, kê đơn
Khi tiêm thuốc vào bắp thịt, lưu lượng máu ở cơ vân khi trẻ mới sinh còn kém, co bóp cơ vân hạn chế, có lượng nước nhiều trong khối cơ vân nên nhiều loại thuốc có sự hấp thu chậm và thất thường nếu tiêm bắp thịt các loại thuốc như: gentamycin, phenobarbital, diazepam...
Khi bôi thuốc ngoài da cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tuổi, cần đặc biệt lưu ý vì da trẻ bị hydrat hóa mạnh, lớp sừng ở da mỏng, hàng rào biểu mô chưa trưởng thành nên việc bôi thuốc dễ gây ra tình trạng kích ứng hay dị ứng; có khi gây độc toàn thân nếu bôi các loại thuốc dạng bào chế dùng ngoài da có chứa axít boric, hexaclorophen, salicylat, neomycin, benzyl benzoat, xanh methylen, thuốc đỏ... Việc lạm dụng các loại thuốc bôi ngoài da có chứa chất iod như: rượu iod, povidon iod... cho trẻ để sát khuẩn, chống nấm cũng có thể gây ngộ độc chất iod và làm cho trẻ có một số biến chứng khác như bị bướu cổ kèm theo giảm khả năng hoạt động của tuyến giáp trạng. Dùng chất tinh dầu long não bôi ngoài da cho trẻ có thể kích thích thần kinh, gây co giật. Sử dụng tinh cầu có chứa chất pinen, eucalyptol, thymol, menthol, gaiacol... bôi qua da cũng có khả năng hấp thu vào trong cơ thể trẻ và gây độc. Nếu bôi thuốc, tinh dầu kèm theo xoa bóp mạnh có thể làm tăng nhiệt độ của da, tăng tốc độ hấp thu của thuốc, tinh dầu và có thể gây độc toàn thân như trường hợp xoa xóp rượu ethylic, rượu thuốc, methyl salicylat, thuốc chống viêm giảm đau, thuốc mỡ corticoid... Cần lưu ý tuyệt đối không được dùng băng dính chứa thuốc để dán cho trẻ nhỏ hoặc bôi thuốc rồi băng chặt lại nếu dùng thuốc corticoid, thuốc giảm đau chống viêm không steroid.
Phân phối thuốc trong cơ thể trẻ
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thuốc sử dụng thường gắn kém vào protein của huyết tương vì hàm lượng albumin của huyết tương giảm cộng thêm với albumin thai nhi có chất lượng yếu nên chưa gắn được thuốc. Đồng thời hàm lượng chất bilirubin tự do và chất béo tự do trong máu tăng cao sẽ chiếm chỗ gắn của thuốc vào protein của huyết tương. Vì vậy, đối với các loại thuốc không gắn mạnh vào protein của huyết tương thì dạng thuốc tự do không gắn được của thuốc sẽ tăng lên và phân phối càng nhiều vào mô tế bào, kéo theo đó làm tăng tác dụng độc tính khi sử dụng thuốc digoxin, salicylat, phenytoin, theophylin, phenobarbital...
Hàng rào máu - não ở trẻ em
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hàng rào máu - não chưa phát triển đầy đủ nên lưu lượng máu đến não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường cao hơn người lớn. Do đó nên thuốc dễ ngấm vào hệ thần kinh trung ương nhanh hơn, nhiều hơn ở người lớn dẫn đến tác dụng và độc tính của thuốc trên hệ thần kinh trung ương sẽ tăng lên khi sử dụng các loại thuốc ngủ, an thần, chế phẩm có chất thuốc phiện...
Chuyển hóa thuốc ở trẻ em
Thực tế gan của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ và trưởng thành nên nhiều loại thuốc khi sử dụng khó chuyển hóa được ở gan; chất mẹ tích tụ lại, không thải trừ được và sẽ gây độc nếu sử dụng các loại thuốc như: diazepam, phenobarbital, paracetamol, theophylin, tolbutamid, chloramphenicol...
Thải trừ thuốc qua thận ở trẻ em
Lúc trẻ mới sinh và trẻ nhỏ, chức năng thấm lọc của cầu thận và thải trừ thuốc sử dụng qua ống thận còn rất yếu; đồng thời lưu lượng máu qua thận cũng kém. Vì vậy đối với các loại thuốc thải qua thận sẽ kém được loại trừ, chúng có thể tích lũy lại trong cơ thể và gây độc. Vì vậy cần thận trong khi sử dụng các loại kháng sinh nhóm aminoglycosid, aspirin, sulfamid, penicillin, paracetamol, digoxin, phenobarbital, furosemid...
Khi trẻ em bị mắc bất kỳ một loại bệnh nào, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ sinh thiếu tháng, trẻ đang còn bú sữa mẹ và trẻ nhỏ, cần lưu ý đặc điểm cơ thể của trẻ rất dễ nhạy cảm và chưa hoàn chỉnh nên phải thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị kể cả thuốc tây y lẫn thuốc y học cổ truyền, từ loại thuốc bôi ngoài da cho đến thuốc uống, thuốc tiêm... Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý tùy tiện mua và sử dụng bất cứ một loại thuốc gì khi trẻ chưa được thầy thuốc khám bệnh, kê đơn, tư vấn và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách rõ ràng, cụ thể để bảo đảm sự an toàn cho trẻ.
(Nguồn: suckhoedoisong.vn)