Những điều cần nhớ khi dùng kháng sinh cho trẻ

Cập nhật: 3/4/2019 | 8:47:50 AM

Kháng sinh có thể gây hại nhiều hơn lợi nếu lạm dụng hoặc dùng không đúng cách.

Đặc biệt với trẻ em, việc lạm dụng kháng sinh có thể khiến vi khuẩn ngày càng kháng thuốc hay phá hủy hệ vi sinh lành mạnh trong ruột...

Chỉ dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn

Nhiễm trùng ở trẻ có thể do virut hoặc vi khuẩn... Tuy nhiên, kháng sinh chỉ có tác dụng với các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn gây nên.

Vi khuẩn là thủ phạm chính của hầu hết các loại viêm nhiễm ở trẻ em như viêm tai, viêm họng do Streptococcus, viêm xoang và viêm niệu đạo... Thuốc có tác dụng phá hủy cấu trúc của vi khuẩn hoặc triệt tiêu khả năng sinh sản của chúng... Kháng sinh thường được phân loại như sau:

Những loại kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn như penicillin, cephalosphorin (được gọi là thuốc diệt khuẩn). Chúng có thể tấn công trực tiếp thành tế bào của vi khuẩn, làm tổn thương những tế bào này. Từ đó, vi khuẩn không thể tiếp tục xâm hại và gây bệnh lên cơ thể người.

Các loại kháng sinh có tác dụng ngăn chặn quá trình tăng trưởng hoặc sinh sản của vi khuẩn như tetracycline, erythromycin... thường được gọi bằng cái tên “thuốc kìm hãm vi khuẩn”. Loại thuốc này ngăn vi khuẩn hấp thụ dinh dưỡng, giúp chặn đứng khả năng phân chia và sinh sôi của chúng. Khi không đạt đủ số lượng cá thể để gây bệnh, những vi khuẩn này sẽ bị hệ miễn dịch của vật chủ (cơ thể) tiêu diệt.

Một số loại kháng sinh phổ rộng có thể tiêu diệt nhiều chủng vi khuẩn trong cơ thể, trong khi số khác chỉ hiệu quả với một số loại vi khuẩn nhất định. Làm kháng sinh đồ trước khi kê đơn sẽ giúp bác sĩ lựa chọn loại thuốc kháng sinh phù hợp với loại vi khuẩn gây bệnh một cách chính xác nhất, đạt hiệu quả chữa bệnh cao nhất.

Thuốc kháng sinh cho trẻ em có nhiều dạng như viên nén, viên con nhộng, dạng lỏng (hỗn dịch, bột pha nước uống...). Đối với trẻ lớn có thể dùng dạng viên, nhưng với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi, nên chọn dùng dạng thuốc lỏng cho dễ nuốt.

nhung-dieu-can-nho-khi-dung-khang-sinh-cho-tre-1

Khi dùng kháng sinh cho trẻ cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM

Dùng phòng bệnh khi nào?

Dù hầu hết các trường hợp kháng sinh được dùng để trị các ca viêm nhiễm của trẻ nhưng loại thuốc này đôi khi còn đóng vai trò phòng bệnh. Một số trường hợp sau có thể dùng kháng sinh để phòng bệnh:

Những trẻ hay bị viêm niệu đạo thường được kê đơn có kháng sinh để ngăn bệnh tái phát. Vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt trước khi chúng có thể gây bệnh.

Bác sĩ có thể kê đơn penicillin cho con bạn để phòng bệnh sốt thấp khớp cấp tính.

Những trẻ, thậm chí người lớn bị chó hoặc các loại thú khác cắn có thể được bác sĩ khuyên dùng thuốc kháng sinh để tránh viêm nhiễm.

Khi những trẻ lứa tuổi thiếu niên được nhập viện để chuẩn bị cho ca mổ, các em có thể được cho uống thuốc trước khi phẫu thuật để tránh nhiễm trùng tại vết mổ. Thời gian thông thường là trước 30 phút, chỉ cần 1 liều duy nhất.

Trong những trường hợp phải dùng thuốc kháng sinh dự phòng, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp và dùng trong thời gian ngắn nhất có thể.

Cần lưu ý tới tác dụng  phụ của thuốc

Khi dùng kháng sinh, một số tác dụng phụ thường gặp có thể xảy ra như: đau bụng, tiêu chảy hoặc buồn nôn. Tình trạng này thoảng qua, không cần ngừng thuốc; nhưng nếu các triệu chứng này nặng kéo dài, cần được xử lý thích hợp.

Ngoài ra, một số trẻ có thể bị dị ứng với penicillin và các loại kháng sinh khác, gây những triệu chứng như phát ban hay khó thở. Nếu những triệu chứng trên chuyển biến xấu, gây thở gấp, khó nuốt hay khó thở, hãy gọi ngay cho bác sĩ và phòng cấp cứu.

Hãy nhớ, nếu con bạn bị cảm cúm, kháng sinh không phải là giải pháp. Các bậc cha mẹ đôi khi khó có thể phân biệt được căn bệnh của con em mình là do virus hay vi khuẩn. Vì vậy, đừng bao giờ tự chẩn đoán và điều trị cho con mình. Hãy liên lạc hoặc đến khám tạibệnh viện hay phòng khám nhi khoa để được dùng thuốc kháng sinh hợp lý.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin