Yêu con như thế bằng 10 hại con

Cập nhật: 1/6/2012 | 7:51:00 AM

Mẹ sợ bố, bà cho con ăn không đúng bữa, không đủ định lượng, thức ăn không đủ chín, an toàn… Thế là mẹ ôm tuốt mọi việc chăm con.

Lơ mơ nhận ra ôm con chặt quá làm con mất hết khả năng tự lập, thích nghi với đời sống là trạng thái của không ít bà mẹ thời nay. Tỉnh sớm hay muộn thì mẹ cũng ngỡ ngàng pha ngậm ngùi vì hóa ra yêu con như thế bằng mười hại con, hại cả mình.
 
Làm mẹ thì không được ốm

Đấy là câu đùa mà lại pha nét tự trào xót xa rất thật của các bà mẹ từ lúc sinh con ra cho tới già sắp về với đất. Không chỉ không dám ốm, mẹ còn nhiều khi không dám sống cho mình và lấy giấc con ngủ ngon, bữa con ăn nhanh thun thút làm niềm vui sống duy nhất.

Mẹ nhịn miếng ăn, giấc ngủ đến suy nhược để chăm con khi nhỏ. Mẹ sợ bố, bà cho con ăn không đúng bữa, không đủ định lượng, thức ăn không đủ chín, an toàn… Thế là mẹ ôm tuốt mọi việc chăm con. Hoặc mẹ mải mê nghiên cứu thức ăn thay đổi xoành xoạch kiểu Tây, kiểu Nhật. Mới lạ tới mức con… tiêu chảy, biếng ăn vì không kịp làm quen và xoay như chong chóng theo thực đơn của mẹ. Con suy dinh dưỡng thể béo phì hoặc còi cọc rồi mẹ vẫn chưa nhận ra lý do ở chính đôi bàn tay mình và nếp chăm con kỹ đến “mất hết vi khuẩn có lợi”.
 
Con đi học lớp Một vẫn chưa tự phục vụ được các nhu cầu cá nhân tối thiểu như lau chùi vệ sinh, xếp sách vở đi học, xúc cơm ăn… Điểm con thi thấp lè tè mẹ đau lòng vì đó là điểm nuôi dạy con của mình mà con thì lắm khi tới tận đại học vẫn cứ vô cảm như thể đó là chuyện sớm muộn gì mẹ chả đỡ cho. Cô chiêu cậu ấm ngỡ đời này ai cũng không thể địch lại bóng mẹ ấp iu mình, rồi cứ ung dung hưởng thụ, không thấy mình đang bào mòn, chiếm dụng đến tàn tệ cuộc đời mẹ. Nhưng con hư tại mẹ xem ra lúc này là đúng nhiều phần.

Mẹ lo lắng theo sát, bầu bạn với con để biết được diễn biến tâm sinh lý của con những khúc quanh quan trọng cuộc đời. Có cô bé tuổi teen vừa tự hào vì mẹ lắng nghe và chỉ vẽ cho mình hơn nhiều bạn gái khác, nhưng cũng xấu hổ khối phen vì chuyện bạn trai “chưa có gì” mà mẹ đã tìm cách dò tin, tổ chức mạng lưới quây để  không cấm con nhưng mình không thể để nó sa vào dại dột. Rốt cuộc bạn bè lại ngại chơi với cô vì mẹ hay soi quá, mất hết cả tự nhiên của tuổi mới lớn. Chưa kể có bà mẹ còn yêu con theo cách ai động chạm góp ý gì về con là nhảy đổng lên bênh con, phản ứng, bé xé ra to hoặc ngược lại nghe ai nhắc nhở gì thì lập tức rèn con bằng những trận te tua la mắng, thương cho roi cho vọt. Đấy là bản năng mẹ lấn lý trí của nhà giáo dục thông thái mà mỗi bà mẹ không thể sao nhãng.

Hậu quả … mẹ kiệt quệ mỏi mêt thể xác lẫn tinh thần mới đau đớn nhận ra mình đã hy sinh quá mức. Lắm khi đã muộn mới hiểu đầu tư, chăm sóc cho bản thân mình cũng chính là để được sống khỏe, sống lâu hơn mà lo, mà vui với con. Bà mẹ nọ trong những ngày chống chọi với bệnh ung thư giai đoạn cuối mới cay đắng gửi gắm cô bạn thân giúp dạy con gái 15 tuổi của mình biết tự lo lấy thân, tự nấu cơm mà ăn. Bao năm trước đó, mẹ chăm cho con xinh đẹp nõn nà, chỉ cần con học thật giỏi, con vui vẻ mà bỏ qua dạy con bếp núc, giặt giũ, tự phục vụ bản thân.

Mẹ tạo cho con thói quen ỉ lại, không có nhu cầu tự phấn đấu để thỏa mãn cuộc sống của bản thân. Con quen với mô hình ứng xử mẹ sinh ra là để hy sinh cho con,  mà không thấy mẹ cũng cần được con yêu thương, chăm sóc. Những hy sinh quá mức của mẹ như vậy không còn ý nghĩa là tấm gương để con học theo và đền đáp trước hết là cho lòng mẹ. Nhìn xa hơn, những đứa con không có sức đề kháng với khó khăn cuộc đời ấy mai này hoặc sẽ lặp lại phận đàn bà mòn mỏi hoặc  xem vợ là mẹ của con mình chứ không phải bạn đời đúng nghĩa. Sự hòa tan của mẹ vào đời con ấy rốt cuộc có cho mẹ niềm vui thanh thản hay lại chất thêm âu lo không bao giờ gỡ nổi lên vai mẹ? Thực chất đó là sự thất bại của một đời làm mẹ cũng nên.

Hãy hy sinh một cách thông thái

Đời mẹ thế hệ trọng truyền thống hay tất bật hiện đại thì con vẫn cứ là giá trị hàng đầu. Nhất là thời buổi này có mỗi một hai “của để dành” chứ nào phải con đàn mà không vun quén, xót xa con từ miếng ăn giấc ngủ.
 
Mẹ sẵn sàng hy sinh những thú vui son trẻ, những cơ hội thăng tiến, quên luôn cả giới hạn sức khỏe bản thân vì con. Mẹ quên rằng con là một nhân cách độc lập, con như cái cây cần được vun xới, bắt sâu, tưới tắm, bồi đắp kỹ năng sống để dần dần tự hít thở khí trời, tới ngày tự lập mà lớn chứ mẹ không thể nào đi cùng con mãi mãi. Mẹ không định sống thay đời con nhưng rất thường khi sự ôm ấp quá kỹ và ôm đồm gánh vác của mẹ lại làm con thui chột nhuệ khí làm người, hy sinh của mẹ quá mức đâm ra vô ích.

Sự hy sinh của những bà mẹ về bản chất là đầu tư cho tương lai nhưng nhà đầu tư mẹ thông thái không thể là một cô bảo mẫu độc tài. Kinh nghiệm, kỹ năng sống của mẹ cần được truyền cho con thay vì nóng mắt, sốt ruột, sợ con làm việc nhà thì ảnh hưởng thời gian học, sợ con rửa bát thì vỡ, đi chợ thì mua thịt ôi… rồi mẹ vơ hết việc cho nhanh, cho gọn như ý mình và cứ nghĩ thế là tốt cho cả bố lẫn con nó. Đảm đang kiểu này là đảm đang quá đà, vô tình mẹ đã không cho con cơ hội để tập tành quán xuyến gia đình, cuộc đời nó mai sau.

Khi ngộ ra con hư tại mẹ, có mẹ quay ra dằn hắt con mày là đồ ăn hại, vô tích sự rồi cay đắng chấp nhận suốt cuộc đời còn lại ra sức gồng lưng mỏng để thọ nạn do mình gây ra.  Một vài bà mẹ cay đắng trầm cảm cho rằng mình là gà mái không biết nuôi con, không xứng đáng làm mẹ.
 
Nhưng cũng có rất nhiều bà mẹ đã vượt lên nỗi xót xa đau buồn ấy để còn nước còn tát, vừa gỡ dần mớ rắc rối đời con, vừa lên kế hoạch cân bằng cuộc sống của chính mình. Và tất nhiên tốt nhất là mẹ nên nhớ nằm lòng câu dạy con từ thuở còn thơ. Sự tỉnh ra này tới càng sớm càng dễ gỡ.  Chỉ cần mẹ quyết tâm thì không bao giờ muộn dù không ít gian nan để uốn con lại.

Truyền đạt kỹ năng thay vì làm hộ là điều cốt yếu nhất. Mẹ cần nắm được yêu cầu phát triển lứa tuổi của con. Không vội mừng khi con vọt quá nhanh vì nên cảnh giác rằng sự vượt trước ấy rất có thể gây khó khăn cho sự hòa đồng vào môi trường của con. Cũng không được nản rồi nhồi nhét tạo áp lực khi con chưa đủ chín bằng bạn bè đồng trang lứa. Cần biết lọc thông tin nuôi, dạy con từ sách vở, internet và từ những người xung quanh để áp dụng đúng vào trường hợp con mình thay vì biến con thành chuột bạch thí nghiệm, thử sai.
 
Mẹ thông thái là mẹ biết chấp nhận giới hạn khả năng của con và của chính điều kiện sống mà mình có thể đem lại cho con. Lựa cơm gắp mắm, tạo cho con phát triển tốt nhất trong điều kiện có thể mới thực là hy sinh hợp lý của bà mẹ tảo tần.
 
Phân chia năng lượng sống cho cả con và mẹ mới là cách phát triển bền vững chất lượng sống của cả đời mẹ và đời con. Có niềm tin vào những người khác, đặc biệt là bố, để chia sẻ nhiệm vụ chăm lo con để san sẻ gánh nặng và bản thân con cũng được bổ sung thêm những kỹ năng, tố chất mà chỉ mình mẹ thì không thể cho con đầy đủ.
 
Bí quyết rất đơn giản: mẹ vì con và mẹ không quên mình cũng là vì con. Để thực hiện điều đó chỉ cần phát huy đức tính sẵn có trong mọi trái tim mẹ: nhẫn nại, kiên trì và kiềm chế đừng để tình yêu và vòng tay bảo bọc con của mình xiết con tới… nghẹt thở.


(Nguồn: phunuonline.vn)

In bản tin