4 bước quan trọng bác sĩ khuyên làm khi trẻ mắc Covid-19
Cập nhật: 17/1/2022 | 8:38:54 AM
Khi trẻ mắc Covid-19, gia đình cần báo với y tế địa phương, kết nối với bác sĩ hỗ trợ F0. Phụ huynh cũng chuẩn bị phòng, người chăm sóc trẻ, thuốc và các vật dụng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, hơn 81% số F0 của TP đang cách ly, điều trị tại nhà. Đối tượng F0 được cách ly tại nhà là trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi. Với người bệnh Covid-19 là trẻ em, gia đình cần lưu ý các vấn đề sau:
Triệu chứng trẻ thường gặp khi mắc Covid-19 mức độ nhẹ
Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ: sốt, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng. Trẻ lớn có thể đau đầu, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác, trẻ nhỏ thì quấy, ít chơi hơn. Một số trẻ có các biểu hiện ở đường tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn.
Trẻ tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, ăn/uống/bú bình thường, không có biểu hiện của viêm phổi. Nhịp thở bình thường so với tuổi. Đồng thời, trẻ không có dấu hiệu thiếu oxy: SpO2 ≥ 96%.
Trẻ mắc Covid-19 được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Thanh Tùng |
Cần làm gì khi con là F0?
Bước 1: Cha mẹ phải báo với y tế địa phương. Trẻ em là đối tượng khác biệt so với người lớn, một số trẻ < 3 tháng, trẻ có bệnh lý nền nên được theo dõi tại cơ sở y tế.
Bước 2: Gia đình kết nối với đội ngũ bác sĩ hỗ trợ F0. Trẻ em thường không thể phản ánh chính xác tình trạng của mình, các triệu chứng thay đổi từng ngày, nhiều phụ huynh chưa có kinh nghiệm trong việc theo dõi trẻ do đó rất cần sự hướng dẫn và hỗ trợ của các bác sĩ để tránh bỏ sót những dấu hiệu nặng của bệnh, cũng như hạn chế sự lo lắng quá mức của gia đình.
Bước 3: Gia đình cần chuẩn bị phòng, người chăm sóc cho trẻ. Vì bé sẽ có khoảng thời gian ít nhất 2 tuần ở trong phòng, trong nhà, do đó cần đảm bảo bé sẽ có thể có đủ đồ chơi, không gian vận động thoải mái. Khi trẻ ốm phải chú ý đến tâm lý của trẻ. Người chăm sóc cần tạo không khí thoải mái, vui vẻ, hạn chế những căng thẳng, stress, lo lắng cho các con.
Bước 4: Chuẩn bị thuốc và các vật dụng cần thiết cho chăm sóc trẻ:
1. Thuốc hạ sốt: Bình thường các đợt ốm trước bé dùng hạ sốt gì thì đợt này dùng loại hạ sốt đó, theo đúng cân nặng của con. Với trẻ khó uống thuốc, bố mẹ nên chuẩn bị thêm thuốc hạ sốt đặt hậu môn để dùng trong trường hợp trẻ không uống được.
2. Thuốc ho thảo dược và thuốc ho long đờm: Phụ huynh chọn 1 loại thảo dược và 1 loại thuốc long đờm tây y. Thời gian đầu, nếu trẻ ho trước tiên nên cho trẻ sử dụng thuốc ho thảo dược.
3. Các dung dịch xịt mũi, vệ sinh mũi họng: Gia đình dùng để vệ sinh mũi họng cho trẻ, giảm sự khó chịu, giảm nguy cơ bội nhiễm.
4. Các thuốc tăng sức đề kháng, vitamin: Mục đích hỗ trợ trong quá trình điều trị. Với trẻ lớn, dùng thuốc vitamin nhóm B, C. Trẻ nhỏ dùng multivitamin dạng siro. Với những trẻ ăn uống, dinh dưỡng tốt, không mệt nhiều không quá cần thiết phải sử dụng vitamin. Phụ huynh lưu ý không cho trẻ sử dụng quá nhiều loại vitamin cùng một lúc dễ gây dư thừa và gây ra các tác dụng phụ.
5. Vật dụng: Gia đình cần chuẩn bị kẹp nhiệt độ. Ưu tiên nhiệt kế điện tử kẹp nách, nếu không có, gia đình có thể dùng nhiệt kế thủy ngân kẹp nách. Máy đo SpO2 theo lứa tuổi (nếu có điều kiện, không bắt buộc).
Chăm sóc trẻ như thế nào?
- Đảm bảo vấn đề dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề hàng đầu cần quan tâm. Chia nhỏ bữa ăn, ăn thành nhiều bữa, lựa chọn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, giàu năng lượng.
- Đảm bảo bù đủ nước điện giải cho trẻ trong trường hợp trẻ có sốt cao liên tục. Trẻ lớn, trẻ hợp tác, phụ huynh nên bổ sung oresol, nước hoa quả. Trẻ trong độ tuổi bú mẹ cần cho bú mẹ nhiều hơn.
- Dùng thuốc hạ sốt theo đúng liều lượng và khoảng thời gian, cho trẻ mặc quần áo thoáng, bỏ bỉm khi trẻ sốt.
- Vệ sinh mũi hàng ngày, mũi sạch sẽ thì trẻ sẽ đỡ ngạt, đỡ ho, đỡ quấy và bú dễ dàng hơn. Đồng thời, cần vệ sinh thân thể sạch sẽ cho trẻ.
Những dấu hiệu cần theo dõi
Người chăm sóc cần theo dõi nhiệt độ của trẻ ngày 2 lần, khi sốt. Ghi lại diễn biến thời gian dùng hạ sốt, nhiệt độ khi sốt, liều lượng thuốc hạ sốt.
Cha mẹ cần theo dõi nhịp thở khi ngủ ngày 2 - 3 lần (ghi lại); theo dõi SpO2 ngày 2 lần (nếu có máy). Phụ huynh nên quan sát trẻ ăn, trẻ chơi xem có dấu hiệu gì bất thường không.
Các dấu hiệu cần báo nhân viên y tế
- Trẻ sốt cao liên tục > 39 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ sốt (dùng hạ sốt sau khoảng 1 - 2 giờ nhiệt độ không giảm).
- Trẻ sốt cao quá 48 giờ.
- Mệt nhiều, ăn/uống/ bú kém hơn.
- Thở nhanh: Trẻ < 2 tháng: > 60 lần/phút; 2 - 11 tháng: > 50 lần/phút; 1 - 5 tuổi: > 40 lần/phút; > 5 tuổi: > 30 lần/phút
- SpO2 < 96%
- Ho cơn dài, trẻ lớn: tức ngực, khó thở.
- Trẻ ít chơi, quấy khóc nhiều.
Tiến triển Covid-19 ở trẻ em
Hầu hết viêm đường hô hấp trên ở trẻ tự hồi phục sau 1 - 2 tuần. Thường ngày thứ 7 - 10, nếu không có các biến chứng nặng trẻ sẽ dần hết các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh. Số ít trẻ thường diễn tiến nặng, rơi vào ngày thứ 5 - 8 của bệnh.
Gia đình cần lưu ý:
- Thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với Covid-19 mức độ nhẹ, không bội nhiễm. Phụ huynh chỉ cho trẻ sử dụng khi có hướng dẫn của các bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng.
- Hiện tại, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với Covid-19 dùng cho trẻ dưới 12 tuổi tại nhà do đó, vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.
- Gia đình không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh. Việc theo dõi sát sao hàng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng.
- Tất cả những hướng dẫn của các bác sĩ đều theo sát hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế. Với các thuốc xách tay, các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không có trong khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế không sử dụng.
(Nguồn: vietnamnet.vn)