Phòng tránh bỏng cho bé mùa hè

Cập nhật: 23/6/2012 | 10:20:46 AM

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè là số bệnh nhi bị bỏng lại tăng đáng kể. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, trung bình mỗi ngày khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn) có 15-17 bé đến khám, trong đó 2/3 phải nhập viện.

Thạc sĩ Nguyễn Thống (Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, tai nạn bỏng ở bé đặc biệt gia tăng về mùa hè, cả về số lượng và mức độ. Số bé luôn chiếm 40-60% bệnh nhân điều trị tại khoa lúc này. Đặc biệt trời càng nóng, thì số ca tai nạn đến viện càng tăng.

"Nguyên nhân là vì thời tiết nóng bức, cha mẹ đi làm về mệt mỏi nên thường để bé tự chơi, dẫn đến bị bỏng điện, nước sôi. Trường hợp này hay gặp ở những gia đình ngoại tỉnh di cư lên thành phố sống trong những khu nhà thuê trọ đường điện, bếp nấu tạm bợ... Ngoài ra, cũng có bé bị bỏng là do được gia đình cho đi ăn hàng, chỉ một phút sơ sểnh người lớn không để ý là bé có thể thò tay vào nồi lẩu, bát canh nóng" -thạc sĩ Thống lý giải.

Cũng theo bác sĩ thì hầu hết tai nạn bỏng ở bé, nhất là bé 1-3 tuổi là do sự bất cẩn của người lớn. Ở độ tuổi này bé chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh lại hay bắt chước. Trong khi đó cha mẹ, người lớn trong nhà mải làm việc hoặc chính bản thân một số người cũng không nhận thức được những nguy cơ gây bỏng bất ngờ cho bé như: để bát canh nóng gần chỗ bé chơi, đặt nồi cơm điện đang sôi dưới nền nhà… Trong những tình huống này, chỉ cần một phút cha mẹ quay đi, bé đã có thể bị bỏng. 

 Bé gái 16 tháng tuổi bị bỏng vì cho tay vào nồi canh nóng.

Theo kết quả một khảo sát gần đây về tai nạn thương tích ở Việt Nam, thì bỏng là một trong những nguyên nhân tai nạn thương tích hàng đầu ở bé, đặc biệt dưới 5 tuổi. Trong đó có đến 91% trường hợp bị thương và 81% trường hợp tử vong do bỏng là xảy ra trong nhà. Có đến 45% nạn nhân bị những di chứng trên cơ thể mặc dù đã được điều trị.

Thực trạng cũng tương tự tại Viện Bỏng Quốc gia (Hà Nội). Khoa Chữa bỏng trẻ em hiện có 42 cháu điều trị. Có bé mới 7 tháng tuổi ở Bắc Giang bị bỏng nước sôi với diện tích 25%, trong đó có đến 15% là bỏng sâu. Đây là một trong những trường hợp nặng điều trị tại khoa. Tai nạn xảy ra hôm 3/6, khi đó bé ở nhà cùng với bà. Người bà vừa rót nước sôi vào phích, chưa kịp cất lên cao thì bé đang bò trên nền nhà với tay kéo đổ cả phích nước vào người.

Anh Trần Văn Hàng (ở Phú Lương, Thái Nguyên) không giấu nổi những giọt nước mắt ân hận khi kể về tai nạn xảy ra với cô con gái 4 tuổi của mình. Trong lúc đang chạy chơi nô đùa cùng bạn, cháu đá chân vào bàn bị ngã, đồng thời đổ ấm điện, nước sôi dội xuống người khiến bé bị bỏng 30% cơ thể.

“Nhiều lúc tôi tự trách mình sinh con ra đẹp thế mà giờ cháu bị bỏng nặng như vậy. Giờ có cho tôi tiền tỷ mà con bị như thế tôi cũng chẳng thích. Nhưng trách ai bây giờ, chỉ có trách bản thân mình, nếu chỗ đun nước đặt xa chỗ chơi của con, nếu quan tâm đến con nhiều hơn thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Tất cả lỗi là tại mình, tại người lớn cả" - anh Hàng chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vân (Khoa Chữa bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia) cho biết, có vô vàn tình huống trong sinh hoạt hằng ngày có thể khiến bé bị bỏng. Có bé cho hai tay vào nồi canh, bát cháo nóng hoặc chạy vấp vào xoong nước nóng, đổ vào người gây bỏng. Có bé lại bị bỏng do dùng que sắt chọc vào đường diện cao thế.

"Có trường hợp, mẹ thực hiện theo khuyến cáo khi tắm cho con là đổ nước lạnh vào chậu trước rồi mới đổ nước nóng. Thế nhưng vì một phút mất cảnh giác mà mẹ đổ nước nóng vào cả chiếc ca, bé không biết cứ thế cầm ca đổ lên người thế là bị bỏng" - bác sĩ Vân nói.

Thạc sĩ Nguyễn Thống (Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pon) cho biết, tai nạn bỏng ở bé nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều, bởi sức đề kháng của bé còn kém, dễ bội nhiễm.

Bé có thể tử vong do mất nước, mất điện giải, shock bỏng, nhiễm khuẩn vết thương, nhiễm khuẩn máu, suy giảm miễn dịch... Thời gian điều trị kéo dài 2-3 tuần hoặc dài hơn tùy thuộc vào diện bỏng và mức độ bỏng. Nếu vượt qua giai đoạn dễ tử vong nhất (sau 5-15 ngày) thì bé vẫn phải được theo dõi trong 2 năm sau đó đề phòng các di chứng.

Sau khi điều trị, bé còn có thể gặp một số di chứng về tâm thần và thể chất. Bé có thể bị ảnh hưởng đến khả năng học tập, tiếp thu bài học chậm hơn so với các bạn. Về thể chất, nếu không được tư vấn và điều trị thì các di chứng ở bé sau bỏng sẽ nặng nề hơn so với người lớn do cơ thể bé đang trong giai đoạn phát triển.

Những di chứng thường gặp là rối loạn sắc tố, ngứa, viêm da, sẹo. Nếu bé có sẹo co kéo ở ngực sẽ khiến ngực không phát triển làm cho lồng ngực bị hẹp lại, thể tích phổi không phát triển được. Nếu bé bị sẹo co kéo ở khớp không chỉ gây mất vận động mà còn có thể gây biến dạng xương. Khi bé bị sẹo ở cổ có thể gây co kéo cổ làm lệch cột sống.

Các bác sĩ khuyến cáo, đề phòng tránh tai nạn bỏng ở bé, cha mẹ cần luôn để mắt tới con, để tác nhân gây bỏng xa tầm tay của bé như phích nước để chỗ kín, nồi canh để trên cao bé không với tới... Khi bé bị bỏng, cần tách tác nhân gây bỏng, làm giảm nhiệt độ bề mặt vết bỏng dưới vòi nước lạnh, sau đó băng ép, chuyển đến cơ sở y tế. Những cách làm truyền thống như bôi kem đánh răng, nước mắm, thuốc lá không có tác dụng.


(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin