Phòng ngừa sớm hội chứng rối nhiễu tâm trí ở trẻ

Cập nhật: 15/5/2013 | 9:25:25 AM

Trẻ bị rối nhiễu tâm trí nếu không được phát hiện sớm để có biện pháp kiểm soát kịp thời sẽ gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời. Bởi vậy, để giảm được tỷ lệ trẻ em mắc bệnh rối nhiễu tâm trí rất cần sự can thiệp, hỗ trợ, giúp đỡ từ phía gia đình, cộng đồng và xã hội.

Theo số liệu điều tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  tỉnh, năm 2012, toàn tỉnh có 280.180 trẻ em (có độ tuổi từ 0-16 tuổi). Trong đó, trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 24.515 trẻ. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh chưa có nghiên cứu đánh giá đầy đủ nào về thực trạng hội chứng rối nhiễu tâm trí của trẻ em trên địa bàn cũng như biện pháp can thiệp giải quyết vấn đề này.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thường xuyên cử cán bộ, cộng tác viên tới nhà dân để tìm hiểu về các trường hợp trẻ em bị rối nhiễu tâm trí. (Ảnh chụp tại thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Huy (CTV)
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thường xuyên cử cán bộ, cộng tác viên tới nhà dân để tìm hiểu về các trường hợp trẻ em bị rối nhiễu tâm trí. (Ảnh chụp tại thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Huy (CTV)

Ông Đặng Hữu Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Rối nhiễu tâm trí được dùng để chỉ trạng thái lệch lạc về sức khoẻ tâm trí trong một thời gian đủ dài không thể trở về bình thường, đòi hỏi cần có sự can thiệp chuyên môn để tránh rối nhiễu nặng dần, dẫn đến tổn thương tâm thần khó hồi phục”. Rối nhiễu tâm trí ở trẻ em có những biểu hiện bất thường ở trẻ ngay từ những năm đầu đời như: Quấy khóc thường xuyên, biếng ăn, bám mẹ, chậm nói… Ở lứa tuổi học đường, rối nhiễu tâm trí là nguyên nhân chính làm giảm sút chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ bỏ học, bạo lực học đường và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng tự tử trong học sinh. Nếu không được điều trị thích hợp và hỗ trợ kịp thời sẽ khiến cho đời sống tình cảm và quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn, tình trạng càng thêm trầm trọng, bệnh nhân dần bị tách hẳn ra khỏi cuộc sống đời thường, một bộ phận sẽ tìm đến cái chết bằng tự tử.  

Bởi vậy, phòng chống rối nhiễu tâm trí ở trẻ là rất cần thiết. Nếu can thiệp kịp thời, đúng cách sẽ giúp người bệnh trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường một cách nhanh chóng. Ông Bình cũng cho biết thêm: “Thông qua chương trình 267 cùng các đề án 32, 1215 có nội dung về việc phòng chống rối nhiễu tâm trí cho trẻ, hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh hơn công tác chăm sóc trẻ em; đặc biệt với đối tượng trẻ yếu thế do mắc rối nhiễu tâm trí, bệnh tâm thần”. Cụ thể như: Xây dựng mô hình mẫu can thiệp điều trị về tâm lý trị liệu và hoá trị liệu cho trẻ có rối nhiễu tâm trí; tổ chức tập huấn cho các cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội, các cán bộ trong hệ thống y tế chăm sóc nhi khoa liên quan trong công tác phòng chống rối nhiễu tâm trí ở trẻ. Theo đó, nhóm nghiên cứu về một số giải pháp nhằm giảm thiểu hội chứng rối nhiễu tâm trí trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng sàng lọc được khoảng 200 trẻ có điểm số rơi vào ngưỡng mắc rối nhiễu tâm trí. Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cùng với phòng khám TuNa (Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng) xây dựng một mô hình mẫu can thiệp hỗ trợ điều trị cho 30 trẻ về tâm lý trị liệu và hoá trị liệu cho trẻ có hội chứng rối nhiễu tâm trí. Ngoài ra, với 170 trẻ có điểm số rơi vào ngưỡng mắc rối nhiễu tâm trí còn lại sẽ được thực hiện hỗ trợ, tư vấn tâm lý tại điểm tư vấn nhằm mục đích giúp trẻ tự tin, sớm hoà nhập cộng đồng. Thêm nữa, để tăng cường năng lực thực hiện chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã tiến hành đào tạo được 6 bác sĩ có kỹ thuật, hỗ trợ điều trị cho trẻ có rối nhiễu tâm trí. Tập huấn cho 637 cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội, các cán bộ trong hệ thống y tế chăm sóc nhi khoa và các nhân viên thuộc các ban, ngành khác liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công tác xã hội, bảo trợ xã hội trong tỉnh về trong phòng chống rối nhiễu tâm trí ở trẻ.  

Tuy nhiên, để tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục một cách tốt nhất cần sự chung tay, hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội. Trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống rối nhiễu tâm trí ở trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Có như vậy, tỷ lệ mắc bệnh rối nhiễu ở trẻ mới nhanh suy giảm và giúp các em đã mắc bệnh sớm hoà nhập với cộng đồng.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin