Những lưu ý khi chăm sóc trẻ nhỏ trong thời tiết nồm

Cập nhật: 2/3/2014 | 7:53:14 PM

Những ngày qua người dân khắp miền Bắc nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng đều phải sống trong cảnh thời tiết ẩm ướt, mưa phùn và sương mù, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và đời sống.

Bước vào thời kì cuối đông bước sang đầu xuân do vậy nhiều ngày nay, toàn Bắc Bộ chìm trong  sương mù dày đặc kèm theo mưa phùn. Cùng với đó là độ ẩm không khí cao, ẩm ướt tạo nên hiện tượng nồm.

Trời nồm với độ ẩm cao, nhiệt độ thấp tạo điều kiện cho các vi sinh vật, nấm, các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới các bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ như dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp, hắt hơi, khó thở và các bệnh sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella.... Độ ẩm cao còn làm cho sàn nhà đọng nước, trơn trượt có thể làm cho trẻ nhỏ  ngã gây chấn thương.

Những ngày gần đây thời tiết nồm, ẩm ướt khiến nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện vì các bệnh viêm phổi, phế quản ( Trong ảnh: Bác sĩ khám cho bệnh nhi tại Bênh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh)
Những ngày gần đây số lượng bệnh nhân nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cao do trời nồm.

Theo bác sĩ Trần Nhị Hà, Phó Trưởng khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết để phòng tránh những bệnh  do thời tiết nồm, các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý :

- Phải rửa tay thường xuyên cho trẻ. Nếu người lớn trong nhà có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi... cần hạn chế tiếp xúc với trẻ và cũng cần chữa trị sớm để không lây sang cho trẻ. Nếu trẻ bị viêm tiểu phế quản, giữ trẻ ở nhà cho đến khi khỏi bệnh để tránh lây truyền cho người khác. Để phòng bệnh cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ nhỏ, đeo khẩu trang khi đi đường và đến chỗ đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết và tăng cường uống nước để nâng cao sức đề kháng.

- Các chứng bệnh đường hô hấp đều diễn tiến rất nhanh. Để phòng bệnh, cha mẹ khi thấy trẻ ho, sốt... cần đưa đi khám sớm để tránh bệnh chuyển nặng. Nên đưa trẻ nhỏ đi tiêm các loại vaccine phòng bệnh. Nếu trẻ ốm nên cho trẻ nghỉ học, vừa để chăm sóc vừa để tránh lây lan trong nhà trẻ, trường học. Nền nhiệt độ nồm ẩm rất thuận lợi cho sự phát triển các virus gây bệnh đường hô hấp, vì vậy, cha mẹ khi cho con đi học cần tính toán sao cho buổi sáng mặc ấm, tới trưa mặc mát để tránh bị đổ mồ hôi, thấm ngược làm trẻ cảm lạnh.

- Đặc biệt cần chú ý đến những trẻ trong lứa tuổi mẫu giáo, nhà trẻ. Vì ngoài những nguy cơ do môi trường, thời tiết, thì ở trên lớp học, trẻ còn thêm nguy cơ do phải tiếp xúc với nhiều người. Có những trẻ thì biểu hiện bệnh ra ngoài, nhưng cũng nhiều trường hợp trẻ ủ bệnh chưa biểu hiện ra, tiếp xúc gần với các trẻ này nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường hô hấp là rất cao.

- Với những đồ dùng mà trẻ thường sử dụng, cần làm vệ sinh thường xuyên, phơi, sấy khô quần áo, khăn mặt. Ban đêm độ ẩm tăng cao, trong phòng ngủ của trẻ nên có máy hút ẩm hoặc điều hòa 2 chiều.

- Để giảm độ trơn trượt, ẩm ướt của sàn nhà, thì thường xuyên phải vệ sinh bằng khăn khô tránh gây tai nạn đáng tiếc do trơn trượt.

- Khi đun nấu, tắm rửa… làm tăng độ ẩm trong không khí trong phòng thì cần có quạt thông gió.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin