Trẻ chấn thương vì lý do không tưởng
Cập nhật: 3/1/2012 | 10:30:39 AM
Chấn thương đầu ở trẻ em luôn là 1 mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thương luôn có ở khắp nơi.
Trường hợp 1: Trong tháng 11 vừa qua , em B -15 tuổi được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng mê do chấn thương, xây xước da vùng thái dương. Được biết, B đã leo lên thành cầu thang trượt xuống và bị té đập đầu, thầy giám thị nhà trường phát hiện B đang nằm lơ mơ ở chân cầu thang và đã cùng nhân viên y tế trường học đưa em đi cấp cứu. B được bác sĩ chẩn đoán chấn thương đầu do tai nạn sinh hoạt.
Trường hợp 2: Khoảng 8g ngày 21/11 bệnh nhân B – 14 tháng tuổi bị té ngã ngữa đập đầu khi đang đi trong xe tập đi. Sau té, em bất tỉnh, người nhà đưa B cấp cứu tại Trung tâm Y tế Nhà bè và được xử trí bóp bóng, xoa tim, chích adrenalin và chuyển viện đến bệnh viện Nhi đồng 2.
Ngã khi leo cầu thang rất nguy hiểm với trẻ. (Ảnh minh họa).
Tại khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2, B mê và ngưng thở, đồng tử 4mm ( 2 bên). B được đặt nội khí quản giúp thở, chích vitamin K, chống phù não, truyền HCL với chẩn đoán máu tụ màng cứng bán cầu T do tại nạn sinh hoạt.
Qua 2 trường hợp trên cho thấy chấn thương đầu ở trẻ em luôn là 1 mối nguy hiểm tiềm tàng, nguy cơ xảy ra chấn thương luôn có ở khắp nơi nếu không cẩn thận và tác nhân gây chấn thương đôi khi tưởng chừng như khó có thể xảy ra nhưng vẫn xảy ra .
Để tránh những hậu quả nghiêm trọng do chấn thương sọ não gây ra, BS.CK1. Trương Anh Mậu – Khoa Ngoại có lời khuyên các bậc phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý:
- Trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi.
- Giường nằm của trẻ cần có tấm chắn, dưới chân giường trải nệm để nếu ngã trẻ đỡ bị chấn động.
- Không để trẻ tự ý leo lên gác cao, cửa sổ đang mở hoặc lần bước xuống thang gác.
- Khi chở các trẻ lớn đi xe hai bánh nên đội mũ bảo hiểm cho trẻ.
- Khi xảy ra chấn thương ở đầu cần cho trẻ đi khám ngay. Nếu bác sĩ cho về nhà, trẻ vẫn phải được theo dõi sát theo hướng dẫn trong vòng một tuần.
(Nguồn: nhipcausuckhoe.com.vn)