6/5/2019 | 9:17:04 AM

Tập luyện thể thao vào mùa hè thế nào cho tốt?

Thời tiết nắng nóng khiến bạn ngại tập luyện. Nó cũng dễ khiến bạn mệt mỏi và mất sức nếu tập sai cách. Làm sao để duy trì thói quen tập thể dục và tập thể dục trong mùa hè như thế nào để không ảnh hưởng tới sức khỏe?

Tập luyện thể thao là một điều cực kỳ có lợi cho sức khỏe, tuy nhiên vào mùa nóng các bạn cần một số lưu ý sau đây:

Đề phòng rối loạn thân nhiệt

Ngay trong thời tiết mát mẻ, rối loạn thân nhiệt vẫn là một nguy cơ dễ xảy ra khi chơi thể thao quá 45 phút. Trong thời tiết nóng và ẩm như thời điểm hiện tại, các bệnh về thân nhiệt càng dễ xảy ra.

Dấu hiệu thường thấy:

- Choáng váng, chóng mặt vì ánh sáng.

- Buồn nôn, mệt mỏi.

- Chấm dứt đổ mồ hôi.

- Cảm thấy mình trở nên vụng về, mất khả năng phối hợp các động tác.

- Nhầm lẫn về khả năng quan sát, nhận định.

- Mất tự chủ hoặc nôn nóng,  hoặc hung hăng quá mức thường ngày.

- Da tái hoặc xám đi.

Rối loạn thân nhiệt thường dẫn đến 2 hệ quả, đó là kiệt sức hoặc đột quỵ nhiệt. Trường hợp kiệt sức thường xảy ra nhiều hơn, đó là khi cảm thấy như bị sụp đổ sau khi tập luyện, kèm theo đó là việc hạ huyết áp nghiêm trọng. Đột quỵ nhiệt hiếm hơn, thường có biểu hiện mất tự chủ khi đang vận động và sụp đổ không lâu sau đó. Đây là căn bệnh có thể dẫn đến tử vong và thường không thể tự nhận ra nên nếu thấy bản thân hoặc người bên cạnh có các biểu hiện trên đây thì tốt nhất là nên dừng ngay việc tập luyện thể thao.

Nguyên nhân tăng nguy cơ nhiệt bệnh:

Cường độ tập thể dục quá cao. Yếu thể lực do không tập luyện thường xuyên. Tiền sử bệnh nhiệt hoặc không dung nạp nhiệt. Nhiệt độ không khí cao, độ ẩm cao. Không khí chuyển động thấp, không có gió. Bức xạ mặt trời. Quần áo bức bí. Mất nước.

tap-luyen-the-thao-vao-mua-he-the-nao-cho-tot-1

Trong những ngày nắng nóng, nên lựa chọn các bài tập trong nhà như bơi, yoga, gym...

Những điều cần lưu ý

Bổ sung đủ nước và dinh dưỡng cho cơ thể: Dù tập thể dục trong nhà hay ngoài trời thì bạn cũng phải bổ sung đủ nước cho cơ thể. Tập luyện khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên và làm mồ hôi ra nhiều hơn nhưng tiếp nhận bao nhiêu cho vừa phải lại không phải là điều mà ai cũng biết. Theo khoa học đã chỉ ra, hãy uống khoảng nửa lít ngay trước khi chơi thể thao. Cứ theo mỗi giờ tập luyện liên tục sau đó uống khoảng từ 500-750ml nước và nên chia làm nhiều lần. Không nên để cơ thể thiếu nước nhưng cũng đừng tiếp nhận quá thừa, nó có thể dẫn đến tình trạng hạ lượng natri trong máu. Hãy bổ sung đủ dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách ăn các loại thực phẩm lành mạnh.

Lựa chọn trang phục phù hợp: Một trong những cách tốt nhất để giữ cơ thể không bị quá nóng trong khi tập thể dục là lựa chọn những bộ quần áo mỏng, thoáng khí và thấm hút mồ hôi, có màu sắc sáng và có thể kèm theo các tính năng đặc biệt như nhẹ, dẻo, chống lại ánh nắng mặt trời. Nếu bạn mặc những bộ quần áo để lộ da, hãy bôi kem chống nắng để tránh bị cháy nắng. Nên lựa chọn giày dép thích hợp với từng bài tập.

Lựa chọn thời điểm luyện tập phù hợp: Không nên tập thể dục thể thao vào những thời điểm nóng nhất trong ngày (10h sáng đến 15h chiều), đây thường là thời điểm khắc nghiệt nhất của mùa nóng ẩm dễ khiến cơ thể nhanh chóng bị kiệt sức. Vì vậy, chỉ nên tập trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.

Lắng nghe cơ thể của bạn: Để đảm bảo an toàn khi tập thể dục, bạn nên theo dõi nhịp tim thường xuyên và tập luyện với cường độ tăng dần. Sau mỗi 45 phút tập nên nghỉ từ 10 - 20 phút. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt, hãy kết thúc buổi tập luyện sớm hoặc đổi bài tập nếu cần thiết. Những người đang dùng thuốc để chữa các bệnh như động kinh, béo phì, hen suyễn, tiểu đường cũng không nên tập luyện quá nhiều trong thời tiết khắc nghiệt.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814