25/4/2022 | 8:52:38 AM

Thắc mắc thường gặp về sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện thế nào, diễn tiến ra sao, dễ trở nặng từ ngày thứ mấy, khi nào cần vào viện... là những câu hỏi thường gặp về bệnh lý này.

Các bệnh viện TP HCM đang ghi nhận số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng cao, với số ca nặng đang báo động. Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng dự báo tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay.

Sốt xuất huyết Dengue là gì?

Đây là bệnh nhiễm siêu vi cấp tính, gây ra bởi virus Dengue. Bệnh lây truyền từ người này sang người khác thông qua muỗi vằn, có thể xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em.

Bệnh sốt xuất huyết diễn tiến qua những giai đoạn nào, khi nào dễ trở nặng?

Tiến sĩ, bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó Khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh thường diễn tiến qua ba giai đoạn, các triệu chứng trong mỗi giai đoạn có thể thay đổi.

Giai đoạn sốt thường từ ngày một đến ngày ba của bệnh thường có các triệu chứng như sốt cao liên tục, đột ngột, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, đau nhức hai hố mắt.

Giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày 3 đến ngày 7, bệnh nhân đau bụng nhiều, liên tục, đau nhiều vùng gan, vật vã, lừ đừ, li bì. Đôi khi bệnh nhân có thể lơ mơ, rối loạn tri giác, nôn ói, khó thở, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu miệng, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu, tiểu máu, xuất huyết âm đạo bất thường.

Giai đoạn hồi phục thường sau ngày 7, người bệnh hết sốt, cảm giác khỏe hơn, thèm ăn, tiểu nhiều, có thể phát ban da gây ngứa (ban hồi phục).

Bệnh sốt xuất huyết có nguy hiểm không?

Bệnh diễn tiến đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng. Đa số bệnh nhân có thể tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến nặng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Bệnh nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có cần điều trị tại bệnh viện?

Theo bác sĩ Thủy, phần lớn trường hợp sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Khi sốt từ 38,5 độ C, có thể uống hạ sốt bằng paracetamol (liều dùng và số lần theo hướng dẫn của bác sĩ) và kết hợp lau mát liên tục.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết thông thường để nhận diện trẻ bị sốt xuất huyết là sốt cao liên tục từ 3 đến 4 ngày. Nếu trẻ sốt từ 3 ngày trở lên, tốt nhất là nên đưa đi khám tại các cơ sở y tế để xét nghiệm máu, có kế hoạch điều trị. Trường hợp chưa có chỉ định nhập viện, trẻ được theo dõi và chăm sóc tại nhà. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu và dùng các loại thuốc nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.

Khi nào cần vào viện?

Bác sĩ Thủy khuyến cáo người bệnh sốt xuất huyết cần đến bệnh viện nếu có một trong những dấu hiệu như khó chịu hơn dù sốt giảm hoặc hết sốt, không ăn uống được, nôn ói nhiều. Ngoài ra, các dấu hiệu khác cần đến viện ngay là đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì; không tiểu trên 6 giờ.

Bác sĩ Qui khuyến cáo bố mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ giảm sốt trong ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 5 của bệnh. Trẻ có thể chỉ còn lừ đừ, mệt nhiều, ói, đau bụng, chảy máu chân răng, nhưng lại là những dấu hiệu cảnh báo trở nặng. Nên đưa trẻ vào viện khi có dấu hiệu ói, xuất huyết niêm mạc, chảy máu cam, chảy máu chân răng, dù là trong đêm, không nên đợi đến sáng. Nếu để chậm có thể sốc sâu, không phục hồi, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng Khoa Hồi sức Nhiễm - Covid, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết 90% ca sốt xuất huyết thường đơn giản, khoảng một tuần là khỏi; 10% còn lại là các ca chuyển nặng. Ca nặng chủ yếu là nhóm trẻ thừa cân béo phì hay mắc bệnh nền như tim mạch, não, phổi, thận, thậm chí là trường hợp hậu Covid-19. Phụ huynh cần kịp thời đưa con vào bệnh viện và làm theo dặn dò của bác sĩ, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan.

Một bé sơ sinh phải nhập viện điều trị do tổn thương gan sau sốt xuất huyết. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Sai lầm cần tránh khi chữa sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, nhiều phụ huynh thường lúng túng nên có những xử trí không đúng khi trẻ bị sốt xuất huyết. Sai lầm phổ biến là nóng lòng khi con sốt liên tục, tự ý cho dùng thuốc hạ sốt hơn 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc, có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa. Lưu ý, hạ sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý cho trẻ uống thuốc aspirine hoặc ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.

Không ít phụ huynh khi thấy trẻ xuất hiện những vết bầm đã cắt lể lấy bớt máu độc. Cạo gió, cắt lể dễ dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm. Đây là ngả vào cho vi trùng xâm nhập, có thể gây rối loạn đông máu.

Nhiều người thấy trẻ sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống, khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật. Giải pháp tốt nhất là nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Cần cung cấp nhiều nước để tránh tình trạng thiếu nước và chất điện giải. Nên tránh các thức ăn, thức uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.

Sai lầm thường gặp là phụ huynh thấy trẻ hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh sốt xuất huyết do virus nên có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều thì cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời.

Không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện. Đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng... khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống.

Trẻ sốt xuất huyết dễ nhầm với các bệnh khác

Bác sĩ Nguyễn Đông Bảo Châu, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt khởi phát của sốt xuất huyết có khi giống với bệnh cảnh Covid-19 nên dễ bỏ sót. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết kiêng thực phẩm nào?

Theo bác sĩ Tiến, bệnh nhân sốt xuất huyết thường mất nước do sốt cao, máu bị cô đặc nên lượng nước cần cung cấp nhiều hơn lúc không bệnh. Có thể uống nước lọc, nước sôi nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước canh, nước cháo, nước oresol vì những loại nước này ngoài việc bù nước còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững, tăng sức đề kháng.

Trẻ bị sốt xuất huyết sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường. Do bệnh, trẻ trở nên mệt mỏi và biếng ăn, nên chọn những thức ăn trẻ thích. Nếu trẻ ăn được ít thì nên cho ăn nhiều lần, không kiêng khem. Cho ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa... kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp mau lành bệnh.

Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, chocolate, cháo huyết... vì dễ gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa.

Phòng ngừa sốt xuất huyết

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết. Để phòng bệnh cần tích cực chủ động diệt muỗi, loăng quăng.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM khuyến cáo mỗi người dân, gia đình, cơ quan thực hiện diệt loăng quăng, diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết. Dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh loăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất một lần mỗi tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối...

Đậy kín lu, hồ, thùng chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh loăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt loăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày... để tránh muỗi đốt.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814