10/12/2012 | 3:46:52 PM

Thận trọng khi dùng thuốc an thần

Thuốc an thần là một khái niệm rộng, bao gồm nhiều thuốc dùng trong các chứng rối loạn tâm thần chung. Thuốc chống loạn thần là một khái niệm hẹp hơn, chỉ các thuốc dùng trong bệnh tâm thần phân liệt. Cả hai đều là thuốc ức chế (làm dịu) thần kinh trUng ương, thường được gọi chung là thuốc an thần kinh. Chúng được dùng trong nội viện và ngoại viện nhưng thường dùng ở ngoại viện nhiều hơn. Tai biến có thể gặp là hội chứng an thần kinh ác tính. Làm thế nào để phòng tránh?

Thận trọng khi dùng thuốc an thần 1
Thuốc an thần kinh dùng phải có chỉ định của bác sĩ

Sơ lược về hội chứng an thần kinh ác tính

Hội chứng an thần kinh ác tính là sự ức chế (làm dịu) thần kinh trung ương (TKTƯ) quá mức, liên quan đến việc dùng  thuốc an thần kinh. Hội chứng an thần kinh ác tính gồm 3 nhóm biểu hiện đặc trưng:

Biểu hiện về vận động và hành vi gồm: cứng cơ, loạn trương lực cơ, mất vận động, không nói, mù mờ về ý thức, kích động.

Biểu hiện về rối loạn thần kinh thực vật gồm: sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp tăng.

Biểu hiện về cận lâm sàng gồm: tăng bạch cầu, tăng enzym gan, tăng creatininphosphokinase (CPK), có myoglobin trong máu nước tiểu, có thể kèm suy thận… Khi nặng thường có đủ các biểu hiện này, mới khởi đầu, hay khi nhẹ có thể không có đủ…

Khi  nào xảy ra hội chứng an thần kinh ác tính?

Khi  dùng liều cao các thuốc an thần kinh: 

Khi dùng ở liều thấp các thuốc an thần kinh lớp cổ điển (triflupromazin, levopromazin, sulpirid, mesodiazin, flufenazin, perphenazin) hay lớp mới  (quetiapin, resperidon) thì ít khi xảy ra hội chứng an thần kinh ác tính, càng rất hiếm xảy hơn với  sultoprid, olazapin. Chẳng hạn, trong điều trị tâm thần phân liệt (schizophrenia) cấp, nội trú có thể dùng chlopromazin với liều 20 viên/ ngày, hay ở giai đoạn ổn định, ngoại trú với liều duy trì 2 - 4 viên/ngày (viên 0,25mg) mà vẫn không gặp hội chứng an thần kinh ác tính. Tuy nhiên, khi dùng liều cao hoặc khi dùng với một thuốc nào đó gây tương tác  làm giảm thải trừ khiến nồng độ thuốc trong máu tăng cao sẽ dễ xảy ra hội chứng này. Riêng thuốc an thần kinh lớp mới clozapin có thể gây ra hội chứng này ở ngay liều điều trị thông thường vào bất cứ lúc nào tùy sự nhạy cảm của người bệnh.

Khi  kết hợp thuốc an thần kinh  với thuốc ức chế TKTƯ khác

Một số thuốc chống loạn thần (antipsycholic drug) như chlopromazin, sultoprid, olanzapin khi phối hợp với các thuốc  ức chế  TKTƯ khác (thuốc ngủ, chống động kinh, giảm đau, rượu...) thì chúng cộng hợp cùng chiều tính ức chế TKTƯ, gây ra hội chứng an thần kinh ác tính, thí dụ: trong  tâm thần phân liệt ở giai đoạn ổn định, dùng chlopromazin liều duy trì  2 - 4 viên /ngày, không bao giờ xảy ra, nhưng nếu tùy tiện dùng thêm thuốc ngủ liều cao thì có thể xảy ra hội chứng này. Tương tự, có thể gặp hội chứng này khi kết hợp thuốc chống loạn thần olanzapin với thuốc chống hưng - trầm cảm lithium.

Các thuốc chống dị ứng kháng histamin H1 thế hệ cũ, có cấu trúc phenothiazin nên có tính ức chế TKTƯ. Khi phối hợp chúngvới thuốc an thần kinh, chúng cộng hợp cùng chiều tính ức chế TKTƯ, gây ra  hội chứng an thần kinh ác tính.

Khi phối hợp nhiều loại  thuốc ức chế TKTƯ

Khi phối hợp các thuốc cùng ức chế TKTƯ như: thuốc ngủ, chống động kinh, rượu... sẽ tăng tính ức chế TKTƯ chung  của các  thuốc phối hợp; chưa hẳn gây ra hội chứng an thần kinh ác tính có tính điển hình theo định nghĩa, nhưng  nguy hiểm là gây suy hô hấp.

Cách  tránh hội chứng an thần kinh ác tính

Hiểu và tuân thủ đúng liều chỉ định

Với cùng một loại thuốc an thần kinh, thầy thuốc có thể cho dùng liều cao hay thấp (có khi chênh lệch nhau rất xa), tùy theo trạng thái bệnh:

Khi đang cơn kịch phát, TKTƯ bị kích thích quá mức (nhiễm độc) thường cho dùng một liều cao nhằm đủ sức ức chế sự kích thích ấy (giải độc). Dùng như thế không gây ức chế TKTƯ quá mức, nên không gây độc. Nếu không hiểu, sợ độc mà không chấp nhận dùng liều cao này, sẽ nguy hiểm. Chẳng hạn: không chấp nhận dùng phenolbarbital liều cao sẽ không cắt được cơn co giật, người  bệnh sẽ bị tổn thương não nhiều hơn, để lại di chứng não. Không chấp nhận dùng chlopromazin liều cao, không cắt được cơn kịch phát tâm thần phân liệt, người bệnh bị giải thể nhân cách, có những hành vi khác thường.

Khi đã    giai  đoạn ổn định, TKTƯ đã trở về trạng thái thăng bằng gần như cũ thì giảm liều rồi ngừng hẳn (với cơn đau cấp)  hay dùng liều thấp hơn để duy trì kết  quả  (với bệnh mạn như  tâm thần phân liệt); liều duy trì này phải dùng trong một thời gian rất dài. Nếu sợ dùng kéo dài bị độc hay quên mà không dùng liều duy trì đủ thời gian cần thiết theo liệu trình, thì sẽ bị tái phát lại cơn kịch  phát.

Người bệnh cần hiểu và tuân thủ tuyệt đối liều chỉ định. Để chủ động tránh hội chứng an thần kinh ác tính, không bao giờ uống gộp liều các lần trong ngày hay uống bù (do quên dùng liều lần trước, ngày trước). Riêng với thuốc mà  hội chứng an thần kinh ác tính có thể xảy ra ngay ở liều điều trị như clozapin thì chỉ dùng nội trú, thăm dò liều cẩn thận (khởi đầu liều thấp, rồi tăng dần từng nấc lên đến liều đủ hiệu lực). Lúc điều trị nếu thấy bệnh có thay đổi thì cần khám lại để thầy thuốc cho điều chỉnh, không tự ý điều chỉnh liều.

Hiểu và thực hiện đúng sự phối hợp thuốc

Chỉ phối hợp các loại thuốc an thần kinh, thuốc ức chế TKTƯ theo chỉ định của thầy thuốc (ít loại, có cân nhắc liều), người bệnh không tự ý phối hợp (nhiều loại, liều cao). Khi đang dùng thuốc an thần kinh không tự ý dùng thêm  thuốc ức chế TKTƯ khác; nến cần phải dùng vì mục đích chữa bệnh, phải được thầy thuốc đồng ý (có thể cho dùng nhưng tính lại liều hay dùng cách xa nhau để tránh hôi chứng an thần kinh ác tính). Đặc biệt, khi đang dùng thuốc an thần kinh không được dùng rượu.

Xử lý khi nhận thấy hôi chứng an thần kinh ác tính

Khi thấy đầy đủ hay chưa đầy đủ các biểu hiện hội chứng an thần kinh ác tính (sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, rối loạn thần kinh thực vật…), cần khẩn trương đưa người bệnh đến bệnh viện. Cấp cứu hội chứng này gồm nhiều khâu: ngừng ngay thuốc đang dùng, cho thuốc hạ sốt, kiểm tra thường xuyên dấu hiệu sinh tồn, cân bằng nước điện giải, chức năng thận. Chỉ có y tế tuyến trên mới đủ điều kiện xử lý tốt các khâu trên; nếu giữ người bệnh tại nhà xử lý loay hoay không đúng cách sẽ dẫn tới tử vong.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814