3/12/2012 | 1:07:36 PM

Thoái hóa khớp - Bệnh không chỉ ở khớp

Thoái hóa khớp là một bệnh không hẹn mà vẫn cứ gặp khi chúng ta sang tuổi xuân muộn. Nó làm hư hỏng khớp. Chìa khóa quan trọng trong bệnh này đó là làm chậm lại sự thoái hóa khi chưa phát bệnh lợi hơn nhiều điều trị khi đã bệnh...

Những nét mới về bệnh

Trước đây, chúng ta quen thuộc với thuật ngữ bệnh thoái hóa khớp. Vì một điều rõ ràng người ta thấy khớp là bộ phận đầu tiên bị tổn thương. Người bệnh đầu tiên bao giờ cũng bị sưng, đau khớp và hạn chế vận động khớp. Trên hình ảnh chụp Xquang thăm dò bên trong khớp, người ta cũng thu được những hình ảnh ủng hộ quan niệm này. Đó là hình ảnh khớp bị biến dạng, các màng khớp bị mọc thêm các bộ phận thừa được gọi là gai xương. Tất cả các điều ở trên đã chứng tỏ khớp bị tổn thương và thuật ngữ thoái hóa khớp vẫn được coi là rất xác đáng.

Thoái hóa khớp - Bệnh không chỉ ở khớp 1

Tuy nhiên, cho đến nay người ta phải xem lại cách gọi này vì nó liên quan đến triệu chứng tổn thương của bệnh và chiến thuật điều trị. Người ta càng ngày tìm càng thấy nhiều bằng chứng tổn thương không chỉ ở khớp mà còn ở ngoài khớp. Lý do là vì: ngoài tổn thương khớp người bệnh còn có các biểu hiện hư hỏng ở xương dưới sụn, bộ phận ngoài khớp. Mặt khác lý thuyết thoái hóa khớp không lý giải được tại sao bệnh chỉ tập trung ở một số khớp điển hình, trong khi đó đặc điểm sinh học các khớp là hoàn toàn tương tự nhau không có sự khác biệt về đặc điểm mắc bệnh.

Một nét mới nữa trong bệnh thoái hóa khớp đó là người ta chứng minh được vai trò của viêm và sự tác động cơ học trong cơ chế gây bệnh. Nếu như trước kia người ta cho rằng thực chất của việc thoái hóa khớp chỉ là do thoái hóa sụn thì người ta thấy điều này ngày càng có nhiều điểm bất hợp lý. Bởi nếu như chỉ có sự suy giảm tổng hợp sinh học thì tại sao trong các mô của khớp thoái hóa có rất nhiều tế bào bạch cầu viêm. Phải chăng có một quá trình viêm đã xảy ra ở đây?

Thêm vào đó, sự tác động mạnh của lực cơ học lên một số khớp đã chứng tỏ một điều, khớp càng bị tác động nhiều thì càng dễ bị bệnh. Thực tế, đó là các khớp phát bệnh đầu tiên. Thế cho nên thay vì chống thoái hóa đơn thuần, chúng ta cần phải chống viêm trong điều trị. Ấy là một biện pháp đánh vào cơ chế gây bệnh. Mặt khác người ta cũng thấy rõ rằng sự kiểm soát cân nặng khá hiệu nghiệm trong đẩy lùi sự tiến triển của bệnh này.

Với những phân tích ở trên, thuật ngữ viêm xương khớp mạn tính đang ngày càng được hay dùng thay cho thoái hóa khớp, mặc dù thuật ngữ này cũng chưa nói hết và nói rõ về tiến triển và căn nguyên gây bệnh.

Bệnh gặp ở khớp nào?

Qua các quan sát thống kê về bệnh, người ta thấy bệnh thoái hóa khớp ưu tiên cho những khớp phải gánh vác tải trọng cơ thể. Tất cả các khớp phải liên quan nhiều đến vận động và nâng đỡ cơ thể đều dễ bị bệnh. Chúng bao gồm các khớp sau: khớp gối, háng, chậu và cột sống. Một số khớp khác có thể bị bệnh nhưng ít gặp hơn đó là khớp bàn ngón tay, ngón chân, cổ chân, cổ tay.

Khớp đầu tiên bị ảnh hưởng nhiều nhất là khớp gối vì cảm thấy khó đi lại, có thể vì triệu chứng thấy đau khi vận động và cũng có thể đơn giản chỉ là vì xuất hiện tiếng lạo xạo khi co duỗi. Song tâm lý chung của người Việt Nam là càng trì hoãn thời gian đi khám bệnh thì càng tốt. Tức là chỉ đến khi nào không chịu được nữa thì mới đi khám. 

Thoái hóa khớp - Bệnh không chỉ ở khớp 2
Các khớp dễ bị thoái hóa

Sau khớp gối, người ta hay bắt gặp thoái hóa khớp ở khớp háng, khớp được tạo bởi xương chậu và xương đùi. Thoái hóa khớp háng nếu có gặp thì hay gặp ở người già, người cao tuổi. Người bệnh cảm thấy rất đau khi đi lại. Đau hơn nhiều so với đau khớp gối. Khớp háng có một đặc điểm là nằm sâu bên trong cơ thể cho nên thăm khám có thể khó hơn khớp gối. Tuy nhiên chúng ta có thể thu thập được nhiều thông tin trong quá trình hỏi bệnh. Thoái hóa khớp háng làm hạn chế vận động của khớp khiến cho bệnh nhân có dáng đi khập khiễng rất rõ. Kể cả sau khi đã xoay nhẹ nhàng thì dáng đi của người bệnh không thể lẫn được. Nó cũng gây ra các cảm giác đau tăng lên khi ngồi xuống đứng lên và rất khó chịu.

Một dạng khớp nữa mà chúng ta cũng cần chú ý đó là thoái hóa xương cột sống. Các khớp xương thoái hóa ở đây tạo ra các mỏ xương, các gai xương, các mấu xương chèn vào các lỗ hở. Mà cụ thể ở đây là các lỗ của rễ thần kinh đi qua. Chúng lồi ra, chèn vào các dây này và gây ra kích thích đau y hệt như bị đĩa đệm chèn vào vậy. Nhưng nếu gặng hỏi kỹ và khám kỹ thì bác sỹ sẽ dễ dàng phát hiện được bệnh nhân có biểu hiện đau cột sống thắt lưng tại chỗ và đây là biểu hiện đầu tiên mà người bệnh có. Các xét nghiệm cận lâm sàng lúc này trở nên cần thiết để có hướng phán đoán.

Tiếp theo các xương bàn ngón tay. Đây là hiện tượng rất hay gặp ở người già. Các khớp này ít khi chịu sức nặng của cơ thể cho nên biểu hiện đau dường như ít chú ý, nhưng chúng lại biểu hiện ra bằng một dấu hiệu rất rõ ràng là phì đại xương ở các khớp đốt xương ngón tay. Đây là một biểu hiện của sự thoái hóa. Vào những ngày trời lạnh hoặc vào mùa đông, các khớp này có thể hơi đau và hơi khó vận động vào buổi sáng, nhưng sau đó mọi triệu chứng khó chịu sẽ giảm dần.

Để phân biệt với các bệnh khớp khác người ta thấy ngoài dấu hiệu tuổi tác khá quan trọng đưa ra gợi ý bệnh cụ thể thì dấu hiệu cứng khớp cũng là dấu hiệu không nên bỏ qua. Cứng và khó vận động khớp vào buổi sáng do thoái hóa thường thời gian dưới 30 phút. Sau khoảng thời gian này người bệnh sẽ vận động khớp trở lại.

Lựa chọn giải pháp điều trị tối ưu

Cho đến nay nguyên nhân chính gây ra bệnh thoái hóa khớp đó chính là sự lão hóa theo thời gian và tuổi tác gây ra. Trong đó, sự thoái hóa làm suy giảm sự tổng hợp của các khối sụn bên trong khớp làm cho khớp mất khả năng đệm đỡ và gây đau. Sự thoái hóa cũng làm suy giảm chức năng màng hoạt dịch, khiến cho lớp dịch bôi trơn không còn đủ khiến cho đi lại thấy lạo xạo. Thoái hóa khớp cũng làm cho lớp xương dưới sụn bị biến dạng, các dây chằng khớp trở nên cứng hơn và kém linh hoạt hơn. Hiện nay, đứng về mặt điều trị một cách tổng quát bao gồm có 3 phương thức chủ đạo đó là điều trị bằng thuốc, điều trị bằng phẫu thuật và điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc.

Đầu tiên là điều trị bằng các biện pháp không dùng thuốc. Biện pháp này điều trị an toàn, tương đối tốt với những người chưa mắc bệnh, mới mắc bệnh và những người mắc bệnh mức độ nhẹ. Chúng ta cần giảm cân và kiểm soát béo phì. Điều này vô cùng có ý nghĩa cho vận động của khớp, giảm tải được tải trọng tối đa do khớp gánh vác, một cơ chế gây ra bệnh thoái hóa khớp.

Cũng trong nhóm biện pháp này, người bệnh cần bổ sung thêm các thực phẩm có giàu tính năng nhờn vì chúng bổ sung rất nhiều các peptidoglycan, là chất để tái tạo dịch khớp. Ví dụ như ăn chân giò heo, gân bò sốt vang, thịt đông, móng lợn. Những thực phẩm này tuy không đắt nhưng giá trị của nó lại tương đối tốt. Chỉ có điều bạn nên ăn thường xuyên và đừng có nản. Các thực phẩm giàu khả năng chống oxy hóa cũng rất có lợi vì nó giảm tốc độ phá hủy xuống. Liệt kê các thực phẩm thì rất dài nhưng chúng tôi mách nước cho người bệnh cứ chọn thực phẩm nào có màu đỏ như cà chua, gấc, màu vàng như bí ngô, cà rốt, các thực phẩm có màu xanh đậm như rau cải, súp lơ, rau ngót… thì rất có lợi cho bạn. Vì chúng có giá trị thải trừ những thứ xâm hại nội sinh bên trong ra ngoài.

Trong nhóm giải pháp không dùng thuốc, tập vận động vô cùng tốt với người bệnh khớp. Tập vận động kích thích tăng sinh dịch nhờn, giúp cho sụn được tái tạo và làm cho khớp trở nên linh hoạt. Vì cuối cùng mọi sự điều trị đều nhằm trả lại sự hoàn hảo cho vận động và sự linh hoạt cho khớp. Nhưng khác với tập vận động trong những bệnh khác, tập vận động trong thoái hóa cần nhẹ nhàng, từ từ, ban đầu là xoa bóp làm cho nóng, sau đó là xoay nhẹ. Ban đầu là xoay biên độ ít rồi xoay biên độ nhiều. Chớ đừng có dại mà tập chạy bền hay chạy nhanh ngay, chỉ làm bệnh thêm. Chườm ấm khi ngồi chơi, xem ti vi, thư giãn, đọc báo, đi ngủ, đi tất là cần thiết để giảm triệu chứng của thoái hóa khớp.

Nhóm biện pháp thứ hai là nhóm biện pháp dùng thuốc. Các thuốc dùng trong thoái hóa không nhiều và không có thuốc đặc hiệu. Thường thì bác sỹ sẽ phải dùng thuốc chống viêm đau khớp cho các trường hợp đau rất rõ ràng và hạn chế vận động. Sau đó nếu đáp ứng không tốt, bác sỹ cần phải sử dụng thêm corticoid nhưng chỉ là những liệu trình ngắn ngày. Các thuốc bổ sung và các thực phẩm chức năng có tác dụng tái tạo lại sụn khớp như glucosamin rất thường xuyên được dùng trong các bệnh này. Nhưng nên lưu ý một điều, thuốc không thể ngăn trở hết các triệu chứng của viêm khớp mạn tính mà chỉ mang tính chất điều trị triệu chứng. Trong các trường hợp cấp tính, bạn cần dùng thuốc để người bệnh có thể ăn ngủ được trở lại, giảm gần như hết tâm lý lo âu và căng thẳng, những yếu tố mà làm nặng thêm bệnh vốn có.

Các trường hợp không thể đáp ứng với điều trị hoặc điều trị quá kéo dài và mệt mỏi cho người bệnh thì biện pháp thay khớp được xem xét. Hoặc là khi khớp có biến dạng rõ ràng, các tổn thương gai xương trở nên điển hình thì phẫu thuật nội soi khớp và thay khớp được chỉ định. Nhưng người ta chỉ tiến hành thay khớp cho các khớp gối và khớp háng. Như vậy, xem ra giải pháp tối ưu đó vẫn là các biện pháp bảo tồn dự phòng ngay từ khi khớp chưa bị bệnh.


Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814