12/11/2012 | 1:16:55 PM

Thoát vị đĩa đệm: nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh thoát vị đĩa đệm, hay còn gọi là “đau thần kinh tọa” là tình trạng đĩa đệm chèn ép vào rễ thần kinh, thường gặp ở cột sống cổ và lưng gây ra tình trạng đau hay tê tay và chân. Thoát vị đĩa đệm nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị đúng phương pháp, bệnh thường để lại những di chứng và hậu quả rất nặng nề.
thoat vi dia dem Thoát vị đĩa đệm: nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh thoát vị đĩa đệm còn gọi là “đau thần kinh tọa”

Những nguyên nhân thường gây thoát vị đĩa đệm

- Thoái hóa cột sống và đĩa đệm: Khi cột sống bị thoái hóa thì các đốt sống bị xẹp xuống, các dây chằng bị rách, đĩa đệm xơ hóa, mất nước và teo nhỏ lại nên rất dễ thoát ra ngoài, đặc biệt chỉ cần một lực tác động nhỏ vào cột sống.

- Lao động, hay sinh hoạt sai tư thế và động tác: Thường gặp nhất là việc bê vác vật nặng sai tư thế, như thói quen đứng cúi xuống và nhấc vật nặng lên, hay ngồi lâu ở tư thế cột sống bị cong vẹo…

- Chấn thương cột sống thường xảy ra khi bị tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hay lao động… gây tổn thương dây chằng hay thân đốt sống làm cho đĩa đệm thoát ra ngoài.

- Ngoài ra, các bệnh lý cột sống bẩm sinh như gai đôi cột sống, gù, vẹo… cũng có nhiều nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm.

Những dấu hiệu nhận biết thoát vị đĩa đệm

- Cơn đau có thể đột ngột, dữ dội sau một động tác hay do tư thế sai nào đó, cũng có khi âm ỉ và tăng dần hay tái phát thành nhiều đợt kéo dài nhiều tháng và nhiều năm. Ngoài ra, còn có cảm giác tê buốt như kim châm hay kiến bò trong khu vực vùng đau.

- Thoát vị ở cột sống cổ: thường có biểu hiện đau hay tê vùng cổ, vai, gáy dọc theo một bên cánh tay xuống đến bàn tay và các ngón tay.

- Thoát vị ở cột sống thắt lưng: thường biểu hiện đau vùng thắt lưng dọc theo một bên mông và đùi xuống đến bàn chân. Có khi kèm theo tê buốt, mất hay giảm cảm giác, teo và yếu cơ, bí tiểu và đại tiện, nếu nặng có khi gây liệt một phần hay toàn bộ chi.

- Ngoài những dấu hiệu trên, để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần chụp bao rễ cản quang, chụp cắt lớp vi tính… Ngày nay, chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương tiện hỗ trợ giúp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm một cách chính xác nhất.

Các phương pháp điều trị

- Thoát vị mức độ nhẹ: chỉ cần nghỉ ngơi, dùng một số thuốc giảm đau, giãn cơ và vitamin nhóm B hỗ trợ, cũng như thực hiện các bài tập thể dục, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng.

- Nếu thoát vị nặng, khối thoát vị chèn ép vào dây thần kinh có thể gây biến chứng như: đau, tê, mất cảm giác, teo cơ và liệt… thì phẫu thuật là phương pháp tốt nhất giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng trên. Hiện nay, phẫu thuật có nhiều phương pháp khác nhau như: mổ hở, mổ nội soi, dùng hiệu ứng nhiệt của tia laser để hủy phần đĩa đệm thoát vị hay đưa sóng radio cao tần vào làm cho khối thoát vị bị thu nhỏ lại… đã góp phần điều trị thành công, đẩy lùi những biến chứng và hậu quả nặng nề do bệnh thoát vị đĩa đệm gây ra.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814