12/4/2017 | 4:13:40 PM

Thuốc bổ - Lợi bất cập hại

Mỗi khi cơ thể mệt mỏi hay đau ốm, mọi người thường bảo nhau uống thêm “thuốc bổ” cho khoẻ. Thực ra “thuốc bổ” là gì và có thực sự“bổ” hay không?

Thuốc bổ là gì?

Thuốc bổ là cách gọi dân dã khi nhắc đến các loại thuốc chứa vitamin, khoáng chất hoặc dịch chiết thực vật... có tác dụng bổ sung vi chất, làm trẻ hóa tế bào, tăng cường khả năng biến đổi thức ăn thành dưỡng chất nuôi cơ thể, bồi bổ xương khớp, chống loãng xương như thuốc bổ mắt, bổ máu, bổ gan... Thực chất trong y học không có nhóm dược lý nào có tên là thuốc bổ. Những loại thuốc mà dân gian thường gọi là “thuốc bổ máu” nằm trong nhóm dược lý “Thuốc có tác dụng đối với máu” như các thuốc chống thiếu máu. Hoặc các thuốc “bổ gan” thì nằm trong nhóm “thuốc nhuận tràng, tả hạ, tiêu thực, bình vị, kiện tì”. Hiện nay, có nhiều quan niệm sử dụng thuốc bổ sai lầm trong đời sống như: Uống vitamin, khoáng chất thay bữa ăn; tăng liều để bổ nhiều hơn; dùng thuốc bổ chữa bệnh; uống thuốc bổ hàng ngày để phòng bệnh...

Khi nào cần dùng thuốc bổ

Mặc dù mục đích sử dụng của thuốc bổ là để bồi dưỡng cơ thể, giảm mệt mỏi, giúp ăn, ngủ được, hỗ trợ quá trình trị liệu... nhưng không phải lúc nào cũng có thể uống mà không căn cứ vào thực trạng sức khỏe.  Thông thường, thuốc bổ chỉ sử dụng khi chế độ ăn thường xuyên không đầy đủ, ăn uống thiên lệch (không ăn rau hoặc ăn quá ít, thường ăn thức ăn công nghiệp như mì gói, bánh kẹo, khoai tây chiên...), người mắc bệnh không ăn uống được, trẻ nhỏ biếng ăn hoặc những người làm việc quá căng thẳng, vận động quá nhiều, tiêu hao năng lượng lớn như vận động viên, người trong những giai đoạn đặc biệt như phụ nữ mang thai có nhu cầu axit folic, canxi, sắt... tăng vọt cần phải bổ sung mà nhu cầu ăn uống thông thường không thể bổ sung đủ...

Thuốc bổ - Lợi bất cập hạiPhụ nữ mang thai dùng thuốc bổ phải có chỉ định của thầy thuốc.

Hậu quả của dùng thuốc bổ sai cách

Thừa chất: Thuốc chỉ bổ, chỉ phát huy đúng tác dụng khi thực sự cần thiết, không phải lúc nào uống “thuốc bổ” cũng là tốt. Khi cơ thể bị thiếu mà bổ sung kịp thời thì sẽ đem lại lợi ích, nhưng nếu không thiếu mà uống thêm vào thì là thừa, phản tác dụng. Ví dụ như các bà mẹ nuôi con nhỏ thường tự ý cho con uống vitamin D mà không biết liều lượng phù hợp. Khi thừa vitamin D thì cơ thể không tự đào thải được mà bị tích tụ lại, gây ra chán ăn mệt mỏi, thậm chí ngộ độc. Với một số đối tượng nhạy cảm như phụ nữ có thai, trẻ em, người già cũng hay được mọi người trong gia đình khuyên nên dùng thêm thuốc bổ để bồi bổ sức khoẻ, ăn ngon miệng...  Tuy nhiên đây lại là những đối tượng nên hạn chế dùng thuốc, đặc biệt là phụ nữ có thai và trẻ em. Nếu không thật sự cần thiết, phụ nữ có thai được khuyên là không nên dùng bất cứ một loại thuốc nào. Ngay cả bổ sung sắt và calci là hai chế phẩm thường được các bà bầu tự mua để dùng, nếu không dùng đúng cách thì “lợi bất cập hại”. Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc dùng thừa calci trong 3 tháng đầu của thai kì có thể gây quái thai, ngoài ra dùng calci quá sớm trong thai kì còn gây cốt hoá sớm dẫn tới trẻ sau này khó phát triển tốt về chiều cao.

Tăng gánh nặng cho gan, thận:  Chức năng gan, thận của người già kém hơn lúc trẻ, lại thường có nhiều bệnh mắc kèm, nếu uống các loại thuốc không thật sự cần thiết thì tác dụng chưa thấy đâu nhưng một điều hại trước mắt là làm tăng gánh nặng cho gan và thận vì các cơ quan này nhận nhiệm vụ chuyển hoá và thải trừ thuốc. Chưa kể đến các loại thuốc để chữa bệnh đang được kê đơn khi kết hợp với “thuốc bổ” lại có thể gây tương tác, rất nguy hiểm. Ví dụ như ginkgo biloba (thuốc tuần hoàn máu não) khi kết hợp cùng nifedipin (thuốc huyết áp) làm tăng nồng độ nifedipin gây nguy hiểm.

Thuốc bổ chỉ thực sự bổ khi được dùng đúng cách, đúng liều lượng, có sự cân nhắc kĩ càng khi bệnh nhân đang dùng cùng lúc các loại thuốc khác. Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân nên chú ý tới chế độ ăn uống, rèn luyện thể dục thể thao, đọc sách để có sức khoẻ tốt và trí óc minh mẫn. Làm được như vậy thì không những phòng tránh được bệnh tật mà còn giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp thêm nhiều công sức cho gia đình và xã hội để có một cuộc sống thật ý nghĩa.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814