8/7/2012 | 7:22:02 PM

Thuốc cho người gãy xương

Cua, sườn heo, vỏ trứng gà, cá diếc... có tác dụng giảm phù nề, thâm tím, đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình liền xương
Gãy xương là tình trạng bệnh lý chấn thương thường gặp, có thể do một lực tác dụng mạnh hay một tổn thương không đáng kể kết hợp với các bệnh làm yếu cấu trúc xương (như loãng xương, ung thư xương...).

Một trong những nguyên tắc điều trị gãy xương cơ bản của đông y là tuân thủ quan điểm chỉnh thể và điều trị có tính tổng hợp. Do vậy, bên cạnh việc tiến hành các thủ thuật kéo nắn, cố định, tập luyện, châm cứu, còn phải sử dụng thuốc tích cực và hợp lý.

Xương sườn heo hầm nhừ với bí đao là món dược thiện rất tốt cho người đang được điều trị gãy xương. Ảnh: XUÂN THẢO
Ngoài ra, một biện pháp rất độc đáo và hiệu quả là vận dụng các món ăn - bài thuốc nhằm mục đích điều trị hỗ trợ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả như mong muốn, thân nhân người bệnh cần chế biến đúng phương pháp và kiên trì sử dụng các món ăn đơn giản, dễ dùng sau đây.

- Bài 1: 50 g cua rửa sạch, sao khô, tán bột, uống 2 lần/ngày, mỗi lần từ 9-12 g. Nếu dùng một chút rượu nhẹ độ uống chung càng tốt. Bài thuốc này dùng cho người gãy xương giai đoạn đầu, chỗ sưng đau bị phù nề, thâm tím.

- Bài 2: 100 g xương sườn heo hầm nhừ, gạt bỏ váng mỡ rồi cho 150 g bí đao gọt vỏ, cắt khúc nấu đến khi chín thì nêm hành và gia vị vào, ăn như canh. Món ăn này thích hợp cho người bị gãy xương mà chỗ gãy sưng nề nhiều.

- Bài 3: Vỏ trứng gà rửa sạch, sấy khô, tán bột, uống 2 lần/ngày, mỗi lần 3 g. Có thể dùng bài thuốc này cho cả quá trình điều trị nhằm mục đích thúc đẩy quá trình liền xương.

- Bài 4: 250 g cá diếc làm sạch; cho tất cả gia vị gồm 3 lát gừng tươi, 2 củ hành, 7 hạt tiêu vào trong bụng cá rồi hầm nhừ. Người bệnh dùng vài lần trong ngày; thích hợp cho người gãy xương đã qua giai đoạn muộn, vùng da ngoài chỗ gãy đã bớt sưng nề nhưng hoạt động còn khó khăn.

- Bài 5: Làm thịt 1 con gà trống đen nặng chừng 500 g, cho 5 g tam thất đã thái mỏng vào trong bụng gà cùng với một chút rượu nguyên chất, hầm cách thủy. Người bệnh nên ăn trong ngày để bồi bổ, làm mạnh cơ bắp, giúp xương liền nhanh.

Triệu chứng của gãy xương

Trong cấp cứu thường phân loại gãy xương kín và gãy xương hở. Gãy xương hở là ổ gãy thông với môi trường bên ngoài, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, để lại nhiều di chứng nếu không được sơ cứu và xử trí tốt.
Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng như giảm, mất vận động chi; đau nhói khi ấn tại chỗ, giảm đau khi được bất động; sưng nề, bầm tím... thì nên nghi ngờ ngay đến tình trạng gãy xương.
Sau khi đã xác định được chi gãy cần bất động ngay để ngăn ngừa tổn thương thêm phần mềm do đầu xương sắc gây ra, làm giảm đau và ngăn ngừa sốc, giảm nguy cơ gãy hở do đầu xương có thể chọc thủng da.

Thảo Nguyên(Theo Bệnh viện _Bạch Mai - Hà Nội)

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814