13/10/2017 | 7:42:16 AM

Thương hàn, bệnh dễ mắc sau lũ lụt

Trong và sau mưa lũ, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh không đảm bảo là yếu tố nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm.

Một trong những bệnh lý nguy hiểm đó là bệnh thương hàn. Việc phát hiện bệnh sớm sẽ làm giảm các biến chứng, tỷ lệ tử vong mà còn góp phần hữu hiệu nhằm ngăn chặn việc phát sinh và lan tràn của các dòng vi khuẩn kháng kháng sinh.

Thương hàn, bệnh dễ mắc sau lũ lụt - Ảnh 1.

Một trong những bệnh lý nguy hiểm đó là bệnh thương hàn.

Biểu hiện của bệnh thương hàn

Thương hàn là một bệnh cấp tính toàn thân lây truyền qua đường tiêu hóa, để lại bệnh cảnh não nề, có thể gây thành dịch. Tổ chức Y tế Thế giới đặt thương hàn vào loại bệnh truyền nhiễm quan trọng, bệnh lây lan nhiều nhất ở độ tuổi từ 5 - 19 tuổi. Người bị bệnh do ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Khi vi khuẩn gây bệnh xâm nhập cơ thể sẽ gây ra triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, nhịp tim chậm, khoảng 25% có nốt hồng ban trên cơ thể. Người bệnh đau bụng, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, phân đen hoặc có máu. Bụng trướng, có dấu hiệu óc ách hố chậu phải. Tất cả mọi người đều có thể bị cảm nhiễm vi khuẩn gây bệnh thương hàn.

Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập, có thể từ vài ngày tới vài tháng, nhưng thông thường từ 1-3 tuần. Khi theo thức ăn vào đường tiêu hóa, vi khuẩn xuyên vào thành ruột, sau đó lan tỏa theo hệ thống bạch huyết. Từ đây chúng xâm nhập hệ thống hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Vi khuẩn vào máu gây nhiễm khuẩn huyết rồi nhiễm khuẩn khu trú chủ yếu ở hạch lympho của ruột non. Tổn thương gây các mảng payer viêm và có thể bị loét nặng, nhất là sau 3 tuần bị bệnh. Vi khuẩn có thể đến phổi, túi mật, thận và hệ thần kinh trung ương. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như chảy máu ruột, thủng ruột do các vết viêm loét ở hạch payer hoặc bị rối loạn chức năng não và dễ gây ra tử vong.

Thương hàn, bệnh dễ mắc sau lũ lụt - Ảnh 2.

Vệ sinh môi trường sau lũ lụt để phòng ngừa bệnh thương hàn và các bệnh khác.

Thủ phạm gây bệnh

Thủ phạm gây ra bệnh thương hàn chính là vi khuẩn salmonella typhi. Salmonelleae thuộc họ Enterobacteriaceae với chỉ một dòng duy nhất là Salmonella và được lấy từ tên nhà khoa học người Mỹ, D.E. Salmon. Đây là trực khuẩn Gram (-), hiếu khí tùy nghi di động.

Salmonella xâm nhập cơ thể qua đường miệng và hầu hết là do ăn phải thức ăn bị nhiễm như thực phẩm, nguồn nước... Sau khi xuyên qua hàng rào acid dạ dày, vi khuẩn di động về phía ruột non và sinh sản ở đó, tiếp tục chui qua màng nhày vào thành ruột và đi vào máu. Vi khuẩn sẽ được chuyên chở bởi những tế bào bạch cầu ở gan, lách và tủy xương. Khi đó vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở trong tế bào của những cơ quan này và quay lại dòng máu. Vi khuẩn xâm nhập vào túi mật, hệ thống ống mật và mô limpho trong ruột. Tại đây, chúng sinh sôi nảy nở với số lượng lớn. Bệnh thương hàn là do lây truyền qua đường ăn uống bởi nước hay thức ăn bị nhiễm. Bệnh nhân bị bệnh cấp tính có thể lây ra môi trường nước xung quanh qua phân, ở giai đoạn cấp các chất thải (phân) có chứa nồng độ vi khuẩn rất cao.

Một số bệnh nhân bị bệnh nhẹ, có thể họ không nhận biết được. Những người này về lâu dài có thể trở thành người lành mang trùng. Vi khuẩn thương hàn sinh sôi trong túi mật, ống mật hay trong gan và đi vào trong ruột, chúng có thể sống sót vài tuần trong nước hay chất thải khô. Những người mang trùng mạn tính này thường không có triệu chứng và là nguồn lây bệnh sốt thương hàn trong nhiều năm.

Điều trị thế nào?

Khi vi khuẩn Salmonella vào trong ruột, nó có thể được chẩn đoán bằng cách lấy phân đem đến phòng xét nghiệm để cấy. Một xét nghiệm khác là xét nghiệm Widal giúp phát hiện và lượng giá kháng thể của vi khuẩn thương hàn trong máu và trong nước tiểu.

Thương hàn, bệnh dễ mắc sau lũ lụt - Ảnh 3.

Để phòng bệnh thương hàn hiệu quả và kịp thời, cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bệnh thương hàn được điều trị bằng kháng sinh nhằm tiêu diệt vi khuẩn Salmonella. Lựa chọn kháng sinh điều trị thương hàn phải là những thuốc kháng sinh đặc hiệu với Salmonella như ceftriaxone, ciprofroxaxine, pefloxaxine… các thuốc này có tính chất khuếch tán đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh điều trị kháng sinh phải chú ý đến cân bằng điện giải, chế độ dinh dưỡng hợp lý (những trường hợp nhịn ăn khi có xuất huyết tiêu hóa nặng hoặc nghi ngờ thủng ruột), điều trị triệu chứng và các biến chứng kèm theo.

Trước khi sử dụng kháng sinh, tỉ lệ tử vong của bệnh là 10%. Tử vong xảy ra là do vi khuẩn thương hàn gây viêm phổi, xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường ruột) hay thủng ruột.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh thương hàn hiệu quả và kịp thời, cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, kiểm tra chặt chẽ các quy định xử lý chất thải. Cách ly bệnh nhân mắc bệnh thương hàn khi hết triệu chứng và kết quả phân lập vi khuẩn 3 lần cách nhau 24-48 giờ âm tính.

Trong vùng có nhiều người mắc bệnh, vùng bị lũ lụt ô nhiễm môi trường nặng cần được sát khuẩn bằng dung dịch chloramin B, vôi bột. Ở những nơi bệnh thương hàn thường xuyên xảy ra nên tiêm phòng bằng vắc-xin, tùy từng hiệu lực của từng loại vắc-xin có thể tiêm nhắc lại sau 2 đến 5 năm.

Tin tức khác

Đặt lịch hẹn tư vấn!

Chuyên gia của chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với bạn.

  • Nam
    Nữ
Thiết kế 2018. Bản quyền thuộc về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh
1900866814