Vi rút Zika gây teo não có thể đã xuất hiện tại Việt Nam
Cập nhật: 5/2/2016 | 9:06:16 AM
Tại bệnh viện Từ Dũ, rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị tật đầu nhỏ đã được ghi nhận trong thời gian qua. Cùng với việc nhiều quốc gia phát hiện vi rút Zika trong cộng đồng, các chuyên gia y tế nhận định không loại trừ khả năng bệnh đang lưu hành tại Việt Nam.
Loại vi rút có tên là Zika được phát hiện lần đầu tiên từ những năm 40 của thế kỷ trước. Zika lây từ người này sang người khác thông qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes - loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.
Vi rút Zika mới nổi lên như một hiểm họa đối với nhân loại khi các nhà khoa học tìm ra những bằng chứng có liên quan giữa chúng với bệnh lý teo não bẩm sinh ở trẻ em và chứng bệnh liên quan đến hệ thần kinh trên những người mắc bệnh.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng lãnh đạo ngành y tế tại buổi kiểm tra ở sân bay Tân Sơn Nhất
Theo phân tích của các nhà chuyên môn tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua vi rút Zika đã bị lãng quên. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia phát hiện vi rút trên ngay trong cộng đồng, người bị nhiễm bệnh hoàn toàn không có bệnh sử liên quan đến mầm bệnh từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Có thể loại vi rút này đang tồn tại ở nhiều nước nhưng lâu nay không được quan tâm cho đến khi có những bằng chứng cụ thể về mức độ nguy hiểm của nó.
TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng TPHCM, nhận định, Việt Nam là nước có mật độ muỗi Aedes lưu hành với mật độ rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Không loại trừ khả năng, vi rút Zika đã và đang tồn tại ngay trong cộng đồng dân cư. Do đó, để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các loại bệnh nguy hiểm do vi rút Zika gây ra, ngành y tế cần phải giám sát, xét nghiệm những trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng, không nên chỉ tập trung vào việc kiểm dịch ở những đối tượng nhập cảnh.
Một minh chứng xác thực hơn cho nhận định khả năng vi rút Zika có thể đang tồn tại ở Việt Nam đã được BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc bệnh viện phụ sản Từ Dũ, đưa ra là những năm qua, rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị tật đầu nhỏ đã được ghi nhận tại bệnh viện. Từ trước đến nay, chúng tôi chưa có đủ chứng cứ để khẳng định nguyên nhân gây ra chứng bệnh tật đầu nhỏ ở trẻ mà chỉ nghi ngờ về khả năng các bé bị đột biến gen trong một bệnh cảnh chung đa dị tật. Đến nay, chúng tôi mới biết đến một trong những nguyên nhân gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ có liên quan đến vi rút Zika. Thời gian tới nếu phát hiện trẻ bị chứng bệnh trên, bệnh viện sẽ phối hợp với những đơn vị liên quan để tiến hành các xét nghiệm kiểm tra, truy tìm vi rút Zika.
Phát thuốc chống muỗi cho hành khách đến từ vùng dịch
Trước tình hình dịch bệnh vi rút Zika có chiều hướng lây lan, diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, chiều 4/2 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika tại cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và làm việc với đại diện ngành y tế các tỉnh thành phía Nam.
Thông tin từ ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế TPHCM, cho hay, trung bình mỗi tháng có khoảng 700 hành khách từ Nam Mỹ nhập cảnh vào Việt Nam qua cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó còn nhiều chuyến bay đến từ những nước đang có dịch Zika thuộc Châu Âu và Châu Á. Tại sân bay này, hoạt động đo thân nhiệt từ xa kiểm soát các dịch bệnh mới nổi như Ebola, MERS đã được triển khai, nay tiếp tục mở rộng thêm việc giám sát người bệnh nghi nhiễm vi rút Zika.
Hoạt động giám sát thân nhiệt từ xa tại sân bay Tân Sơn Nhất đang được thực hiện liên tục
Theo quy định chung về vấn đề phòng chống các dịch bệnh, khi hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất có dấu hiệu sốt cao, được máy đo thân nhiệt phát hiện thì ngay lập tức sẽ được cách ly theo dõi. Nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế sẽ điều tra bệnh sử để xác định yếu tố nguy cơ, trong trường hợp cần thiết người bệnh bắt buộc phải chuyển đến các bệnh viện trên địa bàn TPHCM thực hiện cách ly, điều trị.
Phân tích chuyên môn của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra, đến 80% trường hợp nhiễm vi rút Zika thường không có biểu hiện rõ ràng nên rất khó phát hiện các dấu hiệu lâm sàng. Bộ trưởng đề nghị cùng với việc giám sát chặt chẽ tình trạng sức khỏe những hành khách đến từ vùng dịch, ngành y tế cần phải có kế hoạch diệt muỗi ngay tại sân bay để tránh trường hợp lây nhiễm khi chưa được phát hiện, kiểm soát.
Bộ Y tế đề nghị đơn vị kiểm dịch y tế quốc tế cần in ấn và phát tờ rơi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để khuyến cáo hành khách nhập cảnh tự giác khai báo vấn đề về sức khỏe. Để chủ động phòng tránh muỗi đốt, truyền bệnh ngay tại sân bay, Bộ Y tế dự kiến sẽ trích ngân sách phòng chống dịch, mua thuốc chống muỗi dạng kem, phát cho tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam qua các cửa khẩu hàng không trên cả nước ngay sau khi chuyến bay vừa đáp xuống.
(Nguồn: dantri.com.vn)