TPHCM: Nạn nhân của vi rút Zika đã lên tới 17 trường hợp
Cập nhật: 1/11/2016 | 7:38:46 AM
Tính đến ngày 31/10, số người dương tính với vi rút Zika trên địa bàn thành phố được ghi nhận đã lên tới 17 trường hợp. Ngành y tế xác định, dịch Zika đang lưu hành trên diện rộng tại TPHCM, người dân cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh.
Đó là thông tin “giật mình” được Viện Pasteur thành phố công bố tại buổi làm việc với Cục Y tế Dự phòng về việc phòng chống dịch do vi rút Zika trên địa bàn (ngày 31/10).
Theo đó, sau khi lần lượt công bố 5 trường hợp dương tính với Zika thì ngày 31/10 ngành y tế đã công bố cùng lúc 12 ca bệnh được phát hiện thông qua hệ thống chủ động giám sát dịch bệnh, xét nghiệm miễn phí do Sở Y tế, TPHCM triển khai trên quy mô 30 bệnh viện tuyến thành phố và tuyến quận huyện.
Điều tra dịch tễ các ca bệnh mới ghi nhận, bệnh nhân không tập trung ở một vài quận huyện mà phân bố ở nhiều quận huyện khác nhau. Điều đó cho thấy, vi rút Zika đang lưu hành trên diện rộng, con số 17 trường hợp dương tính được phát hiện có thể mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” gây ra bởi vi rút Zika.
Trước tình hình trên, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bày tỏ lo ngại, TPHCM là địa bàn dân số đông nhất cả nước. Thời tiết ở khu vực đang đi sâu vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho loại muỗi Aedes lây truyền cả bệnh sốt xuất huyết và bệnh Zika phát triển, nhưng ý thức phòng bệnh của người dân còn hạn chế. Chính vì thế, nguy cơ thời gian tới sẽ xuất hiện thêm những trường hợp mắc Zika là khó tránh khỏi.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cũng chỉ ra, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn các tỉnh phía Nam đã có tổng cộng 23 trường hợp mắc Zika, trong đó xác định một trẻ ngụ tại Đắk Lắk bị tật đầu nhỏ là do loại vi rút này gây nên.
Cùng với việc đề nghị TPHCM và các tỉnh thành tăng cường biện pháp truyền thông giúp cộng đồng đặc biệt là những phụ nữ đang mang thai, phụ nữ chuẩn bị mang thai chủ động phòng tránh bị muỗi đốt, Cục Y tế Dự phòng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai các biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng; chủ động xét nghiệm kiểm tra cho các đối tượng nghi nhiễm để có giải pháp hỗ trợ, điều trị kịp thời cho người bệnh.
(Nguồn: dantri.com.vn)