Số người mắc Covid-19 toàn cầu tăng nhanh chưa từng có
Cập nhật: 6/6/2020 | 6:11:40 PM
Số người mắc Covid-19 trên thế giới được xác nhận đang tăng nhanh nhất từ trước đến nay với trung bình 100.000 ca mắc/ngày.
Thế giới hiện đã ghi nhận gần 7 triệu người mắc Covid-19. (Ảnh minh họa: Reuters) |
Nhấn để phóng to ảnh
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, trong tháng 4, chưa bao giờ số ca mắc mới Covid-19 vượt 100.000 ca/ngày, tuy nhiên kể từ ngày 21/5, chỉ có 5 ngày con số này dưới mốc 100.000 ca. Số ca mắc mới Covid-19 toàn cầu trong ngày đạt kỷ lục 130.400 ca vào hôm 3/6.
Số ca mắc mới tăng mạnh một phần được cho là do các nước tăng năng lực xét nghiệm, nhưng tại nhiều quốc gia, năng lực xét nghiệm còn hạn chế và vẫn chưa phản ánh đúng quy mô của đại dịch Covid-19.
Số ca mắc mới Covid-19 tại nhiều quốc gia từng là tâm dịch như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Italia, Tây Ban Nha, Pháp, bắt đầu tăng chậm lại. Trong khi đó, tại nhiều nước, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, dịch tiếp tục bùng phát mạnh.
Tại Libya, Iraq, Uganda, Mozambique và Haiti, dữ liệu cho thấy số ca mắc Covid-19 tăng gấp đôi mỗi tuần. Tại Brazil, Ấn Độ, Chile, Colombia và Nam Phi, số ca Covid-19 tăng gấp đôi cứ sau 2 tuần.
Mỹ hiện vẫn là quốc gia có nhiều người mắc và tử vong vì Covid-19 nhất thế giới với gần 2 triệu ca mắc, trong đó gần 112.000 ca tử vong. Brazil là tâm dịch lớn thứ 2 với gần 650.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 35.000 người đã tử vong.
Một số quốc gia được đánh giá đã kiểm soát tốt làn sóng lây nhiễm đầu tiên của Covid-19 như Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc, lại đang đối mặt với nguy cơ làn sóng thứ hai khi xuất hiện các cụm lây nhiễm mới.
Tính đến sáng nay 6/6, thế giới ghi nhận gần 7 triệu ca mắc Covid-19, trong đó gần 400.000 người đã tử vong, hơn 3,3 triệu người đã hồi phục.
Các nước đang tăng tốc cho cuộc chạy đua phát triển vắc xin. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Vắc xin Toàn cầu 2020 do Anh chủ trì ngày 4/6 đã kêu gọi được 8,8 tỷ USD từ 32 chính phủ và 12 quỹ, công ty và các tổ chức trên toàn thế giới. Số tiền này dùng để nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin phòng chống các dịch bệnh trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời giúp thế giới ứng phó đại dịch Covid-19.
(Nguồn: dantri.com.vn)