78 ca mắc bạch hầu, cảnh báo nhiều trường hợp không biểu hiện bệnh
Cập nhật: 13/7/2020 | 8:32:38 AM
Số ca mắc bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên đã tăng lên con số 78, đặc biệt có tới 26 ca không có biểu hiện bệnh, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đến chiều 12/7, trên địa bàn 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum) đã ghi nhận 78 ca bệnh bạch hầu. Trong đó, Đắk Nông là tỉnh ghi nhận số ca bệnh nhiều nhất với 29 trường hợp, Kon Tum 26 ca, Gia Lai là 20 trường hợp và Đắk Lắk ghi nhận 3 ca bệnh.
Đặc biệt, trong số 78 ca bệnh này, có tới 26 ca không có biểu hiện triệu chứng, người lành mang trùng, được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, bệnh nhân hầu hết là người lớn do những người này giai đoạn năm 1991-1995 chưa được tiêm chủng nên không có miễn dịch bạch hầu.
Ngoài ra, dù tiêm vắc xin nhưng vẫn có vi khuẩn trong người nên vẫn có khả năng lây lan. Vắc xin chỉ giảm tình trạng bệnh nặng, biến chứng và tử vong. Với bệnh bạch hầu cần phải phát hiện sớm. Vì thế điều tra dịch tễ để truy vết là rất quan trọng giúp những người đã tiếp xúc được dùng kháng sinh dự phòng.
Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bạch hầu quy mô lớn tại 4 tỉnh đang có dịch bạch hầu.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định tình hình dịch bệnh bạch hầu hiện nay có nhiều điểm khác biệt so với các năm trước như số trường hợp mắc tăng gấp 3 lần, xuất hiện nhiều nơi với nhiều nhóm tuổi và đã có trường hợp tử vong. Bạch hầu là bệnh cổ điển, tử vong chủ yếu do độc tố của bệnh gây nên vì thế cần điều trị càng sớm càng tốt, muốn điều trị sớm phải phát hiện sớm. Bạch hầu có cả vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu do đó phải ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng trong cộng đồng.
Bộ Y tế đang triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bạch hầu với quy mô lớn tại 4 địa phương này, sau đó bao phủ tiếp các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo đó, trẻ 2-18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ 19- 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT (phòng bạch hầu-ho gà-uốn ván) và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (phòng bạch hầu, uốn ván), mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng). Chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7.
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vắc xin và dụng cụ phòng hộ cá nhân cung cấp cho 4 địa phương này để tiêm phòng cho gần 4,7 triệu người. Bộ Y tế cũng đã ban hành quyết định thành lập 4 tổ Công tác hỗ trợ kỹ thuật điều trị bệnh bạch hầu tại các 4 tỉnh trên.
Bệnh bạch hầu thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Cần lưu ý phân biệt với bệnh viêm họng có giả mạc mủ khác hoặc viêm amidan có hốc mủ.
(Nguồn: dantri.com.vn)