Dịch COVID-19 đến 6h sáng 11/8: Thế giới có hơn 20,2 triệu người mắc
Cập nhật: 11/8/2020 | 9:43:55 AM
Dù thế giới đã có hơn 20 triệu ca mắc và gần 750.000 ca tử vong tại hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định thế giới vẫn còn hy vọng để chặn đứng đại dịch.
Chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại Tegucigalpa, Honduras, ngày 4/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6 giờ ngày 11/8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 20.219.605 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 737.495 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện là 13.025.426 người.
Tính đến ngày 10/8, chỉ sau 4 ngày, số ca mắc COVID-19 trên thế giới tăng từ 19 triệu ca lên 20 triệu ca. Đây cũng là khoảng thời gian số ca mắc trên thế giới tăng từ 18 triệu ca (ngày 2/8) lên 19 triệu ca (6/8).
Số ca mắc trên toàn cầu tăng lên 20 triệu người sau 19 ngày từ mức 15 triệu người ngày 22/7 và tăng từ 10 triệu ca lên 15 triệu ca sau 24 ngày.
So sánh với thời điểm đại dịch mới bùng phát, thế giới đã ghi nhận 100.000 ca (ngày 6/3) sau 3 tháng 19 ngày và 1 triệu ca (ngày 3/4) sau 26 ngày.
Dù thế giới đã có hơn 20 triệu ca mắc và gần 750.000 ca tử vong tại hơn 240 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định thế giới vẫn còn hy vọng để chặn đứng đại dịch.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chia sẻ với nỗi đau và mất mất lớn của thế giới, nhưng nhấn mạnh "vẫn có những tia hy vọng màu xanh và chưa bao giờ là muộn để đẩy lùi đại dịch."
Châu Mỹ tiếp tục là điểm nóng
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã lên tới hơn 5,2 triệu người, trong đó có hơn 166.067 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh tại Chicago Charles Evans khuyến cáo Chính phủ Mỹ cần triển khai thêm một gói cứu trợ để đảm bảo người lao động có thể ở nhà an toàn.
Tại châu Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo nước này sẽ gia hạn tình trạng báo động quốc gia thêm 30 ngày do dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm tại nước này.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một siêu thị ở Caracas, Venezuela, ngày 13/7/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đây là lần gia hạn thứ 5 kể từ khi biện pháp này lần đầu được ban bố vào ngày 13/3.
Theo thống kê chính thức của Bộ Y tế Venezuela, trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ có thêm 844 ca mắc, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 25.805 người, trong đó có 233 ca tử vong.
Trước tình hình đại dịch diễn biến xấu, Chính phủ Honduras cũng quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm tới ngày 23/8.
Bên cạnh việc gia hạn hạn giới nghiêm, cơ quan chức năng cũng mở rộng khung giờ giới nghiêm trong ngày từ 20 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Hiện số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại Honduras tiếp tục tăng. Quốc gia Trung Mỹ này đã ghi nhận 47.454 ca bệnh, trong đó có 1.495 ca tử vong.
Cuba thông báo số ca trong một ngày cao nhất từ trước đến nay với 93 ca mắc mới trong bối cảnh dịch bệnh tại thủ đô La Habana diễn biến phức tạp đe dọa đến kế hoạch mở lại nền kinh tế. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên gần 3.000 ca với 88 ca tử vong.
Một số nước châu Âu đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai
Các nhà chức trách Anh cho hay nước này đã ghi nhận 1.062 ca mắc mới, con số cao nhất kể từ cuối tháng Sáu vừa qua, trong bối cảnh nhiều khu vực tại Anh đã áp đặt lệnh phong tỏa mới và gia tăng quan ngại bùng phát làn sóng COVID-19 thứ hai. Trước đó, ngày 8/8, Anh ghi nhận 758 ca mắc mới.
Hy Lạp thông báo ghi nhận thêm 203 ca mắc mới - mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này hồi cuối tháng Hai vừa qua.
Tính đến nay tại Hy Lạp đã có 5.623 ca mắc. Trước tình hình này, chính phủ thông báo lệnh giới nghiêm từ 0 giờ đến 7 giờ sáng đối với các quán bar và nhà hàng tại các hòn đảo nghỉ dưỡng gồm Mykonos, Santorini, Corfu, Rhodes và Crete. Biện pháp này có hiệu lực từ ngày 11-23/8.
Ngoài ra, Hy Lạp cũng tuyên bố những người từ Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan và Cộng hòa Séc muốn nhập cảnh nước này sẽ cần chứng minh có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Dịch bệnh tại châu Á vẫn diễn biến phức tạp
Ngày 10/8, Ấn Độ thông báo trong 24 giờ qua đã ghi nhận 62.064 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 1.007 ca tử vong do COVID-19.
Theo thống kê, tổng số ca nhiễm và tử vong của Ấn Độ hiện là 2.215.074 ca và 44.386 ca. Đáng chú ý trong số bệnh nhân nhiễm mới có cả cựu Thủ tướng Pranab Mukherjee.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 2/8/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cùng ngày, chính quyền Malaysia đã ghi nhận thêm 11 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.094 ca, trong đó có 5 ca "nhập khẩu" và 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận thêm 6.958 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 136.638 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Số ca tử vong đã tăng thêm 24 ca lên 2.293 ca.
Thủ đô Manila là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.163 ca nhiễm mới trong ngày 10/8, tiếp đó là các tỉnh Laguna, Rizal, Cavite, Bulacan.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano khẳng định chính phủ đang kiểm soát được tình hình, dù số ca nhiễm trong cộng đồng đang không ngừng tăng. Chính phủ sẽ tập trung chuyển các ca bệnh nhẹ hoặc không có biểu hiện tới các cơ sở cách ly để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, Campuchia đã ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 251 ca. Tất cả các ca mới đều là ca nhập khẩu. Hiện Campuchia chưa có ca tử vong nào do COVID-19.
Tại Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), giới chức y tế đã ghi nhận thêm 69 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 4.148 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 67 ca nhiễm trong cộng đồng.
Hiện vẫn còn 1.052 bệnh nhân trong bệnh viện, với gần 100 trường hợp nghiêm trọng. Tổng số ca tử vong tại Hong Kong hiện vẫn là 55 ca.
Chính quyền thành phố Tokyo của Nhật Bản phát hiện thêm 197 ca mắc trong 24 giờ qua, giảm so với 331 ca mắc mới trong ngày trước đó.
Trong khi đó, chính quyền thủ đô Seoul của Hàn Quốc đang lo ngại nguy cơ bùng phát một ổ dịch mới sau khi 8 thương nhân tại chợ Namdaemun - khu chợ truyền thống lớn nhất ở Hàn Quốc - có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 49 ca, trong đó có 35 ca nhập cảnh, 14 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.
Australia thông báo đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất từ khi bùng phát dịch, dù số ca mắc mới tại tâm dịch của nước này giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần qua.
Giới chức tại bang Victoria, tâm điểm của đợt dịch COVID-19 thứ hai tại Australia, cho biết đã có 19 người tại bang này tử vong trong 24 giờ qua.
Nhiều bang khác của Australia cũng tiếp tục thông báo số ca mắc mới và tử vong, theo đó nước này ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất.
Tính đến ngày 10/8, Australia đã ghi nhận tổng cộng 21.000 người mắc và 314 người tử vong.
Nhiều nước Trung Đông ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày
Iran tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở Trung Đông, với 2.132 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 328.844. Tổng số ca tử vong đã lên tới 18.616 sau khi ghi nhận thêm 189 ca.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran, ngày 19/7/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nước này sẽ tiếp tục phải đương đầu với đại dịch ít nhất 6 tháng nữa, trước khi có vaccine hữu hiệu.
Iraq ghi nhận số ca mắc trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh xâm nhập. Bộ Y tế nước này công bố 3.484 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 153.599 ca.
Số ca tử vong tại quốc gia Trung Đông này tăng thêm 72 ca lên 5.464 ca trong khi số ca khỏi bệnh tăng thêm 2.015 người lên 109.790 người./.
(Nguồn: vietnamplus.vn)