Việt Nam không có ca mắc Covid-19 mới, dịch trên thế giới chưa chững lại
Cập nhật: 26/9/2020 | 3:50:58 PM
Sáng 26/9, nước ta không có thêm ca mắc Covid-19. Trong khi đó, mỗi ngày trên thế giới vẫn ghi nhận khoảng 250.000 ca mắc mới, khoảng 5.000 người tử vong.
Tính từ 18h ngày 25/9 đến 6h ngày 26/9, Việt Nam có 0 ca mắc mới Covid-19. Đến nay, số ca bệnh tại nước ta vẫn là 1.069, với 35 trường hợp tử vong. Trong số các ca bệnh đến nay, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 551 ca.
Việt Nam cũng đã bước vào ngày thứ 24 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.
Về số người cách ly, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 18.000, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 283
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.628
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.089
Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19:
- Số ca âm tính với SARS-CoV-2:
+ Lần 1: 4
+ Lần 2: 5
+ Lần 3: 13
- Số ca tử vong: 35 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 999 ca
Thủ tướng ra công điện tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 250.000 ca mắc mới, khoảng 5.000 người tử vong và chưa có dấu hiệu chững lại; thậm chí đã lây lan nhanh trở lại tại một số nước sau khi nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Theo nhiều dự báo, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh tại nhiều nước trong thời gian tới.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực, nhất là từ người nhập cảnh nhưng không chấp hành nghiêm quy định về cách ly, giám sát y tế, từ người nhập cảnh trái phép, nguồn bệnh từ các đợt dịch trước nhưng chưa được phát hiện, từ hàng hóa nhập khẩu…
Tại một số nơi, ngay cả trong một số cơ quan của Nhà nước và trong nhân dân đã bắt đầu xuất hiện tâm lý chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Vì thế, để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Cụ thể: thực hiện nghiêm các biện pháp: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Các đơn vị cần chú trọng phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, địa bàn tập trung đông dân cư, các khu vực thường xuyên tập trung đông người, trường học, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, cơ sở cách ly…; đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, quyết không để dịch bệnh xuất hiện, lây lan trong các cơ sở y tế. Xét nghiệm ngay các đối tượng có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền.
Đồng thời chủ động chuẩn bị các kịch bản, bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; thường xuyên tổ chức diễn tập, tập huấn các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Từng cơ quan, đơn vị, tổ chức phải có phương án cụ thể và thường xuyên rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch theo các tiêu chí do Bộ Y tế quy định. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch tại cơ quan, đơn vị và trong phạm vi quản lý.
Trường hợp xuất hiện dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp khoanh vùng thật gọn, cách ly triệt để, xét nghiệm ngay ở phạm vi cần thiết, kịp thời truy vết nhanh, bảo đảm ngăn chặn, kiên quyết không để dịch lây lan trên diện rộng.
Nhấn để phóng to ảnh
Với Bộ Y tế, Thủ tướng giao rà soát, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch trong các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm rõ quy trình, thủ tục, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong thực hiện phòng, chống dịch, nhất là đối với các cơ sở y tế và quản lý người nhập cảnh khi mở lại các đường bay thương mại quốc tế. Kịp thời hỗ trợ điều trị các ca bệnh nặng vượt quá khả năng ứng phó của địa phương; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ cũng cần hướng dẫn cụ thể việc bảo đảm an toàn các cơ sở y tế, có tiêu chí đánh giá an toàn đối với từng khoa, phòng và cả cơ sở y tế; tăng cường việc đăng ký khám bệnh qua mạng; siết chặt việc thực hiện phân luồng người đi lại giữa các khoa trong nội bộ cơ sở y tế; có phương án xét nghiệm, kết nối giữa các bệnh viện trong việc tiếp nhận, xét nghiệm, giới thiệu xét nghiệm người bệnh khi có biểu hiện bệnh Covid-19; hết sức chú trọng bảo đảm an toàn cho bệnh nhân nặng điều trị tại cơ sở y tế. Từng khoa, phòng thuộc cơ sở y tế, cơ sở y tế đều phải kiểm tra, đánh giá hàng ngày về mức độ bảo đảm an toàn của khoa, phòng, cơ sở y tế.
Người đứng đầu cơ sở y tế, cơ quan chủ quản của cơ sở y tế chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và địa bàn phụ trách.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, đồng thời không để ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Các Bộ: Công an, Quốc phòng, UBND cấp tỉnh tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.
Bộ Quốc phòng tiếp tục quản lý chặt chẽ các cơ sở cách ly tập trung; Bộ Công an, chính quyền và ngành y tế các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức cách ly tại các cơ sở lưu trú, giám sát y tế chặt chẽ đối với các trường hợp nhập cảnh, không để dịch bệnh lây chéo trong các cơ sở cách ly và lây lan ra cộng đồng.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc mở lại các đường bay thương mại quốc tế phải bảo đảm an toàn. Tất cả người nhập cảnh đều phải khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly, giám sát y tế phù hợp và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
(Nguồn: dantri.com.vn)