Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở một số quốc gia châu Á ngày 2/12
Cập nhật: 2/12/2020 | 8:07:07 PM
Campuchia, Indonesia, Nhật Bản đều trong tình trạng gia tăng các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng và phải đưa ra các biện pháp hạn chế mới, trong khi đó, Australia ghi nhận những dấu hiệu tích cực.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 2/12 đã cho phép Trung tâm thương mại AEON 1 ở thủ đô Phnom Penh mở cửa trở lại, sau 3 ngày tạm đóng cửa để ngăn chặn lây nhiễm virus SARS-Cov-2 gây bệnh COVID-19 trong cộng đồng.
Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ Y tế Campuchia tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tổng cộng 3.201 người làm việc và mua sắm tại AEON 1 và tất cả các mẫu đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Trung tâm thương mại AEON 1 đóng cửa từ ngày 29/11 sau khi một phụ nữ người Campuchia được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi người này đi mua sắm tại đây ngày 28/11.
Liên quan “sự kiện cộng đồng ngày 28/11,” tính đến ngày 1/12, Campuchia đã tiến hành khoảng 7.131 xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở những người liên quan, trong đó 17 mẫu cho kết quả dương tính.
Bộ Y tế tiếp tục truy vết để nhanh chóng xét nghiệm những trường hợp có liên quan trên phạm vi rộng, đặc biệt tại Phnom Penh và Siem Reap, nhằm ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng.
Bộ Y tế Campuchia sáng 2/12 xác nhận thêm 3 ca nhiễm mới, tất cả là trường hợp nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 329 ca, trong đó 304 bệnh nhân đã khỏi bệnh và không có ca tử vong.
Cùng ngày, giới chức bang New South Wales (NSW) của Australia tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế trước khi mùa Hè tới cùng với dịp lễ Giáng sinh, trong bối cảnh bang này trải qua 25 ngày liên tiếp không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng.
Theo đó, bang NSW ban hành quy định giãn cách 2m2 cho một người tại những địa điểm ăn uống, so với quy định 4m2; sân vận động ngoài trời có thể hoạt động 100% công suất, trong khi các sân vận động trong nhà và nhà hát được hoạt động tối đa 75% công suất; khách hàng có thể đứng ở bên ngoài nhà hàng uống rượu...
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Melbourne, Victoria, Australia, ngày 19/10/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên, theo Thủ hiến bang NSW Gladys Berejiklian, các biện pháp phòng chống COVID-19 cơ bản vẫn được duy trì.
Trong khi đó, Giám đốc y tế bang NSW, Kerry Chant tuyên bố địa phương này đã “gần như loại bỏ hoàn toàn” virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp của lãnh đạo chính quyền bang, bà Chant cho biết về mặt xác suất, sự lây truyền virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng gần như đã được loại bỏ hoàn toàn, song virus này vẫn có thể "âm thầm" tồn tại ở đâu đó.
Tính đến ngày 2/12, bang NSW đã trải qua 25 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới COVID-19 nào trong cộng đồng mà không rõ nguồn gốc, và chỉ còn vài ngày nữa là đến mốc quan trọng 28 ngày - gấp đôi thời gian ủ bệnh tối đa của virus SARS-CoV-2.
Tuy nhiên, giới chức bang liên tục khuyến cáo người dân thận trọng, tuân thủ các yêu cầu y tế và đi xét nghiệm nếu có bất kỳ triệu chứng nào.
Hiện hầu hết các bang và vùng lãnh thổ khác ở Australia như Vùng lãnh thổ Thủ đô ACT, West Australia, Lãnh thổ North Australia và Tasmania đều đã trải qua vài tháng không có ca nhiễm mới nào trong cộng đồng.
Bang Victoria, nơi có nhiều ca bệnh và tử vong nhất, đã trải qua 33 ngày không có ca nhiễm mới nào tại địa phương này. Trong khi đó, bang South Australia cũng đã trải qua 4 ngày không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào liên quan đến ổ dịch mới bùng phát trong tháng 11 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Chính phủ Indonesia đã quyết định rút ngắn kỳ nghỉ cuối năm nay xuống còn 1 ngày, thay vì nghỉ 4 ngày từ ngày 28-31/12 như kế hoạch ban đầu.
Quyết định này được đưa ra theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Phát biểu trên trang web của Ban thư ký nội các, Bộ trưởng Điều phối Văn hóa và Phát triển con người của Indonesia, Muhadjir Effendy nêu rõ: “Chúng tôi đã cắt giảm 3 ngày nghỉ lễ, cụ thể là các ngày 28, 29 và 30/12.”
Theo các số liệu mới nhất, số ca mắc COVID-19 đã tăng đáng kể tại Indonesia sau các kỳ nghỉ lễ dài khi người dân đoàn tụ gia đình và đi du lịch.
Trước đó, theo Nghị định chung của Bộ Tôn giáo, Bộ Nhân lực và Bộ Cải cách Hành chính của Indonesia, kỳ nghỉ cuối năm 2020 bao gồm 4 ngày nhằm thay thế cho các ngày lễ Eid Al-Fitr đã bị hủy bỏ do đại dịch.
Theo thống kê chính thức, tính đến ngày 1/12, Indonesia ghi nhận tổng cộng 543.975 ca mắc COVID-19, trong đó có 17.081 ca tử vong, trở thành nước có cả số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.
Còn tại Nhật Bản, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, chính quyền Tokyo ngày 2/12 xác nhận thêm 500 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca bệnh ở thủ đô lên 41.811 ca.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kanagawa, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 28/10, số ca nhiễm mới ở thành phố này lại chạm ngưỡng 500 ca/ngày.
Các số liệu thống kê của chính quyền Tokyo cho thấy thành phố hiện có 59 ca nguy kịch, giảm 3 ca so với một ngày trước đó.
Cùng ngày, phát biểu trước báo giới, bà Yuriko Koike, Thống đốc Tokyo, cho biết chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel” sẽ vẫn được triển khai với quy mô “hạn chế” chứ không phải “tạm dừng.”
Theo giải thích của bà Koike, quy mô nền kinh tế của thủ đô Tokyo là rất lớn, do đó trên cơ sở trao đổi với Chính phủ Nhật Bản, chính quyền thành phố sẽ cố gắng cân bằng hai nhiệm vụ quan trọng là phòng chống dịch bệnh và duy trì các hoạt động kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, chính quyền thủ đô Tokyo và Chính phủ Nhật Bản kêu gọi những người cao tuổi (trên 65) và những người mắc bệnh nền không nên đi du lịch, bao gồm cả việc đến và rời khỏi Tokyo, trong một khoảng thời gian nhất định.
Phản ứng trước thông báo trên, một đại diện Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, đồng thời kêu gọi Chính phủ cần có một chính sách toàn diện và quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh./.
(Nguồn: vietnamplus.vn)