Dịch COVID-19: Số ca nhiễm mới tăng tại nhiều nước Đông Nam Á
Cập nhật: 31/5/2021 | 8:31:32 AM
Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước Đông Nam Á vẫn phức tạp với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, riêng Malaysia và Philippines mỗi nước đều ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 30/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 170.689.914 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.550.093 ca tử vong. Hiện có hơn 152,678 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 14,461 triệu bệnh nhân đang được điều trị.
Tình hình dịch bệnh tại nhiều nước Đông Nam Á vẫn phức tạp với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày, riêng Malaysia và Philippines mỗi nước đều ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua.
Philippines đã ghi nhận 7.058 ca mắc mới và 139 ca tử vong, nâng tổng số ca COVID-19 và tử vong tại quốc gia này lên 1.223.627 ca và 20.860 ca. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết số ca mắc mới tại vùng đô thị Manila và các vùng phụ cận tiếp tục giảm nhưng tốc độ giảm đang chậm lại.
Thái Lan ngày 30/5 ghi nhận thêm 4.528 ca mắc mới, trong đó có 1.902 ca ở các nhà tù. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới được ghi nhận vượt mốc 4.500 ca.
Thái Lan ưu tiêu phân phối vaccine ngừa COVID-19 ở Bangkok trong chiến dịch tiêm chủng quốc gia vào tháng tới, với mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân thủ đô trước tháng 7.
Tại Campuchia, tỉnh Kandal, giáp thủ đô Phnom Penh, đã đưa một số địa điểm vào danh sách “Khu vực Đỏ” do tình trạng lây nhiễm gia tăng trở lại. Sở y tế tỉnh Svay Rieng, giáp biên giới Việt Nam, kêu gọi toàn bộ các công nhân nhà máy You Li (thuộc Đặc khu kinh tế Shandong Bavet) tại địa phương cách ly triệt để sau khi phát hiện 300 người mắc COVID-19.
Cho đến nay, riêng tại tỉnh Svay Rieng, các cơ quan chức năng đã phát hiện 820 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 782 công nhân Campuchia và 38 người nước ngoài.
Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 30/6 tới, bao gồm tất cả các sắc lệnh, thông báo và chỉ thị được các bộ và các tổ chức chính phủ ban hành trước đó để khống chế dịch.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar ghi nhận thêm 40 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 143.526 ca trong khi tổng số ca tử vong tại đây vẫn là 3.216 ca.
Malaysia cũng thông báo các biện pháp được áp dụng trong đợt phong tỏa toàn diện từ ngày 1 đến 14/6, theo đó nước này sẽ đóng cửa tất cả các trung tâm mua sắm và cấm tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu.
Tại Ấn Độ, chính quyền vùng thủ đô Delhi, các bang Tamil Nadu và Kerala cũng quyết định gia hạn biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh.
Cụ thể, lệnh phong tỏa tại vùng thủ đô Delhi và Tamil Nadu lẽ ra sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/5 nhưng sẽ được gia hạn đến ngày 7/6.
Tuy nhiên, chính quyền Delhi nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với lĩnh vực xây dựng và sản xuất. Trong khi đó, biện pháp chống dịch tại Kerala sẽ được gia hạn đến ngày 9/6 tới.
Tại châu Âu, Chính phủ Tây Ban Nha thông báo từ ngày 7/6 tới sẽ cho phép các tàu du lịch nước ngoài cập cảng nước này, theo đó dỡ bỏ một lệnh cấm được dụng từ tháng 6/2020 để phòng dịch COVID-19.
Các hãng vận tải đường biển sẽ phải tuân thủ những biện pháp của Bộ Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho cả hành khách trên tàu và người dân tại những thành phố mà tàu ghé qua.
Quốc gia Tây Nam châu Âu này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch bệnh trong khu vực với hơn 79.000 ca tử vong và 3,7 triệu ca mắc. Doanh thu của ngành du lịch trong nước đã giảm 80% vào năm ngoái do một loạt các biện pháp hạn chế được áp đặt để phòng dịch.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Colombia cho biết nước này ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 540 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 87.747 ca. Số ca mắc tại quốc gia Nam Mỹ cũng tăng thêm 20.494 ca lên 3.363.061 ca.
Đến nay, Colombia đã tiêm hơn 9,3 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó hơn 3,2 triệu người đã được tiêm đủ liều vaccine.
Canada đã cho phép kéo dài thêm một tháng thời hạn sử dụng của gần 50.000 liều vaccine phòng COVID-19 do hãng AstraZeneca bào chế. Bộ Y tế Canada cho biết 2 lô vaccine của AstraZeneca có hạn sử dụng đến ngày 31/5/2021 sẽ được gia hạn đến ngày 1/7/2021.
Quyết định này được đưa ra dựa trên "bằng chứng khoa học". Tính đến ngày 22/5, Canada còn khoảng 49.000 liều vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng đến ngày 31/5, chủ yếu là ở Ontario - tỉnh bang đông dân nhất nước này.
Cho đến nay, 55,6% dân số Canada đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 5% đã tiêm đủ liều. Canada hiện ghi nhận hơn 1,3 triệu ca mắc COVID-19, với hơn 25.000 ca tử vong./.
(Nguồn: vietnamplus.vn)