Dịch bệnh sốt xuất huyết và cách phòng, chống

Cập nhật: 16/9/2015 | 8:43:44 AM

Từ địa chỉ mail anhnguyencx@yahoo.com, bạn đọc Nguyễn Trâm Anh, tổ 26, khu 2, phường Cao Xanh, TP Hạ Long, hỏi: “Tôi thấy bệnh sốt xuất huyết (SXH) xuất hiện nhiều trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Đợt lũ lịch sử cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, khu phố tôi bị ngập lụt. Nơi này còn có hệ thống mương thường xuyên ứ đọng nước nên tôi rất lo. Thông qua Báo Quảng Ninh, tôi muốn nhờ các chuyên gia nói kỹ hơn về bệnh SXH và cách phòng chống?”. Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tư vấn giúp bạn.

- Thưa bác sĩ, một số tỉnh phía Bắc xuất hiện các ca bệnh SXH, vậy tình hình bệnh này ở Quảng Ninh hiện ra sao?

+ SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Loại muỗi truyền bệnh này thường là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Ở Việt Nam chủ yếu là do Aedes aegypti. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là các tháng 7, 8, 9, 10.

a
Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Với Quảng Ninh, số lượng người mắc SXH hàng năm rất ít. Tuy nhiên, công tác phòng bệnh này luôn được ngành Y tế và các địa phương xem trọng. Ngay từ đầu năm, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng (TTYT) tỉnh đã triển khai đến các TTYT tuyến huyện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; đồng thời hàng tháng, chúng tôi tổ chức các đợt giám sát mật độ muỗi, bọ gậy trong khu dân cư. Trong tháng 5-2015, TTYT dự phòng tỉnh đã mở một số lớp tập huấn giám sát, xử lý dịch bệnh SXH cho cán bộ, nhân viên y tế các tuyến trên địa bàn; chỉ đạo hệ thống dự phòng tăng cường giám sát dịch bệnh ở những ổ dịch cũ. Đến thời điểm này, dù số người mắc SXH tại nhiều tỉnh, thành phố tăng vọt, song ở Quảng Ninh chưa có dấu hiệu gia tăng ca bệnh, chưa xuất hiện ổ dịch. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ ghi nhận 10 trường hợp có xét nghiệm dương tính với vi rút Dengue... cả 10 trường hợp này đều là khách vãng lai từ các tỉnh, thành khác đến. Qua giám sát ở nhiều khu dân cư cho thấy, mật độ muỗi, bọ gậy vẫn ở mức bình thường... Tuy nhiên, SXH là bệnh dễ lây lan thành dịch nên người dân không được chủ quan.

- Vậy dấu hiệu nào để biết bị bệnh SXH và cách điều trị ra sao, thưa bác sĩ?

+ Khi bị SXH, nếu ở thể nhẹ, người bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột 39-400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Ở trẻ em thường có triệu chứng đau họng và nếu hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi); xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa.

Còn nếu ở thể nặng, người bệnh xuất hiện dấu hiệu xuất huyết, như: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Với những trường hợp này, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh SXH hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị biến chứng của bệnh. Do đó, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

Hiện tại, Phòng Xét nghiệm sinh học phân tử của TTYT dự phòng tỉnh đã triển khai xét nghiệm RT-PCR cho bệnh SXH ngay từ những ngày đầu mắc bệnh. Phòng khám Đa khoa của Trung tâm cũng là điểm giám sát dịch cố định các loại bệnh gây dịch. Bởi vậy, nếu thấy nghi ngờ hoặc có dấu hiệu nghi bệnh dịch đề nghị đến Phòng khám để được tư vấn, thăm khám và làm xét nghiệm phát hiện bệnh dịch.

- Xin bác sĩ cho biết cách phòng bệnh SXH?

+ SXH thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội... Do đó, công tác phòng bệnh rất quan trọng. Hiện nay trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh SXH nên cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Người dân cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy. Hàng tuần cần thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Nên thu gom, huỷ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà, như: Chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, hốc tre, bẹ lá...; dọn vệ sinh môi trường; lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Người dân ở các xã thường có thói quen dùng bát nước để kê chạn, tủ đựng chén bát, thức ăn, nếu vậy bà con phải bỏ muối vào bát nước đó.

Cần chú ý phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn; phun, diệt muỗi định kỳ tại nơi sinh sống. Rèm che, màn cần tẩm hoá chất diệt muỗi. Cho bệnh nhân sốt xuất huyết nằm trong màn để tránh muỗi đốt từ đó tránh lây lan bệnh cho người khác.

- Xin cám ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin