Tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 22/9/2015 | 9:38:00 AM

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 29.000 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 18 trường hợp tử vong. Dịch bệnh đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại Quảng Ninh, tuy mới xuất hiện 11 ca dương tính SXH, rải rác ở 6 địa phương, nhưng ngành Y tế tỉnh đã có nhiều biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dịch; đồng thời khuyến cáo các đơn vị, địa phương và nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp nhằm khống chế, không để dịch SXH lan rộng ra địa bàn.

Theo báo cáo tại các đơn vị, các ca bệnh xuất hiện rải rác tại các địa phương, mỗi ổ dịch chỉ xuất hiện 1 ca bệnh duy nhất. Các trường hợp này đều là khách vãng lai từ các tỉnh, thành khác đến. Qua giám sát ở nhiều khu dân cư cho thấy, mật độ muỗi, bọ gậy vẫn ở mức bình thường. Công tác xử lý ổ dịch được tuyến huyện thực hiện khẩn trương, kịp thời, đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa TX Quảng Yên: Hồi đầu năm có 1 ca dương tính SXH ở xã Tiền Phong. Bên cạnh việc tích cực điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát, tiêu diệt ổ dịch truyền bệnh SXH, phát động vệ sinh môi trường toàn xã Tiền Phong. Đến nay, trên địa bàn thị xã chưa phát hiện ca bệnh mới v.v..

Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị hoá chất phun khử khuẩn bằng máy chuyên dụng tại phường Hà Khánh (TP Hạ Long) sau đợt mưa lụt tháng 8-2015.
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh chuẩn bị hoá chất phun khử khuẩn bằng máy chuyên dụng tại phường Hà Khánh (TP Hạ Long) sau đợt mưa lụt tháng 8/2015.

Các đơn vị điều trị đều xây dựng kế hoạch, tổ chức thu dung, cấp cứu và điều trị các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh SXH. Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận 7 trường hợp, chủ yếu ở TP Hạ Long và TP Cẩm Phả. Các trường hợp đều được chẩn đoán ngay và xử lý sớm, không có ca bệnh chuyển nặng. Bệnh viện chuẩn bị tốt về nhân lực, thuốc, vật tư y tế…, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân khi có bệnh dịch xảy ra. Để tăng cường phòng, chống bệnh, Bệnh viện tiếp tục tập huấn lại cho các khoa, phòng để chủ động trong chẩn đoán, điều trị bệnh. Bệnh viện cũng tích cực chỉ đạo, hỗ trợ tuyến dưới; chủ động phối hợp với các đơn vị y tế dự phòng cùng tuyến trong công tác thông tin, báo cáo ca bệnh truyền nhiễm đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế đẩy mạnh công tác giám sát tình hình bệnh dịch tại tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức 23 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 700 bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ, cộng tác viên xã điểm... về công tác phòng, chống, chẩn đoán và điều trị SXH. Công tác tuyên truyền được triển khai thường xuyên qua các hình thức: Phát thanh (trên 3.300 lần); phát tờ rơi (2.620 tờ); tuyên truyền lồng ghép (133 lần); mít tinh, diễu hành (tổ chức tại 7 xã thuộc 3 huyện, thu hút trên 300 người tham dự) v.v.. Các địa phương đã làm vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý 116.912kg rác thải; xử lý 19.377 dụng cụ chứa nước; thả cá vào 1.020 dụng cụ chứa nước; phun 140 lít hoá chất chủ động và xử lý ổ dịch cho gần 1.500 hộ dân v.v..

Với sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế tỉnh và các địa phương, đến nay, toàn tỉnh chưa để xảy ra ổ dịch bệnh SXH nào nghiêm trọng. Tính đến ngày 12/9/2015, đã có 9/14 đơn vị tuyến huyện giám sát có 45 ca bệnh nghi SXH, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2014 (24 ca). 100% các ca nghi ngờ được giám sát huyết thanh học, kết quả có 11 ca dương tính rải rác tại 6 địa phương. Địa phương có số ca dương tính SXH cao là Hạ Long (4 ca), Uông Bí (2 ca), Đông Triều (2 ca). Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Sở Y tế, bệnh SXH xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là các tháng 7, 8, 9, 10. Đặc biệt, Quảng Ninh vừa trải qua đợt mưa lụt dài ngày, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nhất là dịch SXH. “SXH là bệnh chưa có vắc xin để phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêu diệt tác nhân gây bệnh, bao gồm muỗi, bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Cùng với ngành Y tế và các cơ quan liên quan, người dân cần chủ động và tích cực thực hiện triệt để các khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống SXH, tránh để bệnh dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch SXH” - bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin