Sốt xuất huyết gia tăng: Bệnh viện quá tải

Cập nhật: 28/9/2015 | 7:54:41 AM

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng và xuất hiện các ổ dịch nhỏ ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, dự báo sẽ bùng phát trở lại theo chu kỳ.

Chiều 26/9, ghi nhận tại Khoa Virut - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, nhiều ngày qua mỗi ngày tiếp nhận từ 15 - 20 bệnh nhân nên đã dẫn đến tình trạng quá tải.

Mỗi giường phải nằm 3 bệnh nhân

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thúy Phương - Điều dưỡng trưởng, Khoa Virut - Ký sinh trùng cho biết: Tại khoa, số giường bệnh đã được tăng cường 14 giường ngoài hành lang, tuy vậy bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 3 người/giường. Bệnh nhân chủ yếu là người lớn, tuổi từ 18-35, hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực “nóng” của dịch SXH của Hà Nội như quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì và một số tỉnh lân cận Hà Nội như: Hưng Yên, Bắc Ninh, Hà Nam. Mỗi ngày tại khoa tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nặng phải nhập viện, trong khi đó số bệnh nhân cũ chưa kịp ra viện đã dẫn đến tình trạng quá tải. Do vậy phải sàng lọc số bệnh nhân có thể xuất viện về điều trị nội trú để giảm tải và khám sàng lọc rất kỹ mới cho nhập viện. Tất cả bệnh nhân nằm ghép đều chấp nhận ký cam kết tự nguyện.

Sốt xuất huyết gia tăng: Bệnh viện quá tải
Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng đột biến.

Thống kê của BV Bệnh Nhiệt đới TW, số ca mắc SXH đến viện khám đang tăng từng ngày. Trong tháng 7 chỉ có 68 ca nhập viện theo dõi thì đến tháng 8, con số này đã tăng 163 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay tăng lên 220 ca nhập viện. Dự đoán tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp, số ca mắc chắc chắn sẽ tăng trong những ngày tiếp theo nên BV đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị y tế, giường bệnh và liên hệ với Viện Huyết học - Truyền máu TW để tiếp nhận các đơn vị máu, điều trị cho bệnh nhân xuất huyết, giảm tiểu cầu, cô đặc máu, bà Thúy Phương cho biết.

Quá nửa bệnh nhân đến viện muộn do chủ quan

Thạc sĩ Nguyễn Kim Thư, Phó trưởng Khoa Virut - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết: Có quá nửa bệnh nhân đến viện muộn do chủ quan, không nghĩ mình bị SXH. Đến khi nổi ban trên da, người mệt lử, ăn vào thì nôn, đau khớp, đau bụng... mới đến viện. Nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như: chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa,... Tuy vậy, tại BV chưa ghi nhận ca tử vong nào có liên quan đến SXH. Giới chuyên môn khuyến cáo, không thể điều trị SXH tại nhà vì phải xét nghiệm máu, theo dõi tiểu cầu, từ đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân ở thể nhẹ đều có thể theo dõi điều trị tại nhà, trừ khi có các dấu hiệu cảnh báo thì phải đến bệnh viện để điều trị.

Sốt xuất huyết gia tăng: Bệnh viện quá tải
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Trần Lâm

Cũng theo ThS. Nguyễn Kim Thư: Đến nay SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Bộ Y tế đã triển khai nhiều chỉ đạo chuyên môn về dự phòng và điều trị về dịch bệnh SXH. Theo đó, bác sĩ chỉ giải quyết triệu chứng ngăn chặn quá trình thoát mạch huyết tương gây sốc SXH hoặc quá trình xuất huyết. Để phòng bệnh, phương pháp chính để kiểm soát số lượng muỗi, đảm bảo vệ sinh môi trường, không để có nước đọng, giảm tối đa các vật dụng chứa nước không được xử lý thải bỏ như: lốp xe cũ, chén bát, chai lọ cũ, bể tiểu cảnh, thay nước lọ cắm hoa thường xuyên... là nơi đẻ trứng của muỗi, đậy kín các dụng cụ chứa nước. Tránh tuyệt đối bị muỗi đốt, ngủ phải nằm màn. Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Thực hiện khẩu hiệu không có lăng quăng thì không có SXH. Khi có dịch, đôi khi phải cần đến phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Nếu đã mắc bệnh, mà có dấu hiệu cảnh báo nặng, phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh tử vong.

Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm 2015 đến 25/9, cả nước ghi nhận 39.547 trường hợp mắc SXH tại 51 tỉnh/thành phố, trong đó có 24 trường hợp tử vong. Số mắc giảm (17,7%) so với trung bình giai đoạn 2010-2014 nhưng tăng cao so với cùng kỳ năm 2014. Số mắc tích lũy tăng cao tập trung tại các tỉnh miền Nam, Khánh Hòa và Hà Nội.

Trong quá trình điều trị SXH, người bệnh cần phải phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để thực hiện quy trình điều trị của Bộ Y tế. Nếu bệnh nhân nằm điều trị tại nhà, cần cho uống nhiều nước oresol, các loại nước hoa quả. Nếu sốt cao có thể hạ nhiệt bằng cách chườm mát (vào hố nách hoặc hố bẹn). Có thể uống thuốc hạ nhiệt paracetamol, không được uống giảm đau hạ sốt như analgin, aspirin... Vì những thuốc này có thể gây chảy máu dữ dội, xuất huyết nội tạng dẫn đến tử vong. Bệnh nhân cần được ăn uống đầy đủ, nâng cao thể trạng, nghỉ ngơi và đặc biệt khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nặng thì phải đến bệnh viện ngay để điều trị.


Tích cực, chủ động trong điều trị, giảm tử vong do SXH Dengue

Thực hiện Công điện số 1632/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tích cực, chủ động, liên tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết Dengue (SXHD), tại tỉnh Bình Dương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế đã tổ chức lớp tập huấn tăng cường công tác điều trị SXHD và rút kinh nghiệm tử vong do SXHD năm 2015 cho y tế 3 tỉnh trọng điểm hiện nay về SXHD là Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

Hơn 150 học viên dự lớp tập huấn gồm các bác sĩ đại diện Phòng Nghiệp vụ Y của Sở Y tế, đại diện lãnh đạo bệnh viện, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khoa Khám bệnh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trưởng khoa Nhi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu của các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, bệnh viện tư nhân và các bệnh viện của các bộ, ngành trên địa bàn thuộc 3 tỉnh trên. Trong đó, Bình Dương, Đồng Nai là 2 tỉnh có số mắc và tử vong do SXHD tăng so với cùng kỳ năm 2014, riêng tỉnh Tây Ninh có nhiều ca SXH nặng phải chuyển tuyến.

Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, các đơn vị phải tích cực, chủ động và liên tục nâng cao chất lượng của công tác khám, chữa bệnh nhằm giảm tỷ lệ tử vong do SXHD...; các bệnh viện phải củng cố và duy trì hoạt động của các “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh, đồng thời bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ, phác đồ xử trí để cấp cứu người bệnh.

Giảng viên lớp tập huấn là các bác sĩ của BV Nhi đồng 1, BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh là các chuyên gia của bệnh viện tuyến cuối tại phía Nam. Trong quá trình tập huấn, các chuyên gia đã cập nhật kiến thức điều trị SXHD người lớn, phân tích, rút kinh nghiệm, nhận xét các lý do tử vong SXHD người lớn và dành nhiều thời gian tọa đàm với các học viên về những vấn đề khó trong chẩn đoán, điều trị mà các học viên gặp phải; chia sẻ những kinh nghiệm trong chẩn đoán, xử trí SXHD trẻ em tại tuyến huyện; điều trị, chăm sóc sốc kéo dài, tổn thương đa cơ quan trong SXHD trẻ em;...

PV

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin