Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất 50 năm - một chặng đường tự hào

Cập nhật: 4/11/2015 | 12:29:15 PM

Ngày 5-11, Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là phần thưởng cao quý dành cho các thế hệ cán bộ, nhân viên, người lao động của Trung tâm trong suốt nửa thế kỷ qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân.

Thực hiện xét nghiệm PCR chẩn đoán cúm A (H7N9) tại Phòng xét nghiệm vi sinh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Thực hiện xét nghiệm PCR chẩn đoán cúm A (H7N9) tại Phòng xét nghiệm vi sinh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Nâng cao năng lực dự phòng

Cuối năm 1964, Trạm Vệ sinh phòng dịch tỉnh Quảng Ninh được thành lập, là tiền thân của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ngày nay. Khi đó, Trạm chỉ như một bộ phận thuộc văn phòng Ty Y tế, có trên 20 người, trang thiết bị hết sức sơ sài nhưng lại mang nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền về vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh cho cả tỉnh. Trong bối cảnh đất nước còn chiến tranh, chia cắt, khó khăn, những cán bộ Trạm Vệ sinh phòng dịch Quảng Ninh ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, còn làm tốt nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc.

Những ngày sơ khai, Trạm chỉ có các tổ như: Vệ sinh chung, vệ sinh lao động, dịch tễ, phòng xét nghiệm sinh hoá, bộ phận xét nghiệm vi sinh ở chung với phòng xét nghiệm vi sinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau 50 năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực sự lớn mạnh với 90 cán bộ, nhân viên; trong đó 80% có trình độ từ đại học trở lên. Trung tâm có hàng trăm máy móc, thiết bị hiện đại, triển khai một khối lượng công việc chuyên môn khá lớn ở nhiều lĩnh vực, đã vượt xa theo chuẩn Quốc gia và đang mở ra hướng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sau nhiều năm xây dựng và phấn đấu, năm 2012, Trung tâm đã được UBND tỉnh quyết định là đơn vị y tế hạng I đầu tiên của ngành Y tế tỉnh, đồng thời được Bộ Y tế công nhận là một trong 10 đơn vị đầu tiên của toàn quốc đạt chuẩn Quốc gia về y tế dự phòng tuyến tỉnh. Phòng xét nghiệm của Trung tâm đạt an toàn sinh học cấp II, vận hành theo tiêu chuẩn ISO; đã triển khai nhiều kỹ thuật sinh học phân tử, đột biến gen để phục vụ công tác chẩn đoán dịch bệnh. Nhờ đó, đến nay Quảng Ninh là một trong số ít các tỉnh đến thời điểm hiện nay tự xét nghiệm chẩn đoán các bệnh, như: Cúm A(H5N1), cúm A(H9N9); Mers-CoV, tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi v.v.. Trung tâm đã định lượng được nồng độ một số loại vi rút; triển khai các kỹ thuật mới trên hệ thống máy giải trình tự gen. Về cơ bản, các mẫu bệnh phẩm đều được xét nghiệm và khẳng định ngay tại Trung tâm.

Phòng xét nghiệm hoá học của Trung tâm cũng triển khai kiểm nghiệm được các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động và xét nghiệm thực phẩm. Phòng xét nghiệm của Trung tâm được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định là phòng xét nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thực phẩm, kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi, kiểm nghiệm lĩnh vực hoá và vi sinh; kiểm nghiệm trong lĩnh vực môi trường. Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đã duy trì tỷ lệ tiêm chủng 10 loại vắc-xin đạt trên 95%. Đây là một dự án thành công và hiệu quả nhất từ trước đến nay, cơ bản làm thay đổi cơ cấu bệnh tật trên địa bàn, tăng tuổi thọ bình quân, giảm chi phí cho các hộ gia đình và tăng năng suất của cả xã hội.

Sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh

50 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm luôn tận tâm, tận lực, in dấu chân của mình trên khắp các nẻo đường, các bản làng xa xôi để chống dịch, triển khai tiêm chủng, vận động bà con thực hiện phong trào vệ sinh… Cán bộ Y tế dự phòng sẵn sàng đi bộ cả ngày đường, thức trắng đêm để nuôi cấy vi trùng ở phòng xét nghiệm, cũng như không ngần ngại đón giao thừa tại ổ dịch, “3 cùng” với nhân dân nhằm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.

Quảng Ninh đã khống chế thành công nhiều loại dịch bệnh trên địa bàn như: Dịch thương hàn, viêm màng não (năm 1965 tại TX Quảng Yên); dịch tiêu chảy (năm 1967, tại Cô Tô); dịch sốt mò đỏ truyền bệnh Risketsia (năm 1968 tại các xã đảo); dịch sốt xuất huyết (năm 1969); dịch tả (năm 1976)... Trung tâm cũng khống chế thành công bệnh tê phù xảy ra từ năm 1983 và kéo dài nhiều năm tại TX Quảng Yên với 1.865 người mắc (sau này được chẩn đoán là bệnh beriberi do thiếu Vitamin B1). Sau khi chỉ định cho dùng vitamin B1 liều cao, tình hình dịch dần dần được thanh toán và từ đó đến nay không ghi nhận bệnh này quay trở lại.

Trong những năm gần đây, mặc dù trên toàn quốc dịch bệnh hết sức phức tạp nhưng tại Quảng Ninh, dịch bệnh được khống chế tốt; không có dịch lớn xảy ra, không có ca tử vong. Đặc biệt, hồi cuối tháng 7 đầu tháng 8 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra trận mưa lụt lớn làm giao thông bị chia cắt, mất nước sinh hoạt tại 2 thành phố lớn, môi trường bị ô nhiễm nặng. Nhưng với sự chuẩn bị chu đáo cho mọi tình huống có thể xảy ra; hệ thống y tế nói chung và hệ thống y tế dự phòng đã chủ động, kịp thời chỉ đạo, giám sát, ứng phó nhanh trong công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ. Nhờ đó, lũ lụt qua đi nhưng toàn tỉnh không có vụ dịch bệnh nào xảy ra. Y tế dự phòng các tuyến đã góp công rất lớn cho công tác khắc phục hậu quả do thiên tai để phục hồi sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh cho nhân dân trong tỉnh.

“Phát huy truyền thống, cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đoàn kết xây dựng và duy trì Trung tâm theo chuẩn Quốc gia; tiếp tục ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng chuyên môn, dịch vụ; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân và sự nghiệp y tế dự phòng trong thời kỳ mới” - đồng chí Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm khẳng định.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin