PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng: 'Hiểu sai về văcxin khiến việc tiêm phòng hỗn loạn'

Cập nhật: 28/12/2015 | 4:17:44 PM

Trả lời phỏng vấn trực tuyến VnExpress, PGS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng nhiều gia đình lo sợ văcxin miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không tốt nên cố chờ dịch vụ, dẫn đến tình trạng hỗn loạn đăng ký những ngày qua.

Gần 300 câu hỏi được độc giả gửi VnExpress.net để phỏng vấn trực tuyến Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cùng Cục phó Quản lý Dược Đỗ Văn Đông và Thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng Ngô Khánh Hoàng, về tình hình khan hiếm văcxin 5 trong 1. Hầu hết câu hỏi xoay quanh vấn đề tại sao Việt Nam luôn trong tình trạng khan hiếm văcxin dịch vụ; trách nhiệm thuộc về ai; tại sao các nước vẫn có văcxin trong khi Việt Nam thì không; những thắc mắc về phương cách nào để đăng ký tiêm chủng cho con lần này, nếu không chích ngừa 5 trong 1 dịch vụ được thì có thay thế bằng các văcxin khác được không...  

- Tôi nghe thấy nhiều người đưa con sang Singapore, Thái để tiêm văcxin dịch vụ cho con. Vậy tại sao Việt Nam mình lúc nào cũng kêu thiếu? (Minh Anh, Hà Nội)

- Ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược:

Văcxin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được cung ứng đầy đủ và đúng lịch. Các bà mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm chủng miễn phí tại tất cả các điểm tiêm chủng trên cả nước. Văcxin phục vụ tiêm chủng dịch vụ thì có sự suy giảm về nguồn cung do năng lực của nhà sản xuất giảm. 

- Thưa ông Hoàng, chúng tôi rất lo lắng vì Quinvaxem đã gây ra tai biến cho nhiều cháu sau tiêm vacxin. Vì thế chúng tôi không tin tưởng về chất lượng loại vacxin này mà buộc phải trả tiền cao cho vacxin dịch vụ để tiêm cho con. Phải chăng là chất lượng của Quinvaxem có vấn đề? (Hoàng Mai, 30 tuổi, TP HCM)

- Ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Thư ký Chương trình Tiêm chủng mở rộng:

Hiện nay, văcxin Quinvaxem đã được sử dụng trên 90 quốc gia trên toàn thế giới với số lượng gần 500 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, văcxin này được sử dụng cho các nước như Thái Lan, Lào, Campuchia, Philippines, Việt Nam. Được sự hỗ trợ của liên minh toàn cầu về văcxin và tiêm chủng (GAVI), từ năm 2010 đến nay, theo tôi được biết, Việt Nam đã sử dụng khoảng 25 triệu liều, góp phần không nhỏ trong việc giảm nguy cơ mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm mà có văcxin tiêm chủng.

Tuy nhiên, đối với tất cả các loại văcxin hiện nay đang được sử dụng trên thế giới đều có một tỷ lệ nhất định các phản ứng không mong muốn. Tuy nhiên, tỷ lệ này rất nhỏ. Ngoài ra, khi đưa văcxin vào sử dụng đều đã qua quy trình kiểm nghiệm hết sức nghiêm ngặt. Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng, hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo quy định.

- Theo thông tin năm nay sẽ có 200.000 liều 5 trong 1 dịch vụ nhưng đến cơ sở nào cũng nói khan hiếm, lượng văcxin chỉ đủ chích ngừa 1 đến 2 buổi đã hết.
Nếu tranh thủ con tôi cũng chỉ tiêm ngừa được 1 mũi vì bé mới 2 tháng, vậy lúc bé 3 tháng, 4 tháng thì sao? Liệu Bộ có tiếp tục nhập khẩu văcxin dịch vụ trong năm 2016 hay không?
Nếu báo chí nói là mỗi năm nhập khẩu cũng khoảng 300.000-400000 liều vậy tại sao con trước của tôi sinh năm 2013 lại không có tình trạng khan hiếm mà lúc nào cũng có sẵn?
 (Nguyễn Thị Hà, 29 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Mặc dù năng lực cung ứng của các nhà sản xuất văc xin trên thế giới hiện đang bị suy giảm, tuy nhiên do nỗ lực cố gắng đàm phán của phía Việt Nam nên hiện đã được chuyển về Việt Nam 160.000 liều, còn 40.000 liều nữa sẽ được chuyển về trong tháng 2/2016. Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với nhà sản xuất cũng như giao cho các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu văcxin tìm nguồn mới. Bất cứ lúc nào nhận được thông tin về nguồn cung mới thì chúng tôi sẽ công khai rộng rãi để người dân được biết. Trường hợp đã được tiêm một mũi dịch vụ này nếu đến thời hạn tiêm tiếp theo thì có thể cho các cháu tiêm văcxin tương tự trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan
Cục phó Quản lý Dược Đỗ Văn Đông. Ảnh: Quý Đoàn.

- Theo tôi được biết, ngoài Pentaxim 5 trong 1 còn có Infanxix IPV cũng là văcxin 5 trong 1 cùng nhà cung cấp với văcxin 6 trong 1 nhưng không được sử dụng ở Việt Nam. Xin cho biết liệu Việt Nam có thể nhập khẩu và phân phối thêm văcxin trên để giảm bớt tình trạng khan hiếm 5 trong 1 không? Xin cảm ơn. (Nguyen)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Hiện nay ở Việt Nam chỉ có duy nhất văc xin 6 trong 1 do công ty GSK (Bỉ) sản xuất. Công ty này chưa từng đề nghị Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành cho văcxin 5 trong 1 do công ty sản xuất. Bộ Y tế không có quy định nào giới hạn số lượng sản phẩm của một công ty đăng ký hay sản xuất tại Việt Nam. Trước tình hình suy giảm nguồn cung của các văcxin 5 trong 1, 6 trong 1 phục vụ tiêm chủng dịch vụ, Cục Quản lý Dược đã có công văn yêu cầu các công ty nhập khẩu văcxin chủ động liên hệ với các nhà sản xuất, công ty đăng ký để tăng cường nguồn cung văcxin cho thị trường Việt Nam. 

- Thưa PGS. TS. Trần Đắc Phu, ông nghĩ gì về tình trạng hàng trăm người chầu chực chờ tiêm chủng những ngày qua? (Đoàn Thị Lục, 40 tuổi, Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng:

Trước tiên, qua việc này cũng phải thấy rằng các bà mẹ có con em rất quan tâm đến tiêm chủng, đây là điều rất đáng mừng. Trước kia đầu những năm 80-90 chúng tôi phải đi vận động người dân tiêm chủng, chính làm tốt công tác tuyên truyền nên hiện nay tiêm chủng mở rộng luôn đạt tỷ lệ 90% và chúng ta đã khống chế được rất nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như lao sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván; thanh toán được bại liệt, từ 2015 loại trừ được uốn ván sơ sinh.

Quả thực tôi cũng thấy rất suy nghĩ khi tình trạng các phụ huynh xếp hàng chầu chực để được tiêm chủng trong những ngày qua, có gia đình phải đi từ 2-3h sáng. Bộ Y tế luôn luôn khuyến cáo người dân đi tiêm văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng được miễn phí của Nhà nước chỉ những văcxin nào Nhà nước chưa có điều kiện đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thì mới khuyến khích người dân tiêm theo hình thức dịch vụ để người dân được tiếp xúc với nhiều loại văcxin để phòng được nhiều loại bệnh.

Tuy vậy, theo cơ chế hiện nay có những bệnh cũng có những văcxin vừa cung cấp dưới dạng tiêm chủng mở rộng và cũng có loại cung cấp dưới dạng tiêm chủng dịch vụ có thể từ các nhà sản xuất khác nhau như văcxin Pentaxim phòng các bệnh bạch hầu, ho gà uốn ván, bại liệt và Hib- văcxin Quinvaxem cũng phòng các bệnh tương tự.

Các loại văcxin khi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra chất lượng đảm bảo an toàn, hiệu quả một cách nghiêm ngặt. Văcxin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào nên những phản ứng sau tiêm thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc nhiều hơn văcxin Pentaxim có chứa thành phần ho gà vô bào, tuy vậy tỷ lệ phản ứng nặng là tương đương nhưng tính sinh miễn dịch của văcxin Quinvaxem tốt hơn. Song chính vì phản ứng phụ thông thường nhiều hơn và cho rằng tiêm miễn phí là không tốt nên một số bà mẹ không cho con đi tiêm văcxin tiêm chủng mở rộng.

Quan điểm của Bộ Y tế là khuyến khích trẻ em tiêm văcxin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vì đảm bảo miễn dịch tốt hơn. Trên thực tế, thời gian qua mỗi năm có khoảng 1,5 triệu trẻ - tương đương với 4,5 triệu liều được tiêm loại văcxin này, trong khi đó văcxin tiêm chủng dịch vụ chỉ có khoảng 8% số trẻ được tiêm. Qua đây tôi cũng mong muốn các bà mẹ đưa con em đi tiêm văcxin trong Chương trình Tiêm chủng Mở rộng không nên xếp hàng chờ đợi, đặc biệt bế con đi trong đêm gây ảnh hưởng tới sức khỏe các cháu.   

- Tôi thấy cạnh nhà tôi có cháu 2 tuổi rồi nhưng không tiêm mũi văcxin nào mà không hề mắc bệnh gì. Tôi nghe nói nhiều bác sĩ cũng bảo không cần tiêm, để tự nhiên hệ miễn dịch sẽ tốt hơn. Thưa ông, điều này có đúng không? (Thành Nam, Hà Nội)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, tiêm chủng mở rộng là bắt buộc với tất cả trẻ em và phụ nữ có thai. Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch thì nguy cơ mắc mắc bệnh là rất cao. Chủ động tiêm văcxin là biện pháp phòng bệnh có hiệu quả và rẻ tiền nhất. Không nên có suy nghĩ không tiêm chủng để trẻ mắc bệnh tự nhiên có hệ miễn dịch tốt hơn.

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-1
Thư ký Chương trình Tiêm chủng mở rộng Ngô Khánh Hoàng. Ảnh: Quý Đoàn.

- Tại sao văcxin đã thiếu từ rất lâu mà Bộ Y tế không có biện pháp khắc phục để dân phải chịu vất vả khó khăn như vậy? Ai là người chịu trách nhiệm về việc này? (Nguyễn Trần Tiến, 54 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 phục vụ tiêm chủng dịch vụ đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam lần đầu vào năm 2005. Cho đến trước năm nay, kể cả thời điểm trước năm 2010 khi văcxin Quinvaxem chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tình hình cng cấp hai văcxin trên vẫn ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêm chủng dịch vụ của nhân dân. Từ cuối năm 2014, ngay khi nhận thấy có hiện tượng suy giảm nguồn cung hai văc xin này, Cục Quản lý Dược đã mời đại diện nhà sản xuất lên làm việc để làm rõ nguyên nhân cũng như cách khắc phục. Theo báo cáo của các công ty sản xuất thì nguồn cung bị sụt giảm trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, công ty GSK (Bỉ) thông báo thay đổi địa điểm sản xuất, dẫn đến sản lượng văcxin phối hợp 6 trong 1 (tên thương mại là Infarix Hexa) giảm. Công ty chỉ có thể cung cấp lại văcxin Infarix Hexa cho Việt Nam từ năm 2017. Công ty Sanofi Pasteur S.A (Pháp) thông báo nhà máy có điều chỉnh quy trình xuất xưởng lô văcxin nên số lượng văcxin phối hợp 5 trong 1 (tên thương lại là Pentaxim) nhập khẩu về Việt Nam chậm so với kế hoạch. Việc thay đổi trên ảnh hưởng đến nguồn cung văcxin của tất cả các nước trên thế giới, kể cả Pháp. 

Như trên đã nói, các công ty khi nhập khẩu hai văcxin trên chỉ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu mà không cần giấy phép của Bộ Y tế. Để tăng cường nguồn cung văcxin cho Việt Nam, Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với đại diện hai nhà sản xuất để tạo cơ chế nội bộ ưu tiên thị trường Việt Nam cũng như điều chuyển văcxin của công ty sản xuất tại các cơ sở khác để cung ứng cho Việt Nam. Tuy nhiên, do việc suy giảm không chỉ tại Việt Nam hay khu vực nên việc điều chuyển là rất khó khăn. Việc xuất 200.000 liều văcxin Pentaxim đã thể hiện nỗ lực của công ty.

- Bộ Y tế có tính đến phương án tìm văcxin thay thế Quinvaxem hoặc quay trở lại tiêm văcxin lẻ như trước kia? (Thu Hà, Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Văcxin Quinvaxem đã được đưa vào Tiêm chủng Mở rộng từ 2010 đến nay tiêm được 25 triệu liều; chính thành quả của văcxin này các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, nhiều năm nay không có hoặc có một vài ca tại các vùng sâu, vùng xa. Còn văcxin có chứa thành phần ho gà vô bào mới đưa vào tiêm dịch vụ từ 2013 đến nay. Mặc dù văcxin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào có những phản ứng phụ thông thường như sốt, đau tại chỗ tiêm... nhiều hơn nhưng đảm bảo tính miễn dịch tốt hơn; đồng thời đây là văcxin chứa nhiều thành phần nên giảm thiểu số mũi tiêm cho trẻ và cơ hội trẻ được tiếp cận nhiều loại văcxin, tạo điều kiện cho trẻ em phải tiêm ít mũi hơn. Vừa qua tại một số nước sử dụng văcxin ho gà vô bào do không thực hiện tốt việc tiêm nhắc lại nên dịch đã bùng phát.

Việc thay thế văcxin là một vấn đề hết sức chiến lược, cần phải dựa trên cơ sở khoa học cũng như thực tiễn, đặc biệt hiệu quả phòng bệnh. Đối với Việt Nam hiện nay sử dụng văcxin Quinvaxem vẫn đang là phù hợp và đặc biệt duy trì được hiệu quả phòng bệnh. 

- Bộ Y Tế có đảm bảo nhập đủ được văcxin dịch vụ không? Nếu không - Vì sao? Nếu có - Khi nào? Ai dám cam kết và chịu trách nhiệm về vấn đề có hoặc không. Các bé đã tiêm lần 1, nay không có thuốc để tiêm lần 2, 3 thì phải xử lý như thế nào? Vui lòng trả lời thẳng vào vấn đề câu hỏi.
Phụ huynh có con nhỏ xin cảm ơn.
 (LÊ XUÂN TÂN, 33 tuổi, F6/12+13 KP1 Long Bình Tân - Biên Hòa - Đồng Nai)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Bộ Y tế sẽ tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất, công ty đăng ký để tăng cường nhập khẩu văcxin về phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các gia đình không nên việc thiếu tạm thời các văcxin này ảnh hưởng đến lịch tiêm chủng của trẻ. Việc đưa trẻ đi tiêm đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ giúp bảo vệ trẻ và cộng đồng trước các dịch bệnh như bạch hầu, ho gà. Các văcxin trong tiêm chủng mở rộng luôn được đáp ứng đầy đủ và đúng lịch. Trường hợp tiêm nhắc lại thì các gia đình có thể đưa cháu đi tiêm tương tự như trong chương trình tiêm chủng mở rộng chứ không nên có tâm lý chờ đợi, có thể gây ra bùng phát dịch trở lại ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu.

- Con tôi 1 tuổi nhưng chưa tiêm được mũi văcxin phối hợp nào, vậy tôi có nên cho cháu đi tiêm văcxin Pentaxim được không? Tôi ở Hà Nội thì có thể tiêm ở đâu và cách đăng ký như thế nào? (Hồng Thu, Hà Nội)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Nếu bé trên 1 tuổi chưa được tiêm văcxin phối hợp nào, anh/chị cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng ngay. Cháu trên 1 tuổi chưa được tiêm chủng có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Độ tuổi của cháu vẫn nằm trong quy định tiêm chủng bình thường. Nếu anh chị muốn tiêm văcxin Petaxim cho con, hiện nay, tại Hà Nội có 17 điểm tiêm, anh/chị có thể tham  khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để được hướng dẫn chi tiết. Ví dụ, nếu anh/chị muốn tiêm tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, số 70 Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, anh/chị có thể vào trang web: http://www.ytdphanoi.gov.vn sẽ có hướng dẫn cụ thể.

- Tôi cho con tiêm đúng lịch theo hướng dẫn của bệnh viện, cụ thể mũi 1 con tôi tiêm dịch vụ thuốc Pentaxin, còn mũi 2 và 3 do hết thuốc con tôi được tiêm loại thuốc Quinvaxem, như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? (ĐINH VĂN TĨNH, 28 tuổi, 118/44 lê trọng tấn,tân phú, tp.hcm)

- Ông Trần Đắc Phu:

Trước tiên, tôi khẳng định việc tiêm như vậy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu và rất phù hợp vì văcxin Pentaxim và Quinvaxem có thành phần văcxin tương đương nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo miễn dịch đồng bộ cho trẻ, bạn nên cho cháu tiêm thêm 1 mũi văcxin viêm gan B vì trong văcxin Pentaxim không có thành phần kháng nguyên này. 

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-2
Cục trưởng Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu. Ảnh: Quý Đoàn.

- Cháu muốn hỏi cục trưởng là nếu văcxin 5 trong 1 khan hiếm khó nhập thì tại sao không nhập các loại văcxin 3 trong 1 hoặc 4 trong 1 ạ, hay là cũng khan hiếm luôn ạ. Những bà mẹ có con nhỏ lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Ngày ngày đợi có văcxin lúc có thì lại bắt đầu ra sức chen lấn tranh nhau, rồi có khi đợt có thì con ốm không tiêm được, đợi khỏi ốm thì hết văcxin. Biết bao giờ mới hết tình trạng này ạ. Hy vọng các vị lãnh đạo có những quyết định linh hoạt hơn cho dân đỡ khổ ạ. (Ngọc Hà, 28 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Văcxin 3 trong 1 và 4 trong 1 đều đang có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Theo quy định, bất kỳ doanh nghiệp nào đủ điều kiện đều được nhập khẩu văcxin không bị giới hạn về số lần và giá trị nhập khẩu, không cần giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, văcxin 5 trong 1 đã được triển khai tiêm miễn phí cho trẻ em trên toàn quốc trong chương trình tiêm chủng mở rộng nên nhu cầu về tiêm dịch vụ văcxin 3 trong 1 và 4 trong 1 rất ít. Các doanh nghiệp do đó không có nhu cầu nhập khẩu về kinh doanh. Trước tình hình thiếu văcxin 5 trong 1 dịch vụ gần đây, Cục Quản lý Dược đã có công văn yêu cầu các công ty nhập khẩu chủ động liên hệ với đối tác nước ngoài để tăng cường các nguồn văcxin cung ứng cho thị trường Việt Nam.

- Trong khi Bộ khẳng định Quinvaxem an toàn và khuyến khích người dân tiêm cho trẻ em sao lại cho nhập loại khác để tiêm dịch vụ gây tâm lý không tốt cho người dân? Như thế khác nào phá hoại chương trình tiêm chủng quốc gia khi người dân đổ xô đi tiêm dịch vụ gây bất ổn cho xã hội? (Phú Thành, 47 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Theo quy định tại luật dược cũng như thông lệ quốc tế, công ty được quyền đề nghị Bộ Y tế cấp số lưu hành cho một sản phẩm mà công ty muốn kinh doanh tại thị trường. Nếu hồ sơ đăng ký đạt các yêu cầu thì Bộ Y tế sẽ cấp số lưu hành cho sản phẩm đó. Khi một thuốc có số đăng ký thì việc nhập khẩu kinh doanh không cần xin giấy phép của Bộ Y tế. 

Chính sách của Chính phủ và Bộ Y tế là khuyến khích trẻ tham gia vào chương trình tiêm chủng mở rộng với 12 loại văcxin tiêm miễn phí phòng được đa số các bệnh nguy hiểm cho trẻ dưới 1 tuổi. Các gia đình lựa chọn hình thức tiêm chủng cho trẻ tùy thuộc vào nhận thức, điều kiện và nhu cầu của mình. Nhưng chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân nên tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng để đảm bảo đúng lịch, đúng liều tiêm chủng cho trẻ mới phát huy tối đa được tác dụng phòng bệnh của văcxin.

- Con tôi chuẩn bị được 2 tháng tuổi và nghe nói sắp có văcxin Pentaxim, Nếu cháu may mắn được chích mũi 1 này thành công, vậy lỡ sau này mũi 2 lại không có thuốc và khan hiếm như trước thì phải quay lại chích Quinvaxem hay sao ạ? 
Xin cám ơn
 (Trọng, 28 tuổi, BRVT)

- Ông Trần Đắc Phu:

Như các bạn biết, trong thời điểm hiện nay có khoảng một lượng nhỏ văcxin Pentaxim được nhập về để tiêm chủng cho trẻ dưới hình thức tiêm dịch vụ. Tất cả những trẻ em từ trước tới nay đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi văcxin Pentaxim mà không có đủ văcxin tiêm mũi tiếp theo theo lịch của tiêm chủng thì cần phải đưa trẻ đi tiêm ngay văcxin Quinvaxem thay thế để tránh hiện tượng trẻ không được tiêm đầy đủ và đúng lịch thì sẽ rất dễ mắc bệnh khi có dịch xảy ra. Trong trường hợp con bạn chuẩn bị được 2 tháng tuổi, tôi khuyên bạn nếu đến thời điểm cháu đủ 2 tháng hãy đưa cháu đến trạm y tế xã phường hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ để được tiêm văcxin Quinvaxem miễn phí ngay từ mũi đầu tiên vừa đảm bảo miễn dịch phòng bệnh tốt cho cháu vừa không phải trả tiền, đồng thời không phải chờ đợi đăng ký việc tiêm văcxin Pentaxim mà một số bà mẹ hiện nay đang theo đuổi rất vất vả.

Hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo tất cả các điểm tiêm dịch vụ đều tiêm văcxin Quinvaxem miễn phí cho trẻ. Mỗi năm, Việt Nam tiêm cho khoảng 1,5 triệu trẻ em bằng văc xin Quinvaxem thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng và từ tháng 3/2015 đến nay các điểm tiêm chủng dịch vụ đã tiêm gần 100.000 liều văcxin Quinvaxem an toàn, hiệu quả, riêng các điểm tiêm chủng dịch vụ của TP Hà Nội đã tiêm trên 50.000 liều văcxin này. 

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-3

- Xin được hỏi tỷ lệ gặp phản ứng phụ sau tiêm Quinvaxem của Hà Nội là bao nhiêu, tỷ lệ phản ứng nặng? Con tôi sắp đến lịch tiêm mũi 1 nhưng tôi đang băn khoăn không biết có nên cho con ra phường tiêm không? (Phương Nam, Hà Nội)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Đối với tất cả các loại văcxin sau khi tiêm có thể xảy ra một số phản ứng không mong muốn. Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, có 2 loại phản ứng sau tiêm chủng: Phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm chủng. Phản ứng thông thường có thể là sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, sưng nóng đỏ tại vị trí tiêm... Nếu tai biến nặng bao gồm các triệu chứng như khó thở, sốc phản vệ hay sốc dạng phản vệ, hội chứng sốc nhiễm độc, sốt cao co giật, trẻ khóc kéo dài, tím tái, ngừng thở.

Theo Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, số trường hợp tai biến nặng tại Việt Nam là 4,6 trường hợp/1 triệu liều, trong khi theo WHO là 1 - 20 trường hợp/1 triệu liều.  Hà Nội đã triển khai tiêm văcxin từ tháng 6/2010 đến nay chưa ghi nhận bất cứ trường hợp tử vong nào có liên quan đến tiêm vắc xin Quinvaxem. Anh/chị không nên quá lo lắng khi đưa trẻ đi tiêm văcxin này tại các cơ sở y tế vì theo quyết định số 2301/QĐ - BYT ngày 12/6/2015 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em thì tất cả các trẻ đều được khám sàng lọc đầy đủ các bước trước tiêm chủng.

- Xin hỏi có phải đất nước chúng ta ký hợp đồng với bên Hàn Quốc là sử dụng văcxin của họ để thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng vì vậy nên không nhập văcxin dịch vụ? Nếu nói khan hiếm văcxin dịch vụ thì không chính xác vì các quốc gia khác họ không hề có tình trạng như hiện nay. Rất mong được sự trả lời của quý Bộ Y tế. Cám ơn. (Lê Thanh Tú, 34 tuổi, Hồ Chí Minh)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Văcxin Quinvaxem được Hàn Quốc sản xuất sử dụng trong tiêm chủng mở rộng là do Tổ chức Liên minh Toàn cầu về Văcxin và Tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Các tổ chức này tổ chức đấu thầu trên toàn thế giới và đưa ra những tiêu chí kỹ thuật nghiêm ngặt, chỉ những văcxin nào đáp ứng đầy đủ những tiêu chí này mới được sử dụng trong tiêm chủng. Như vậy, có thể khẳng định văcxin Quinvaxem không phải là do Việt Nam đàm phán với Hàn Quốc hoặc nhà sản xuất. 

Văcxin dịch vụ là văcxin đang có số đăng ký lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu được nhập khẩu trực tiếp không cần xin giấy phép của Bộ Y tế, không bị giới hạn về số lần và số lượng nhập khẩu. Bộ Y tế không có chủ trương giới hạn hay hạn chế nhập khẩu văcxin dịch vụ. Ngược lại, Bộ Y tế đã nhiều lần làm việc với các nhà sản xuất để tăng cường nguồn cung văcxin cho Việt Nam và 200.000 liều văcxin mới được nhập khẩu về là một phần trong những nỗ lực đó. 

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-4

- Em thấy hiện nay việc khan hiếm văcxin phần nhiều là do ba mẹ nắm thông tin về văcxin chưa tốt, dẫn đến đổ xô đi chích dịch vụ trong khi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn cung ứng đủ. Vậy Cục trưởng nghĩ sao về việc thành lập kênh thông tin chính thống, đầy đủ cả nước giống như CDC của Mỹ chẳng hạn, để cung cấp thông tin chính xác, đồng thời phối hợp với công an truy tố các đối tượng tung tin đồn thất thiệt về văcxin? (Tăng Bá Xuân Thanh, 24 tuổi, 63 Lê Đức Thọ,Gò Vấp,Tp Hồ Chí Minh)

- Ông Trần Đắc Phu:

Với việc mong muốn trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch không bị mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng như khống chế, loại trừ hoặc thanh toán các bệnh này từ trước tới nay, việc truyền thông về công tác tiêm chủng đã được ngành y tế, các bộ ngành, các cơ quan thông tin đại chúng hết sức quan tâm và đã triển khai nhiều kênh truyền thông và các hoạt động một cách liên tục. Chính vì vậy từ những năm 80-90 nhiều người e ngại không cho con đi tiêm chủng thì đến nay tiêm chủng trở thành nhu cầu của tất cả các bậc làm cha mẹ. 

Hiện nay, đã có nhiều trang thông tin điện tử của Cục Y tế Dự phòng, chương trình tiêm chủng của các Viện thường xuyên cập nhật liên tục những thông tin đồng thời triển khai nhiều các hoạt động truyền thông trên các phượng tiện truyền thông. Chúng tôi cũng mong mọi người, đặc biệt là các bà mẹ hãy truy cập theo các trang đó hằng ngày để nắm được thông tin. Chúng tôi cũng lưu ý các bà mẹ cần nắm và tin tưởng vào các thông tin chính thống của ngành y tế không nên dựa vào các thông tin không chính xác, không khoa học của các trang mạng xã hội để hiểu sai về hiệu quả, lợi ích, tác dụng của các loại văcxin cũng như những quan điểm chỉ đạo về tiêm chủng và việc sử dụng văcxin của Chính phủ và ngành y tế để mất niềm tin vào tiêm chủng mở rộng, lúc đó miễn dịch cộng đồng giảm xuống, dịch sẽ bùng phát. Tất cả những ai không tiêm chủng đều có thể mắc bệnh. 

- Thưa ngài, tôi xin được hỏi đợt văcxin này về có được phân phối về Quảng Ninh không? Số lượng bao nhiêu liều? Và về Quảng Ninh rồi thì phân phối tiếp về đâu, xem ở đâu để biết thông tin ạ?  (Đỗ Thị Nguyên, 30 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Theo báo cáo của công ty nhập khẩu thì Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Quảng Ninh (số 651 đường Lê Thánh Tông, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã dự trù và sẽ nhận được 200 liều văc xin 5 trong 1. Số văcxin sẽ được phân phối trong tháng 12. Bạn liên hệ trực tiếp để được hướng dẫn.

- Thưa ông, ở Cần Thơ chừng nào mới có văcxin 5 trong 1 và giá bao nhiêu, có tiêm miễn phí cho con em hộ nghèo không? Tôi liên hệ ở đâu để được đăng ký tiêm ngừa văcxin 5 trong 1 cho con tôi ? Xin cám ơn. (Nguyễn Phương, 34 tuổi, Ô Môn-Cần Thơ)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Nếu anh chị ở Cần Thơ muốn hỏi chi tiết về việc tiêm văcxin 5 trong 1, anh/chị có thể liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng Cần Thơ để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.

- Các bệnh viện Vinmec, Hồng Ngọc hay Việt Pháp từ chối tiêm cho trẻ không sinh tại đấy có phải là có dấu hiệu găm văcxin không? (tạ thanh long, 27 tuổi, long biên ,hà nội)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Các cơ sở y tế đã nhận tiêm dịch vụ trọn gói thì bắt buộc phải đáp ứng văcxin cho các cháu đến lịch tiêm chủng. Số văcxin còn lại phải được tiêm cho các cháu kể cả không đăng ký dịch vụ trước, cấm tình trạng giữ lại văcxin để chờ tiêm cho các đợt sau trong khi vẫn có các cháu chưa được tiêm dù đã đến lịch. 

- Tôi được biết Hà Nội được phân hơn 12.000 liều văcxin Pentaxim, sắp tới có thêm 20.000 liều nữa. Số văcxin này liệu có đủ để mỗi trẻ tiêm được 4 mũi, nếu tiêm xong mũi 1, đến mũi 2 không có thì cha mẹ phải làm sao? (Hải Hà, Hà Nội)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Từ khi Hà Nội mở rộng, trung bình mỗi năm số trẻ em dưới 1 tuổi được chương trình đăng ký quản lý khoảng trên 140.000 trẻ. Qua các cuộc đánh giá những năm gần đây, sự đóng góp của văcxin dịch vụ (thu phí) chiếm khoảng 15% (hơn 20.000 trẻ sẽ cần phải tiêm văcxin dịch vụ). Bên cạnh đó, mỗi trẻ muốn có miễn dịch cơ bản, phải tiêm đủ 3 mũi văcxin. Với số lượng văcxin trên và tình trạng văcxin tiếp tục khan hiếm như hiện nay, chắc chắn sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, cho nên chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân nên đi tiêm văc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng.

Nếu anh/chị đã cho cháu tiêm 1 mũi văcxin Pentaxim mà không có thuốc để tiêm mũi 2, anh chị có thể sử dụng văcxin có cùng thành phần để thay thế, ví dụ như văcxin Quinvaxem.

- Bảo quản thuốc trước khi tiêm rất quan trọng. Xin hỏi quy trình này ở nước ta như thế nào? Người dân có thể giám sát ra sao? Xin cảm ơn. (Đỗ Việt Cường)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Văcxin có yêu cầu về điều kiện bảo quản rất nghiêm ngặt, từ nhà sản xuất đến điểm tiêm chủng. Việc không đáp ứng điều kiện bảo quản tại bất kỳ khâu nào đều gây những ảnh hưởng tới chất lượng và độ an toàn của sản phẩm. Do đó, các công ty nhập khẩu, công ty phân phối, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn về thực hành bảo quản thuốc tốt. Các đơn vị chỉ được triển khai hoạt động sau khi được cơ quản có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. 

Mỗi lô văcxin nhập khẩu trước khi lưu hành đều phải nộp bằng chứng về đảm bảo dây chuyền lạnh trong quá trình vận chuyển cho Viện Kiểm định Quốc gia Văcxin và Sinh phẩm Y tế. Đây là một tài liệu bắt buộc trong hồ sơ kiểm định văcxin. 

Do đó, người dân chỉ nên tiêm chủng tại các cơ sở y tế dự phòng và các cơ sở tiêm chủng đã được cấp phép. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, người dân không nên sử dụng các loại văcxin không rõ nguồn gốc, xuất xứ qua đường "xách tay".

- Thưa ông Phu,
Tôi đọc trên mạng thấy giáo sư Nguyễn Trần Hiển nói rằng văcxin Pentaxim an toàn gấp 10 lần so với văcxin Quinvaxem. Xin ông cho biết thực hư của thông tin này như thế nào?
 (Lê Hồng Hạnh, 32 tuổi, 70 ngõ Chùa Láng, Đống đa, Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Đây là thông tin đăng trên một báo từ năm 2013. Chúng tôi đã liên hệ với giáo sư Nguyễn Trần Hiển thì giáo sư cũng cho biết giáo sư không cung cấp thông tin như vậy. Các bạn biết từ trước tới nay có rất nhiều bài báo của giáo sư viết thì đều nói lên tác dụng, hiệu quả, hiệu lực của văcxin Quinvaxem có chứa thành phần ho gà vô bào. Giáo sư cũng cho biết trong sáng nay cơ quan báo đã xin lỗi giáo sư. 

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-5
 

- Trong năm nay đã xảy ra một số trường hợp đáng tiếc khi trẻ tiêm văcxin, Bộ Y tế thì khẳng định thuốc an toàn, và con số tử vong như vậy là cho phép. Tôi thấy điều này là không hợp lý, vì không thể tính xác xuất về sinh mạng như vậy được. Phải chăng ngành y tế chưa thắt chặt điều tra? Văcxin là loại nhạy cảm với điều kiện bảo quản, phải chăng việc huấn luyện bảo quản, cơ sở vật chất ở tuyến cơ sở chưa đảm bảo và con người quản lý lỏng lẻo? (Nguyễn Văn Thạch, 30 tuổi, 205 Nguyễn Thị Thập, Q7, Tp.HCM)

- Ông Trần Đắc Phu:

Cảm ơn bạn đã có câu hỏi. Trước tiên, chúng ta cùng hiểu rằng văcxin là một thuốc đặc biệt và có chứa các thành phần kháng nguyên chiết xuất từ virus hoặc vi khuẩn, luôn luôn có một tỷ lệ phản ứng nhất định từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể tử vong. Việc sử dụng văcxin là chọn giải pháp bao phủ miễn dịch cộng đồng để khống chế dịch bệnh, có thể thanh toán hoặc loại trừ được bệnh. Chúng ta không ai muốn trẻ em sau khi tiêm bị các rủi ro nhưng cũng phải chấp nhận để được những thành tựu trên. Văcxin đúng như bạn nói cần phải được bảo quản và huấn luyện cán bộ tiêm chủng một cách đầy đủ. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã có những quy định rất đầy đủ và chặt chẽ về vấn đề này, đồng thời cũng đã trang bị đầy đủ hệ thống dây truyền lạnh và tập huấn cho cán bộ trên toàn tuyến về kỹ năng thực hành tiêm chủng. 

- Tôi xin hỏi tại sao trên các phươg tiện thông tin đại chúng đưa tin về các điểm tiêm dịch vụ. Tuy nhiên, khi tôi đặt hẹn qua điện thoại thì bảo chưa có thuốc, đến liên hệ trực tiếp thì nhận được câu trả lời đã hết số cho cả những ngày sau. Xin hỏi cách thức đăng ký tiêm dịch vụ như thế nào và được phổ biến ở đâu? Theo tôi nhận thấy thông tin vẫn chưa được minh bạch. (Duyen, 28 tuổi)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Theo tôi được biết, văcxin Pentaxim được phân bố tại Hà Nội với tổng số là 12.300 liều và chia cho 17 cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố. Anh/chị muốn đăng ký  tiêm chủng có thể tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để được biết thêm chi tiết.

Để tránh tình trạng xếp hàng, chờ đợi và đảm bảo công bằng cho mọi người dân đăng ký tiêm văcxin Pentaxim, tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, chúng tôi tiến hành đăng ký tiêm qua mạng.

Ví dụ, anh/chị muốn đăng ký tại điểm tiêm của Trung tâm Y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội, anh/chị có thể vào trang web: http://www.ytdphanoi.gov.vn sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Bắt đầu từ 9h ngày 29/12, việc đăng ký tiêm văcxin Pentaxim qua mạng được thực hiện tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Nếu anh/chị đăng ký thành công sẽ có lịch hướng dẫn cụ thể ngày, giờ đưa trẻ đến tiêm chủng.

- Xin hỏi bác Đỗ Văn Đông, cháu có con nhỏ mới sinh được 2 tháng, nguyện vọng của gia đình là tiêm theo hình thức tiêm chủng quốc gia. Nhưng qua các phương tiện truyền thông thì các bậc phụ huynh có tâm lý sợ sệt và gia đình cháu cũng không phải ngoại lệ, cũng muốn tìm hiểu chạy chọt để tiêm mũi Pentaxim 5 trong 1 hay 6 trong 1. Qua một số người quen cháu vẫn thấy tình trạng tiêm chui. Nhân viên ở những nơi tiêm chủng vẫn có thuốc để tiêm và rất đắt khoảng 5 triệu đồng một mũi. Vậy cho cháu hỏi quy trình kiểm tra ra sao và những mũi tiêm chui tại nhà đó có đảm bảo không? Những biện pháp nào báo cáo những trường hợp tiêm chui? Cảm ơn. (Trần công anh, 27 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Cháu đã 2 tháng tuổi nghĩa là đã đến lịch tiêm chủng văcxin 5 trong 1, vì vậy gia đình không nên trì hoãn việc tiêm cho trẻ. Văcxin 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai trên toàn quốc từ năm 2010, sử dụng được trên 25 triệu liều, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là an toàn, giúp bảo vệ trẻ trước các bệnh như bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não do Hib. Các văcxin không rõ nguồn gốc hoặc không được tiêm chủng tại các cơ sở được cấp phép tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến sức khỏe của trẻ do văcxin không được bảo quản, vận chuyển theo đúng yêu cầu. Việc tiêm tại nhà không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi đặt cược với sức khỏe của chính con em mình. 

Người dân có thể thông báo các nghi vấn tới đường dây nóng Bộ Y tế tổng đài 1900 9095, email duongdaynongyte@gmail.com hoặc số điện thoại 0963851919 của Cục Y tế Dự phòng. Bộ Y tế sẽ khẩn trương xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm nếu có.

- Ông nghĩ sao về tình trạng hỗn loạn xảy ra? Theo tôi là một người trong ngành, rất nguy hiểm cho các cháu không được tiêm đúng lịch? Các cháu đó có được phòng bệnh cao nhất không? Sao bộ không tạm dừng dùng văcxin và công khai với người dân là không dùng văcxin dịch vụ mà chỉ dùng Quinvaxem của chương trình Tiêm chủng mở rộng?  (Hoàng Văn Tú, 24 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Tôi đã trả lời câu hỏi phần trên. Đúng như vậy, trẻ em không được tiêm chủng và đầy đủ rất dễ mắc bệnh khi có dịch xảy ra. Về vấn đề sử dụng văcxin hiện nay Bộ Y tế vẫn khuyến cáo người dân đưa con em đi tiêm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, chỉ những văcxin nào mà Nhà nước không có khả năng đáp ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì mới đi tiêm văc xin đó tại điểm tiêm dịch vụ. Còn việc tồn tại có loại văcxin phòng cùng một số bệnh vừa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng như trong tiêm dịch vụ là vì hiện nay theo luật pháp của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, bất kỳ một loại thuốc, văcxin nào có đủ điều kiện theo quy định thì đều có thể được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Qua đây tôi cũng khuyên các bà mẹ hãy đưa con em đi tiêm chủng văcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng để được đáp ứng đầy đủ, đảm bảo tiêm đúng lịch, đồng thời lại được miễn phí. 

- Theo thông báo từ 28/12 Hà Nội mở đồng loạt 17 điểm tiêm 5 trong 1 Pentaxim, vậy mà sáng nay tôi đến cơ sở ở Trần Bình thì được thông báo là thuốc chưa có. Vậy là Bộ Y tế ra thông báo cho có hay Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế cố ý ghim thuốc nhằm trục lợi? (Hoang loan, 30 tuổi)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Cơ sở tiêm trên phố Trần Bình không phải điểm tiêm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, tất cả các địa điểm tiêm văcxin Pentaxim trong đợt này đều được công khai rộng rãi đến người dân. Theo tôi, việc cố ý ghim thuốc như anh/chị nói là không có cơ sở. Mong anh/chị đến trung tâm đó hỏi lại ngày, giờ đăng ký để được rõ.

- Thưa bác, người dân sẵn sàng bỏ tiền ra mua, các công ty xuất nhập khẩu cũng sẵn sàng giúp Bộ Y tế vấn đề vận chuyển, công ty sản xuất văcxin nước ngoài cũng sẵn có văcxin, vậy tại sao Bộ Y tế không nhập đủ thuốc dù biết nhu cầu của người dân khiến giá thuốc bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Hôm qua ngày 25/12 giá thuốc chợ đen đã lên 23 triệu đồng cho 3 mũi pentaxim. Nhà cháu không có điều kiện kinh tế chỉ mong Bộ Y tế sớm nhập thuốc. (Phương Đức Anh, 22 tuổi, Thanh Xuân - Hà Nội)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Bộ Y tế là cơ quan quản lý chuyên ngành về y tế, không có chức năng nhập khẩu kinh doanh văcxin. Văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 phục vụ tiêm chủng dịch vụ hiện nay đang có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực. Theo quy định, các doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành thủ tục trực tiếp tại hải quan, không cần xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Y tế. Bất kỳ công ty nào đủ điều kiện nhập khẩu đều có thể nhập khẩu không bị giới hạn về số lần và số lượng nhập khẩu. Việc giảm nguồn cung các văcxin này trong thời gian qua diễn ra trên quy mô toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. 

Cũng như các loại thuốc khác, văcxin trước khi lưu hành trên thị trường phải tiến hành kê khai giá tại Cục Quản lý Dược. Thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã liên tục có công văn chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tuân thủ theo đúng giá kê khai, nghiêm cấm tình trạng lợi dụng khan hiếm văcxin để tăng giá. Bất kỳ cơ sở nào bán văcxin với giá cao hơn giá đã kê khai đều vi phạm pháp luật. 

Nếu nhận được thông tin về cơ sở nào nâng giá lên để trục lợi, bạn có thể thông báo về Bộ Y tế theo đường dây nóng 1900 9095 hoặc email duongdaynongyte@gmail.com. Bộ Y tế sẽ khẩn trương xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm.

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-6

- Xin được phép hỏi Cục trưởng Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu:
Thiếu văcxin như vậy có hay không việc người dân xếp hàng cũng không đủ thuốc? Cán bộ ngành, lãnh đạo các cấp Nhà nước, con em cháu, 2 bên nội ngoại của Cục trưởng vẫn phải xếp hàng chờ thuốc hay luôn được ưu tiên và khi có thuốc sẽ được thông báo tiêm trước. Dù trả lời phỏng vấn để giải thích thế nào nhưng luật và quy định ngầm vẫn luôn tồn tại, có đúng vậy không?
 (Anh Tuấn, 41 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Cảm ơn bạn, hiện nay con tôi đã lớn và cháu thì tôi cũng chưa có nhưng các con của tôi từ trước đến nay đều tiêm văcxin tiêm chủng mở rộng. Chắc nhiều người hiểu tôi là người tham mưu cho lãnh đạo Bộ ban hành những hướng dẫn về quy định tiêm chủng nên không có nhiều mà chỉ có một vài người nhờ, tôi cũng đều giải thích tốt nhất hãy đưa cháu đi tiêm chủng Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Việc tiến hành tiêm các văcxin theo hình thức dịch vụ hiện nay đang giao cho các cơ sở y tế nhà nước hoặc tư nhân có đủ điều kiện được phép tiêm. Bản thân tôi đã tham mưu cho Bộ Y tế đưa ra những quy định nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân như yêu cầu các cơ sở tiêm chủng phải xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tiêm, thông báo công khai trên các trang mạng, đăng ký việc tiêm chủng trước khi tiêm để tránh các bà mẹ bế con đến xếp hàng gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cho các cháu hoặc đăng ký trên mạng để tránh hiện tượng mất trật tự... Những vấn đề đó đều là quy định đảm bảo tốt cho cộng đồng. Hiện nay chúng tôi cũng giao cho các cơ sở tiêm chủng phối hợp cơ quan công an, dân phòng tiến  hành giữ gìn trật tự, tránh hiện tượng cò mồi, mua bán phiếu đăng ký... 

- Theo tôi được biết, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tổ chức đăng ký tiêm văcxin Pentaxim trên mạng. Nhưng sáng nay tôi không thể vào đăng ký được vì nghẽn mạng. Với tình trạng này thì bao giờ tôi mới đăng ký tiêm cho con được? (Dao xuan thanh, 35 tuổi)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Tại điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, 70 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội, 9h ngày 29/12 mới bắt đầu thực hiện việc đăng ký tiêm chủng văcxin Pentaxim qua mạng. Mong anh chị lưu ý ngày giờ để đăng ký cho trẻ đi tiêm chủng.

- Thưa ông.
Sáng nay chúng tôi đến Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội hỏi về lịch tiêm, nhân viên của trung tâm trả lời chưa có thuốc, chúng tôi lại gọi trực tiếp cho trực đường dây nóng lãnh đạo họ trả lời đang đợi phần mềm đăng ký do Bộ Y tế cấp. Chúng tôi lại gọi cho đường dây nóng của Cục Y tế dự phòng, họ trả lời Bộ không cung cấp phần mềm, văcxin đã phân phát cho Trung tâm rồi, Cục đang chờ Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội báo cáo kế hoạch tiêm.
Vậy xin hỏi ông, chúng tôi là người dân biết tin ai bây giờ, rằng lãnh đạo và nhân viên của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đã thực hiện đúng chức trách và trách nhiệm của họ hay chưa? Lãnh đạo Bộ Y tế có phương án xử lý không khi cán bộ và lãnh đạo của các đơn vị được cấp phép tiêm không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình?
Trân trọng cảm ơn ông
 (Hà Thị Lan Hương, 40 tuổi, Cầu Giấy)

- Ông Trần Đắc Phu:

Để tránh phiền hà, người dân không phải xếp hàng chờ đợi, Bộ Y tế có công văn đề nghị các cơ sở tiêm chủng dịch vụ có thể tiến hành đăng ký tiêm chủng qua mạng hoặc điện thoại. Hình thức này đã được một số cơ sở tiêm dịch vụ lớn trên địa bàn Hà Nội áp dụng. Trong thời điểm này, các đơn vị đang tiến hành thống nhất và hoàn chỉnh phần mềm. Tôi cũng được báo cáo đến 9h ngày 29/12, Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội sẽ cho đăng ký tiêm chủng qua mạng và một số cơ sở khác cũng tiếp tục thông báo trong những ngày tới. Tuy nhiên tôi cũng mong rằng chỉ những người có nhu cầu tiêm, các bà mẹ chỉ đăng ký tại một điểm tiêm chủng có thể có đăng ký trước hoặc gần nhà, tránh hiện tượng đăng ký ảo và hiện tượng nghẽn mạng gây khó khăn trong hoạt động đăng ký. 

- Con tôi tiêm mũi 1 Quinvaxem 5 trong 1 thì mũi 2 và mũi 3 tiêm Pentaxim 5 trong 1 có được không? Có tác dụng phụ gì không ạ? (Thu Trang)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Nếu con anh/chị đã tiêm mũi 1 văcxin Quinvaxem của chương trình tiêm chủng mở rộng, con anh/chị vẫn có thể tiêm mũi thứ 2, mũi 3 Pentaxim bình thường. Tuy nhiên, phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi tiêm là 1 tháng. Bên cạnh đó, con anh/chị phải có đầy đủ điều kiện sức khỏe mới thực hiện được việc tiêm chủng. 

Việc chuyển từ văcxin Quinvaxem sang tiêm văcxin Pentaxim sẽ không anh hưởng gì đến miễn dịch của trẻ. Tuy nhiên, trong văcxin Quinvaxem có chứa 5 thành phần: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, còn văcxin Pentaxim không có viêm gan B nhưng có thêm kháng nguyên bại liệt. Nếu con anh/chị chưa được tiêm đầy đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B thì sẽ tiêm văcxin 5 trong 1 Pentaxim và mũi rời viêm gan B.

cuc-truong-y-te-du-phong-hieu-sai-ve-vacxin-khien-viec-tiem-phong-hon-loan-7

- "Các bệnh viện Vinmec, Hồng Ngọc hay Việt Pháp từ chối tiêm cho trẻ không sinh tại đấy có phải là có dấu hiệu găm văcxin không?
tạ thanh long, 27 tuổi, long biên ,hà nội

Ông Đỗ Văn Đông:
Các cơ sở y tế đã nhận tiêm dịch vụ trọn gói thì bắt buộc phải đáp ứng văcxin cho các cháu đến lịch tiêm chủng. Số văcxin còn lại phải được tiêm cho các cháu kể cả không đăng ký dịch vụ trước, cấm tình trạng giữ lại văcxin để chờ tiêm cho các đợt sau trong khi vẫn có các cháu chưa được tiêm dù đã đến lịch."

Cảm ơn ông Đỗ Văn Đông vì đã trả lời câu hỏi của tôi. Nhưng có cơ chế nào để có thể kiểm soát được các trung tâm có văcxin găm hàng trong đợt tiêm này không? Hỏi họ nói hết văcxin thì cũng chịu. Mong Bộ Y tế có cơ chế giám sát vấn đề này. Ví dụ đợt tiêm này kéo dài bao nhiêu ngày? Sau bao nhiêu ngày số văcxin còn thừa phải được tiêm cho các trẻ khác? Không thể để dành cho các bé khác ở các bệnh viện và trung tâm kia được.
 (tạ thanh long, 27 tuổi, long biên hà nội)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Cục Quản lý Dược đã công khai minh bạch số lượng văcxin nhập khẩu về Việt Nam và phân phối cho từng cơ sở tiêm chủng. Căn cứ vào hồ sơ tiêm chủng lưu lại tại mỗi cơ sở sẽ xác định được văcxin đã tiêm hết hay chưa. Nếu số văcxin được tiêm cho các cháu ít hơn số người đi đăng ký thì sẽ tiếp tục được sử dụng cho các cháu đăng ký tiếp theo. Việc tiêm cho các cháu sẽ do từng cơ sở hẹn lịch ngày giờ để các cháu đến tiêm, tránh tình trạng chen lấn xô đẩy, đặc biệt trong tình trạng giá rét sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu.

- Bộ Y tế ra thông báo là sáng 28/12 sẽ mở tiêm tại 161 điểm tiêm dịch vụ văcxin 5 trong 1, nhưng tại Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng đến sáng nay vẫn trả lời chưa có văcxin và không biết khi nào có. Vậy chúng tôi phải theo lịch của ai để tiêm cho con đây? (vo ngoc dung, 27 tuổi)

- Ông Trần Đắc Phu:

Với quan điểm chọn giải pháp nào cho phù hợp với người dân khi tiến hành đăng ký cũng như tiêm chủng, tránh hiện tượng người dân phải xếp hàng chờ đợi, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh tổ chức tốt việc đăng ký tiêm như đăng ký qua Internet, điện thoại. Tổ chức đăng ký trước sau đó hẹn người dân đưa con đến tiêm chủng theo những khoảng thời gian thích hợp. Triển khai nhiều điểm và tiến hành tiêm chủng cùng lúc để tránh hiện tượng người dân đến quá đông tại một điểm tiêm chủng. Thời gian tiêm vẫn do cơ sở tiêm chủng quyết định, Bộ Y tế không có thông báo về lịch tiêm cụ thể của các điểm tiêm chủng mà chỉ cung cấp danh sách các điểm tiêm chủng đã và sẽ được cấp văcxin Pentaxim trong đợt này.

Qua báo cáo của các đơn vị, ngoài Trung tâm Polyvac triển khai tiêm vào ngày 25/12 song không tiến hành được vì người dân đến xếp hàng quá đông, việc đăng ký tiêm chủng của một số điểm trên địa bàn Hà Nội qua mạng sớm nhất là vào ngày 29/12.

Theo báo cáo của công ty nhập khẩu thì Trung tâm y tế Dự phòng Đà Nẵng đã dự trù và sẽ được phân phối văcxin trong tháng 12 này. Việc triển khai tiêm cần có kế hoạch cụ thể của cơ sở. 

- Kính thưa Cục trưởng,
Con tôi nay đã được 9 tháng tuổi, từ lúc con được 5 tháng tuổi tôi liên tục đến Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng hỏi văcxin Pentaxim nhưng chỉ nhận được câu trả lời là không có thuốc. Đến 26/9 tôi cho con tôi tiêm văcxin Quinvaxem thì có dấu hiệu sốc thuốc phải đưa đi cấp cứu, kết quả bác sĩ chẩn đoán sốc thuốc và không cho con tôi tiêm văcxin Quinvaxem nữa vì tính nguy hiểm cao hơn.
Sau đó tôi đã 2 lần gửi email lên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhờ chuyển giúp xuống Sở Y tế Đà Nẵng và cơ quan có liên quan thì cũng chỉ nhận được phản hồi là không có thuốc, hay thông tin có thuốc là dối. Bên cạnh đó, Y tế Đà Nẵng còn nói là tháng 7 vừa rồi có thuốc, nhưng thời điểm đó tôi có đến Trung tâm y tế Dự phòng Đà Nẵng cũng nói là không có thuốc.
Con tôi không thể tiếp tục tiêm văcin Quinvaxem, mà không tiếp tục tiêm thì khả năng phòng bệnh của con tôi quá sức mong manh. Nhưng để tiếp cận nguồn thuốc thì quá sức khó khăn, lúc nào Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng cũng chỉ trả lời là không có thuốc.
Kính mong ông có thể cho con tôi một cơ hội để tiếp cận nguồn thuốc.
Chân thành cảm ơn ông
 (Hồ Thị Một, 28 tuổi, 23 Đặng Đình Vân - Đà Nẵng)

- Ông Trần Đắc Phu:

Đúng như bạn nói, vừa qua một số văcxin dịch vụ như Pentaxim có khan hiếm, trong đó Trung tâm y tế dự phòng Đà Nẵng cũng không có loại văcxin này. Vì văcxin là thuốc đặc biệt, sau tiêm có thể có cháu phản ứng nhất định, cũng do cơ địa từng cháu. Vì vậy, con bạn có phản ứng với văcxin Quinvaxem thì cũng có thể phản ứng với các văcxin khác; nên bạn cũng cần để ý đưa cháu đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xem cháu có phải là cơ địa dị ứng hay không. Nếu cháu có cơ địa dị ứng thì trong chỉ định không nên tiêm một số văcxin khác. Để bảo vệ cho cháu khỏi bị nhiễm bệnh thì phải thực hiện các biện pháp như hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, tăng cường các biện pháp bảo vệ cá nhân... Nếu muốn tiêm văcxin thì trẻ cần được thăm khám và chỉ định đúng của cán bộ y tế có chuyên môn. 

- Con tôi nay được hơn 2 tháng tuổi, mong chờ văcxin dich vụ hàng ngày, không dám cho con đi tiêm chủng mở rộng vì sợ các cơ sở phường xã bảo quản thuốc không tốt. Theo dõi báo chí hàng ngày nói trong tháng 12 văcxin sẽ về mà hôm nay đã cuối tháng rồi, một ngày tốn biết bao nhiêu tiền điện thoại gọi lên tổng đài rồi gọi trực tiếp bệnh viện vẫn nhận được câu trả lời chưa có. Báo có đăng công khai các cơ sở có văcxin dịch vụ sao ở khu vực TP HCM không thấy? Nếu có tranh thủ chụp giật thì cũng được 1 liều, còn 2 liều còn lại trong 2 tháng tiếp theo tôi sẽ phải làm sao? Tại sao Bộ Y tế không đánh giá đúng nhu cầu người dân để đặt hàng mà lại cứ để xảy ra tình trạng khan hiếm. Đến cả mất tiền mà sao như xin cho, nhờ hết người quen này đến người quen khác, các kiểu mối quan hệ con tôi vẫn chưa có thuốc. Vừa hay tin Bệnh viện Nhi Đồng có thuốc buổi chiều mà buổi tối gọi tổng đài đã kín chỗ không cho đặt nữa. (Nguyễn Thị Hà, 29 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Để đảm bảo phòng bệnh tốt nhất cho trẻ, cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không nên trì hoãn chờ đợi khiến tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ và cộng đồng. Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các điểm tiêm chủng dịch vụ của cơ sở nhà nước đều triển khai tiêm miễn phí văcxin Quinvaxem. Bạn có thể liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tiêm chủng. 

Cục Quản lý Dược đã công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách địa chỉ các điểm tiêm chủng trên cả nước có tổ chức tiêm Pentaxim theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, công ty phân phối. Tuy nhiên, văcxin chỉ được đưa vào tiêm chủng sau khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu của từng lô văcxin nhập khẩu và việc đảm bảo điều kiện tiêm chủng của từng cơ sở. 

Đối với các mũi nhắc lại vào các tháng sau, gia đình không nên chờ đợi văcxin dịch vụ mà phải đưa các cháu đến các điểm tiêm chủng mở rộng để được tiêm đúng lịch.

- Xin cho biết các dạng cơ sở y tế hay bệnh viện nào có đủ chuyên môn để thực hiện tốt việc khám sàng lọc cho trẻ em cần tiêm chủng, nhằm tránh những rủi ro mắc phải khi tiêm chủng những thuốc ví dụ như Quinvaxem. Vì đây là một trong những nguyên nhân và là thực tế không tránh khỏi gây nên các tai biến nặng sau tiêm. (pham quang khải, 44 tuổi, 434/9/10 pham van chiêu, p9 , quận Gò vấp , TPHCM)

- Ông Trần Đắc Phu:

Cảm ơn bạn, việc tiêm văcxin cần phải khám sàng lọc để có chỉ định đúng trước khi tiêm. Qua khám sàng lọc, có thể các cháu được tiêm chủng có thể phải trì hoãn để đợt sau tiêm, có trường hợp trẻ có cơ địa dị ứng thì không được tiến hành tiêm chủng. Hiện nay Bộ Y tế đã có quy định các điểm tiêm chủng đều phải có cán bộ có chuyên môn đồng thời được tập huấn thì mới được tiến hành khám sàng lọc và những cán bộ này tốt nhất là bác sĩ, riêng các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa có thể là y sĩ. Bên cạnh việc cấp chứng chỉ thực hành tiêm chủng thì Bộ Y tế cũng luôn luôn tập huấn cập nhật kiến thức hàng năm cho cán bộ.

Cũng chắc chắn rằng trình độ chung về năng lực cán bộ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì không thể bằng ở các thành phố lớn. Việc tiêm chủng hiện nay được tiến hành trên 11.000 cơ sở xã phường, nên Bộ Y tế cũng ưu tiên việc tập huấn cho các cán bộ thuộc các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn như tôi nói ở trên để đảm bảo việc khám sàng lọc, thực hành tiêm chủng ngày một tốt hơn. 

Tôi cũng lưu ý rằng việc khai thác tiền sử của trẻ thông qua các bà mẹ là hết sức quan trọng, ví dụ trẻ có bệnh mãn tính đi khám đã được chẩn đoán, trẻ có cơ địa dị ứng hoặc trẻ đang có bệnh trong thời gian gần đây là những thông tin hữu ích để cho cán bộ y tế quyết định trẻ có được tiêm văcxin hay hoãn tiêm hoặc cháu không thể tiêm chủng được. 

- Tôi rất muốn cho con sử dụng văcxin Quinvaxem, tuy nhiên có quá nhiều trường hợp bị phản ứng với thuốc trong khi văcxin dịch vu Pentaxim lại không có ghi nhận nào. Vậy đứng ở góc độ khách quan, ông vui lòng cho biết ông sẽ chọn loại vacxin nào? (Nguyen Tien Dung, 35 tuổi, Lac Long Quan, Cau Giay, Hanoi)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Văcxin Quinvaxem đã được khẳng định và sử dụng trên 90 nước trên thế giới làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có văcxin tiêm chủng. Chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã thu được rất nhiều thành quả to lớn, thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005 và loại trừ bệnh sởi trong thời gian tới.

Theo tâm lý chung, người dân thường nghĩ rằng cứ văcxin miễn phí là không tốt và không an toàn bằng văcxin dịch vụ. Tuy nhiên, y học thế giới đã chứng minh rằng đối với văcxin có chứa thành phần toàn tế bào (Quinvaxem) đáp ứng miễn dịch và bảo vệ bền vững hơn so với văcxin có chứa thành phần vô bào (Pentaxim). Theo quan điểm của tôi, anh/chị hoàn toàn yên tâm sử dụng các loại văcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có Quinvaxem.

- Các quan chức Bộ Y tế luôn đưa ra quan điểm nguyên nhân là do người dân không tin tưởng vào văcxin Quinvaxem trong khi Bộ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kiểm định (do dân trí, do truyền thông...). Vậy tại sao Bộ lại không giải quyết dứt điểm vấn đề này. Tôi lấy ví dụ là quan chức cấp cao của Bộ có thể tuyên bố chắc chắn, đảm bảo bằng chức vụ của mình là tỷ lệ tai biến của 2 loại văcxin như nhau, nếu Quinvaxen cao hơn thì sẽ nhận trách nhiệm cao nhất. Người dân không cần quan tâm nguyên nhân dẫn đến phản ứng, tử vong, họ sẽ tin vào con số (không bao giờ nói dối). Việc đảm bảo có được con số này là việc của nhà nước mà ở đây trực tiếp là Bộ Y tế.  (Nguyễn Nam, 37 tuổi, Đống Đa -Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Cảm ơn bạn, việc công bố các trường hợp phản ứng sau tiêm, thậm chí có tử vong sau tiêm hiện nay là rất minh bạch, không chỉ văcxin Quinvaxem mà cả các loại văcxin khác như văcxin phòng lao, viêm gan B cũng như các loại văcxin khác. Việc đánh giá phản ứng sau tiêm do Hội đồng của các Sở Y tế thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia các lĩnh vực. Qua báo cáo và theo dõi trong thời gian qua công tác báo cáo, đánh giá phản ứng sau tiêm đã tiến bộ rất nhiều, điều này cũng đã cung cấp thông tin tốt cho các nhà làm công tác tiêm chủng. Qua theo dõi vừa qua các phản ứng sau tiêm, những trường hợp phản ứng nặng hoặc tử vong (có thể do trùng lặp, cũng có thể sốc do cơ địa từng cháu...) song vẫn nằm trong tỷ lệ thống kê cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới, trong đó không phải chỉ có văcxin Quinvaxem mà còn cả những văcxin khác. 

- Xin hỏi trong năm 2016 còn nhập bao nhiêu văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1? Vào tháng nào? Cảm ơn. (Trần Thị Tuyết Nhung, 27 tuổi)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Theo báo cáo của các nhà sản xuất thì đến hết năm 2016, các nhà máy sẽ ổn định sản xuất trở lại, do đó nguồn cung văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ cho Việt Nam sẽ được đảm bảo.

Ngoài ra, công ty Sanofi đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng văc xin 6 trong 1 tại Thái Bình trên 350 trẻ để hoàn tất cho hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam dự kiến vào giữa năm 2016. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Tổng công ty Kinh doanh Vốn Nhà nước SCIC đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất văc xin 6 trong 1 tại Việt Nam. Việc sản xuất văcxin này được chuyển giao công nghệ từ Công ty Biken (Nhật Bản).

- Hà Nội sẽ tổ chức đăng ký trực tuyến để tiêm văcxin 5 trong 1 Pentaxim. Vậy xin hỏi đã có phương án để tránh trình trạng nghẽn mạng khi truy cập trang web đăng ký không? (Mai, 29 tuổi)

- Ông Ngô Khánh Hoàng:

Để tránh tình trạng nghẽn mạng khi đăng ký trực tuyến tiêm văcxin 5 trong 1 Pentaxim, Trung tâm Y tế dự phòng đã phối hợp với VNPT của TP.Hà Nội để thực hiện việc này. Vì vậy, việc nghẽn mạng sẽ được hạn chế một cách tối đa.

- Tôi là một thương gia có dịp đi tất cả các nước. Tôi đồng ý rằng nhà máy sản xuất các loại văcxin của Sanofi đang gặp sự cố, việc cung ứng văcxin trên toàn thế giới của hãng này đang bị hạn chế nhưng ở Việt Nam, loại văcxin 5 trong 1 đã thiếu mấy năm rồi. Vậy đứng ở góc độ quản lý, Nhà nước nghĩ thế nào khi ở châu Phi hoặc các nước quanh ta như Hong Kong, Singapore, Malaysia, Campuchia không lúc nào thiếu cả và người Việt Nam phải đưa trẻ đến những nước này tiêm.
Xin hỏi ông giá nhập khẩu và giá bán của văcxin 5 trong 1 sau khi trừ đi chi phí nhà nhập khẩu có lời không, theo tôi biết là không có lời hoặc lời không đáng kể phải chăng là cơ chế giá. Thêm nữa, đây là văcxin dịch vụ không phải tiêm chủng mở rộng, nhà nước chỉ quản lý về chất lượng và giá nhưng hiện tại mỗi nơi quản lý một khác. Miền Bắc không đấu thầu, miền Nam phải đấu thầu, cơ chế quản lý không phù hợp gây phiền toái và tốn kém cho doanh nghiệp. Theo tôi sẽ không bao giờ thiếu văcxin 5 trong 1 nếu Nhà nước thay đổi cơ chế, cho nhập bất cứ nguồn hàng nào chỉ cần quản lý bằng chất lượng qua kiểm định và cho giá bán để doanh nghiệp có lợi ở mức 20-30%, tức là khoảng 950.000 một liều.
 (pham van cong, 28 tuổi, e7 khu biet thu wincom)

- Ông Đỗ Văn Đông:

Đúng như thông tin mà ông có được, nhà máy của Sanofi đang thay đổi quy trình sản xuất nên dẫn đến việc giảm cung ứng văcxin trên toàn cầu ngay cả tại Pháp. 

Theo hồ sơ kê khai giá của công ty Sanofi thì giá bán buôn kê khai của văc xin Pentaxim là 630.000 đồng một liều. Tuy nhiên, giá dịch vụ tiêm chủng ngoài giá văc xin thì còn có chi phí khám và tư vấn trước tiêm, chi phí vật tư tiêu hao cho tiêm chủng,.. 

Theo quy định hiện hành, các cơ sở y tế không bắt buộc phải đấu thầu mua văcxin dịch vụ. Mỗi cơ sở y tế tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương để lựa chọn hình thức mua sắm giúp người dân được tiếp cận với văcxin đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Tuy nhiên việc kinh doanh văcxin vẫn phải tuân thủ đúng quy định về quản lý giá thuốc, nghĩa là không được bán quá giá kê khai tại Cục Quản lý Dược. Văcxin là một chế phẩm sinh học có đặc thù riêng, do đó việc quản lý từ nguồn (từ nhà sản xuất) là rất quan trọng, việc kiểm định chỉ là một phần trong cả quá trình quản lý chất lượng sản phẩm. Do vậy, chỉ các doanh nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mới được nhập khẩu, phân phối văcxin.

- Rõ ràng cơn sốt văcxin dịch vụ hoàn toàn là do bùng nổ thông tin. Một số thông tin xuyên tạc lời nói của giáo sư Nguyễn Trần Hiển, cộng với sự bùng nổ của mạng xã hội Facebook đã biến Pentaxim thành thần dược, Quinvaxem thành thuốc giết người, khi mà người dân tin bình luận Facebook còn hơn cả ý kiến chuyên gia.
Vậy Bộ Y tế có phối hợp với các cơ quan Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công an xử lý những thông tin vô căn cứ này hay không? Điều tôi lo ngại nhất là làn sóng tẩy chay tiêm chủng mở rộng sẽ khiến Việt Nam trở thành một cộng đồng miễn dịch cực kỳ yếu kém.
 (Phạm Như Linh, 27 tuổi, Hà Nội)

- Ông Trần Đắc Phu:

Về vấn đề này, trong luật  báo chí quy định rất rõ về xử lý trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin. Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng, hậu quả (nếu có), chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo luật định. 

Tôi chia sẻ với lo ngại của bạn và tôi cũng mong rằng người dân cần tìm hiểu trên những trang thông tin có uy tín và tin vào những nguồn cung cấp thông tin chính thống, đặc biệt là Bộ Y tế. 

Qua buổi giao lưu hôm nay, tôi rất cảm ơn và phấn khởi vì các bạn độc giả quan tâm về vấn đề tiêm chủng, có những thông tin về quản lý, chính sách của Nhà nước, có những thông tin về quyền lợi và trách nhiệm của những người được tiêm chủng. Mong muốn của chúng tôi là người dân hãy tin tưởng vào tiêm chủng mở rộng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay hãy tin tưởng vào việc sử dụng văcxin Quinvaxem.

Suy nghĩ của tôi là làm sao trẻ em Việt Nam nói riêng và người dân Việt Nam nói chung luôn được tiêm chủng nhiều loại văcxin để phòng nhiều bệnh nhất, văcxin đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Nếu chúng ta vì một lý do nào đó hoặc vì hiện nay có một số lượng rất nhỏ văcxin Pentaxim trong tiêm chủng dịch vụ được tiến hành tiêm cho các cháu mà chúng ta không cho trẻ em đi tiêm chủng văcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ đúng lịch, có tâm lý chờ đợi, thì tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh của trẻ sẽ giảm và chắc chắn tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh cộng đồng cũng giảm, lúc đó dịch bệnh sẽ bùng phát.

Mỗi người chúng ta có thể chưa có miễn dịch với bệnh tật, chưa được tiêm chủng thì chắc chắn chúng ta sẽ bị mắc bệnh. Tôi mong rằng mỗi người dân cần có trách nhiệm và đừng khiến Việt Nam trở thành một cộng đồng yếu kém miễn dịch. 

Xin chào độc giả VnExpress và cám ơn. 

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin