Phòng, chống rét cho người: Ngành y tế chủ động, không có đột biến xảy ra

Cập nhật: 26/1/2016 | 2:13:32 PM

Hiện nay, Quảng Ninh đang chịu ảnh hưởng lớn của không khí lạnh, nhiệt độ các vùng, miền giảm sâu. Tuy nhiên, qua khảo sát của phóng viên cho thấy, hầu hết các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã có các giải pháp cụ thể, chủ động để phòng chống rét, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

hòng chống rét, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.

Bệnh viện Sản Nhi tỉnh trang bị tối đa các thiết bị phòng, chống rét cho bệnh nhân tại các phòng bệnh. (Ảnh chụp tại Khoa Nội nhi, ngày 25-1-2016)
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh trang bị tối đa các thiết bị phòng, chống rét cho bệnh nhân tại các phòng bệnh. (Ảnh chụp tại Khoa Nội nhi, ngày 25-1-2016)

Số lượng bệnh nhi và người già tăng nhẹ

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã ra công văn khẩn số 111/SYT-NVY ngày 22-1-2016, về việc chủ động các biện pháp phòng chống rét; tiếp đó, cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế công tác phòng chống rét cho người bệnh tại các bệnh viện. Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khoẻ, trung tâm y tế các địa phương tổ chức tuyên truyền cho người dân về phòng chống rét, đặc biệt là đối tượng người già và trẻ em. Cảnh báo để nhân dân biết về các tai nạn như: Ngộ độc khí CO do sưởi ấm bằng bếp than trong nhà kín, bỏng lửa hoặc tử vong trẻ em do chở bằng xe máy đi ngoài trời rét; ngạt thở trẻ em do mặc quá nhiều quần áo ấm; trẻ em không được đảm bảo điều kiện chăm sóc và dinh dưỡng kém có thể mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút. Giám sát chặt chẽ và kịp thời khống chế, dập tắt các dịch bệnh phát sinh do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra...

Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cũng chủ động đảm bảo các điều kiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám, chữa bệnh. Nơi chờ khám, các buồng khám bệnh, điều trị cho người bệnh đảm bảo kín gió, có đủ chăn đệm và phương tiện chống rét để người bệnh được giữ ấm trong thời gian thăm khám, làm thủ thuật và nằm điều trị. Bố trí đủ cơ số thuốc cấp, giường bệnh và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra như các bệnh về tim mạch, về đường hô hấp...

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến chiều ngày 25-1, số lượng bệnh nhân nhập viện trong đợt rét đậm, rét hại (từ ngày 23 đến 25-1) không có sự gia tăng đột biến. Tuy nhiên, số bệnh nhân bị mắc bệnh lý về đường hô hấp đến khám và điều trị tại một số bệnh viện có tăng nhẹ, trong đó chủ yếu là đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Qua tìm hiểu của chúng tôi, như ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhân nhập viện tại các khoa, phòng trong những ngày rét đậm vừa qua không có đột biến, trừ số bệnh nhi tăng khoảng 30%. Thông thường, số bệnh nhi nhập viện dao động từ khoảng 60-80 bệnh nhân/ngày, nhưng trong 3 ngày rét đậm, rét hại vừa qua, số bệnh nhi nhập viện tăng khoảng 30%, ngày cao điểm nhất lên tới 105 bệnh nhân/ngày. Hay như ở Bệnh viện Đa khoa Đông Triều, bình thường có khoảng trên dưới 30 bệnh nhi, mấy ngày qua tăng khoảng 30%. Đáng lưu ý là số bệnh nhi nhập viện với chủ yếu là các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản. Số người cao tuổi cấp cứu, nhập viện trung bình khoảng 20 bệnh nhân, hầu hết là các bệnh do ảnh hưởng của thời tiết lạnh giá như tai biến mạch máu não, bệnh về hô hấp...

Các bệnh viện chủ động phòng, chống rét cho bệnh nhân

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào sáng 25-1, chúng tôi nhận thấy số người đến đăng ký khám tại Khoa Khám bệnh khá rải rác. Khoa Cấp cứu nằm liền kề hiện không có bệnh nhân, tuy nhiên nhiệt độ trong phòng khá ấm. Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Cửu Long, Trưởng Khoa Cấp cứu chỉ cho tôi thấy ngoài chiếc điều hoà đang chạy, toả ra hơi ấm thì trong phòng còn có những chiếc máy sưởi đặt gần với các giường bệnh. Anh cười bảo: Ở đây thì bác sĩ có thể lạnh chứ bệnh nhân thì không được lạnh đâu...

Tiếp tục đi khảo sát tại Khoa Nhi, Khoa Tim mạch là những khoa thường có đông bệnh nhân nhập viện do thời tiết lạnh, chúng tôi được chứng kiến sự chủ động cao của Bệnh viện trong phòng, chống rét cho bệnh nhân. Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Kim Hương, Điều dưỡng viên trưởng Khoa Tim Mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh nhân ở đây đều bị các bệnh lý tim mạch, cần giữ ấm cơ thể, vì vậy chúng tôi hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân trong Khoa phải mặc đủ ấm khi ra ngoài, tránh bị gió lùa, khi ra khỏi phòng phải đóng cửa. Các phòng trong khoa đã được trang bị máy điều hoà 2 chiều nên những ngày lạnh từ dưới 15 độ C thì chúng tôi sẽ bật điều hoà cho bệnh nhân, duy trì nhiệt độ trong phòng khoảng 28 độ C. Ngoài ra còn có đèn sưởi bật tăng cường hỗ trợ cho bệnh nhân để hạn chế rét... Bà Trần Thị Mừng, 70 tuổi, trú tại Hà Lầm (TP Hạ Long), bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tim mạch chia sẻ với vẻ phấn khởi: Tôi bị sỏi thận, sau khi mổ ở tuyến trung ương được chuyển về Bệnh viện tỉnh để điều trị tiếp, đến nay tôi nằm viện tại đây được 1 tuần rồi. Các y, bác sĩ ở đây đều nhiệt tình chăm sóc, đến giờ bệnh của tôi đã khá ổn định. Ở đây giường đệm đầy đủ, khi ra ngoài thì mọi người đều đóng cửa để giữ ấm, những hôm trời lạnh giá còn được bật điều hoà để sưởi ấm nữa...

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, công tác phòng, chống rét của Bệnh viện khá tốt. Hiện nay, tất cả các khoa, phòng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều được trang bị hệ thống điều hoà 2 chiều và hàng loạt máy sưởi được trang bị tăng cường phục vụ bệnh nhân trong đợt rét đậm, rét hại tại các buồng bệnh, nhất là tại các khoa, phòng phục vụ cho trẻ nhỏ, người cao tuổi bị các bệnh lý mãn tính về cao huyết áp, hô hấp, tim mạch... Bên cạnh đó, tất cả hệ thống cửa ở các khoa, phòng đều được trang bị hệ thống màn gió, tăng cường thêm chăn ấm cho bệnh nhân...

Không chỉ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện tuyến huyện mặc dù không có điều kiện cơ sở vật chất tốt bằng nhưng cũng có những cách làm hiệu quả bằng cách sử dụng tối đa các thiết bị điện như điều hoà, quạt sưởi, chăn ấm và che chắn các phòng khỏi các luồng gió lớn. Bác sĩ Nguyễn Thành Xung, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Triều cho hay: “Toàn bộ hệ thống cửa các phòng của Bệnh viện được làm kín, tránh bị gió lùa, tăng cường chăn ấm, mua thêm không chỉ mỗi người 1 chăn mà có thể mỗi người 2 chăn. Toàn bộ hệ thống sưởi như điều hoà được sử dụng hết công suất, thiếu thì huy động, tạo mọi điều kiện cho người nhà bệnh nhân sử dụng để chống rét cho bệnh nhân. Hệ thống nước ấm của bệnh viện được duy trì để bệnh nhân có nước ấm uống 24/24h. Các điều kiện phục vụ cho điều trị như thuốc men, nhân lực, cấp cứu được chúng tôi chuẩn bị đầy đủ, nhất là việc tăng cường nhân lực cho các khoa đông bệnh nhân như Nhi, Hồi sức...”. Ngoài ra, như Bệnh viện Đa khoa khu vực Móng Cái còn duy trì 2 đội “cấp cứu ngoài viện” gồm 16 y, bác sĩ thường trực để có thể hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân cấp cứu tại các huyện Đầm Hà, Hải Hà khi có yêu cầu. Lãnh đạo TP Cẩm Phả cũng đã đến thăm, tặng quà 2 bệnh nhân nặng vào ngày 24-1 và chỉ đạo trực tiếp cho Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả trong việc phòng, chống rét cho bệnh nhân đến khám, điều trị tại đây...

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các cán bộ y tế, trong đợt rét đậm, rét hại thường có ít bệnh nhân đến khám và điều trị nhưng sau đợt rét thì số lượng bệnh nhân mới tăng, vì sau thời gian ủ bệnh, các bệnh do ảnh hưởng của rét mới bùng phát. Vì vậy, các cơ sở y tế cần dự trữ đầy đủ cơ số thuốc phòng khi có dịch bệnh xảy ra và tăng cường công tác thường trực cấp cứu sau đợt rét. Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân là khi thời tiết chuyển mùa rất dễ tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, nhất là bệnh lý về hô hấp, tiêu hoá... Vì vậy, mọi người cần giữ ấm cơ thể, che chắn nhà cửa, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh tiếp xúc với người ốm và tụ tập nơi đông người, tiêm vắc xin đầy đủ, khi nghi nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin