Liệu thế giới có diệt vong vì bệnh truyền nhiễm?

Cập nhật: 2/2/2016 | 7:51:26 AM

Những xác chết rải rác trên khắp mọi ngõ ngách, các thành phố chìm trong sự hỗn loạn. Bệnh dịch lan rộng, và con người, lần đầu tiên, bắt đầu nhận ra chính mình đang nằm trong danh sách những loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Những cảnh như thế này có thể được tìm thấy trong hầu hết các bộ phim của Hollywood mô tả một dịch bệnh truyền nhiễm. Người xem thích chúng vì chúng mô tả một loại sự kiện hấp dẫn song chưa đáng lo ngại mà có thể có thể xảy ra. Nhưng điều quan trọng là phải nhớ rằng điều khiến Hollywood chinh phục được cả thế giới gạt sang một bên sự chính xác hòng nêu bật yếu tố gây sốc. Khi nói đến một điều có thực như một căn bệnh chết người, điều quan trọng là phải phân biệt đâu là thực tế và đâu là quyền hư cấu của các nhà làm phim.

Virus trên máy bay

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của máy bay phản lực, với những đường bay kết nối hằng ngày tới mọi ngóc ngách trên. Như vậy, phải chăng máy bay là một động lực chính khiến bệnh lây lan?

Khi mắc kẹt ở một nơi nguy hiểm không còn chỗ nào để chạy trốn, thì máy bay có thể là cơn ác mộng tồi tệ nhất của chúng ta. Trong phim The Strain, loại virus lạ đã quét qua một chuyến bay, giết chết hầu hết các hành khách, đưa loại virus chết người và dễ lây lan tới thành phố đông nghẹt dân là New York. Bộ phim 12 Monkeys (12 chú khỉ) năm 1996 và World War Z (Thế chiến Z) năm 2013 cũng có những cảnh tương tự, và trong thực tế, hành khách có thể đặt câu hỏi về sự an toàn của mình, bày tỏ sự hoài nghi về hệ thống thông gió của máy bay.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2007, không có dữ liệu khoa học chính thống nào liên hệ các hệ thống thông gió trong khoang máy bay với tăng nguy cơ sức khỏe, so với các phương tiện vận tải khác, chẳng hạn như xe hơi hoặc thậm chí các tòa nhà văn phòng.

Khoảng 50% không khí trên một chuyến bay thương mại tiêu chuẩn được lấy từ bên ngoài máy bay, không khí sẽ được các động cơ làm nóng trước khi bơm vào trong khoang . Một nửa khác được tái sử dụng sau khi đi qua bộ lọc bụi không khí hiệu suất cao (HEPA) . Hệ thống lọc này không phải trò đùa. Theo nghiên cứu , nó có hiệu quả 99,97% trong việc loại bỏ bụi, hơi nước, vi khuẩn và nấm. Thậm chí nó có thể loại bỏ virus lây qua không khí bằng cách “bắt giữ” những giọt dịch nhỏ mà virus sử dụng để truyền từ vật chủ này sang vật chủ khác. Tóm lại, nếu bạn ở cùng trên máy bay với ai đó đang nhiễm một bệnh lây qua không khí, rất ít khả năng bạn cũng bị nhiễm.

Khởi đầu của dịch

Trong một kịch bản khác, từ lúc bệnh nhân số 0 - người đầu tiên bị nhiễm virus – tới được nơi đến (bối cảnh của bộ phim), virus trong người họ đã tràn sang những người xung quanh với tốc độ kinh hoàng. Tuy nhiên, trong thực tế , tốc độ lây lân của bệnh chủ yếu phụ thuộc vào phương thức lây truyền của tác nhân gây bệnh.

Những vụ dịch khó kiểm soát nhất là những vụ dịch gây bởi các mầm bệnh lan truyền trong không khí qua những giọt dịch nhỏ. Thực tế, nhiều bệnh chết người nhất trong lịch sử lại không lây qua không khí, có nghĩa việc ở cạnh người bệnh không gây nguy hiểm. Hãy lấy ví dụ như Ebola, một trong những bệnh đáng sợ nhất hành tinh. Đầu năm 2014, một vụ dịch Ebola bắt đầu ở Tây Phi, và theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ, đã có hơn 11.000 người chết kể từ đó. Dịch vẫn chưa kết thúc, nhưng mặc dù có số người chết cao, Ebola là không thực sự lây mạnh như ta tưởng. Để bị nhiễm Ebola, cần có sự tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể từ người bệnh đang biểu hiện triệu chứng. HIV, một bệnh lây khác đã gây ra cái chết của hàng triệu người, cũng cần sự trao đổi trực tiếp chất dịch cơ thể để lây nhiễm sang vật chủ mới. Kết quả là, các bệnh này là dễ kiềm chế hơn nhiều và dịch ít có khả năng biến thành đại dịch.

Tất nhiên, một số bệnh dễ nhiễm hơn những bệnh khác. Ví dụ, 9/10 người chưa chủng ngừa tiếp xúc với virus sởi trong không khí sẽ bị nhiễm. Tuy nhiên, khả năng của chúng ta trong việc xác định, kiểm dịch, và điều trị bệnh nhân sởi, cùng với sự phát triển của các vắc-xin sởi, đồng nghĩa với việc hầu hết ổ dịch sởi chỉ bùng phát trong thời gian ngắn ngủi và nhanh chóng được xử lý.

“Xác sống” không có thực

Trong nhiều bộ phim về dịch bệnh, người bị nhiễm thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn khi họ chết, cho dù là vì họ biến thành những “xác sống” khát máu, hoặc vì cơ thể nhiễm bệnh của họ vô tình phơi nhiễm cho cả một bệnh viện.

Đây là nơi Hollywood phần nào có lý. Mặc dù cho đến nay, không có căn bệnh nào biến người chết thành không chết, song xác của những người chết vì bệnh truyền nhiễm vẫn không phải là thứ mà ta có thể tùy tiện. Đa phần mầm bệnh không thể tồn tại khi người bệnh đã chết; Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện thấy virus Ebola vẫn có thể lây nhiễm trong một khoảng thời gian còn chưa rõ qua xác bệnh nhân. Vì thế, cách mai táng người chết là một trong những phương thức lây truyền phổ biến nhất của virus trong vụ dịch vừa qua.

Bệnh nhân số 0

Kịch bản của nhiều bộ phim thảm họa bao gồm việc truy tìm Bệnh nhân số 0. Trong phim 12 Monkeys , gần như toàn bộ 131 phút của bộ phim kể lại hành trình trình của Bruce Willis trong cuộc chạy đua với thời gian để tìm ra nguồn gốc của bệnh dịch hạch tàn sát nhân loại.

Trong thực tế , bệnh nhân số 0 rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch. Những cá nhân này cung cấp cho bác sĩ đầu mối về cách thức và thời điểm dịch bắt đầu, và cũng giúp họ hiểu cơ chế lây truyền của vi rút hoặc liệu vi rút có đột biến không. Ví dụ, việc truy nguyên những nạn nhân đầu tiên của Ebola, đã giúp xác nhận ý kiến cho rằng sự lây truyền của virus xảy ra từ việc mai táng xác người chết. Phát hiện này sau đó đã giúp phòng ngừa vô số những ca bệnh mới. Tuy nhiên , không giống như được mô tả trong phim Outbreak , việc truy tìm bệnh nhân số 0 không phải là một cuộc phiêu lưu đầy kịch tính. Thay vào đó, nó thường là một quá trình tẻ nhạt.

Cùng với bệnh nhân số 0, một chủ đề phổ biến trong các bộ phim về dịch bệnh là một người duy nhất có khả năng miễn dịch đặc biệt với tác động chết người của virus, và do đó là chìa khóa để cứu nhân loại (như phim 28 Days Later (28 ngày sau) và World War Z ). Trong thực tế, đây là một chiến thuật phổ biến được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu và phát triển thuốc. Ví dụ, một số phương pháp điều trị và vắc xin HIV hứa hẹn nhất hiện nay phản ánh cấu trúc gen của những người không bị bệnh nhờ một đột biến ngẫu nhiên. Tuy nhiên, điều mà các bộ phim Hollywood sai lầm chính là là thời gian. Thuốc và vắc-xin thường phải mất hàng thập kỷ nghiên cứu để phát triển và hầu như không bao giờ được tạo ra giữa cơn hoảng loạn vì dịch bệnh.

Người ốm không phải lúc nào cũng chết

Trong phim, bị nhiễm bệnh hầu như luôn là án tử hình. Một vài người hồi phục thần kì nắm giữ “chìa khóa” để cứu sống cả nhân loại. Trong thực tế, ngay cả những bệnh chết người nhất cũng không có tỷ lệ tử vong cao như trong phim. Tỷ lệ tử vong của Ebola vào khoảng 50%, một con số có thể khác nhau đáng kể giữa các vụ dịch nhưng vẫn minh họa rằng hy vọng phục hồi là hoàn toàn có. H1N1, còn gọi là cúm heo, được báo chí mô tả là đại dịch năm 2009, nhưng tỷ lệ tử vong chỉ vào khoảng 0,02%. Hollywood thích bỏ qua thực tế là hệ miễn dịch của chúng ta tương đối có khả năng chống lại hầu hết các nhiễm trùng và bệnh. Công thêm với thuốc và chăm sóc y tế hiện đại thì bạn thậm chí còn khó có khả năng chết hơn do mầm bệnh hay virus.

Bệnh tật và sự sụp đổ của các nền văn minh thường song hành với nhau, nhưng nhiều ví dụ về dịch bệnh thực tế đã chỉ ra rằng nhân loại đối phó tốt hơn nhiều so với những kịch bản của Hollywood. Trong thế kỷ 14, Cái chết đen, một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại, gây ra bởi bệnh dịch hạch, đã xóa sổ chừng một nửa dân số của châu Âu chỉ trong vòng bốn năm. Trong khi đó, bệnh cúm Tây Ban Nha, giết chết tới 25 triệu người chỉ trong 25 tuần đầu tiên. Mặc dù đầy ắp những sự kiện lịch sử với sự kinh hãi và hoảng loạn, cuộc sống vẫn diễn ra và nó sẽ vẫn tiếp tục tiến lên về phía trước bất chấp mọi sự kiện trong tương lai.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin