Phòng, chống bệnh virus ZIKA

Cập nhật: 16/2/2016 | 10:13:31 AM

Bạn đọc Đỗ Khánh Chi, phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả), hỏi: “Mấy ngày hôm nay, tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về bệnh virus Zika. Tôi mới có thai được 2 tháng nên rất lo. Qua Báo Quảng Ninh, nhờ chuyên gia tư vấn giúp tôi hiểu rõ hơn về bệnh này và cách phòng bệnh ra sao?” Phóng viên Báo Quảng Ninh đã trao đổi cùng bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để tư vấn giúp bạn.

- Xin bác sĩ cho biết bệnh Zika là gì, có nguy hiểm không?

+ Zika là loại virus được lây truyền do muỗi Aedes, một loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (muỗi hổ, hay muỗi vằn). Người ta phát hiện virus Zika lần đầu tiên vào năm 1947. Đầu năm 2015, virus Zika nhanh chóng lan rộng khắp các vùng khác ở châu Mỹ. Đến nay, virus này đã xuất hiện tại 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lý do WHO nhận định Zika là mối quan ngại đối với y tế cộng đồng không phải do tốc độ lây lan của virus, mà do các biến chứng nguy hiểm của bệnh này đối với trẻ sơ sinh, cụ thể là gây teo não ở trẻ mới sinh do mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu khi mang thai. Con số thống kê được ở Brazil, đến đầu năm 2016 đã nhận hơn 4.000 trường hợp dị tật đầu nhỏ nghi ngờ do virus Zika gây ra.

Tại Việt Nam hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với muỗi Aedes là muỗi truyền virus Zika. Hơn nữa, virus Zika hiện đã xuất hiện tại một số nước Đông Nam Á nên nguy cơ virus này xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể. Với Quảng Ninh, những năm trước đều có bệnh nhân sốt xuất huyết do muỗi Aedes; cộng thêm là tỉnh du lịch nên nguy cơ xuất hiện virus Zika khá lớn. Do đó người dân không được chủ quan với bệnh này.

- Bệnh lây truyền thế nào và biểu hiện của người bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes. Tuy nhiên, theo cảnh báo của WHO, có một số bằng chứng nghi ngờ virus có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, mặc dù sự ghi nhận là rất hiếm.

Thời gian ủ bệnh Zika khoảng 2-12 ngày sau khi bị muỗi đốt. Khoảng 75-80% số bệnh nhân bị nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Còn những người có biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện các triệu chứng: Sốt nhẹ 37,8-38,5 độ C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược. Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Do đó, cần xét nghiệm để phát hiện virus Zika; trước hết là người bệnh cư trú hoặc đi du lịch tới khu có lưu hành dịch Zika trong vòng hai tuần trước khi khởi phát bệnh và có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng. Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hoá não ở thai nhi. Trẻ bị dị tật đầu nhỏ hoặc có tiền sử mẹ nhiễm virus Zika khi mang thai cần được theo dõi sự phát triển về tinh thần và vận động, đánh giá thị lực và điều trị các rối loạn như co giật, động kinh.

- Bệnh có điều trị được không và cách phòng bệnh ra sao, thưa bác sĩ?

+ Bệnh do virus Zika hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Các điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, bồi phụ nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao. Người bệnh đặc biệt cần thận trọng khi dùng Aspirin hay corticoid khi chưa loại trừ được sốt xuất huyết Dengue.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta cần có sự chung tay của người dân bằng cách: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hoá chất diệt muỗi để phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh đang triển khai kỹ thuật xét nghiệm xác định bệnh virus Zika. Vì vậy, khi có ca nghi ngờ cần báo cáo ngay tới các cơ sở y tế lấy mẫu chuyển về Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh để xét nghiệm khẳng định.

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin