Bài tham luận của đồng chí Trần Đắc Phu, Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Y tế, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác phòng chống dịch”

Cập nhật: 27/2/2016 | 12:19:49 PM

Đảng bộ Cục Y tế dự phòng bao gồm 3 Chi bộ với tổng cộng 33 đảng viên, trong đó 25/33 đảng viên chiếm 75% có trình độ trên đại học bao gồm 01 GS, 01 PGS, 05 TS, 18 ThS và tương đương. Là Đảng bộ chỉ đạo Cục chuyên ngành tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Y tế về công tác y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng, bên cạnh việc làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng bộ xác định lãnh đạo công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị là hết sức quan trọng và một trong những nhiệm vụ quan trọng trên hết là công tác phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Bằng Nghị quyết của Đảng bộ, chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể các đơn vị chuyên môn của Cục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao. Trong năm 2015 vừa qua Đảng bộ Cục đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần tích cực vào việc đạt 2 thành tựu được xác định là thành tựu nổi bật của ngành y tế năm 2015 gồm ngăn chặn một cách có hiệu quả dịch Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9) không để xâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch và được Tổ chức Y tế thế giới công nhận Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA).

Đạt được thành tích trên, trước tiên phải khẳng định là chúng ta đã chủ động và thành công trong việc ngăn chặn và khống chế các dịch bệnh nguy hiểm. Chúng ta tiếp tục ngăn chặn một cách có hiệu quả dịch Ebola, MERS-CoV, cúm A(H7N9) không để xâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch, đặc biệt dịch cúm A(H7N9) vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc trong đó có các tỉnh có đường biên giới với Việt Nam. Mặc dù dịch cúm A(H5N1), A(H5N6) liên tục ghi nhận trên đàn gia cầm nhưng không có trường hợp nào mắc bệnh trên người. Hiện nay, ngành y tế cũng đang tập trung triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh do vi rút Zika xâm nhập vào nước ta trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, thành tựu đáng chú ý còn là thành công của chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho gần 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Nhờ thành công trên mà dịch sởi được khống chế một cách mạnh mẽ nhằm tiến tới loại trừ bệnh sởi cũng như giảm đáng kể số trường hợp mắc Rubella - một căn bệnh nguy hiểm gây dị tật cho trẻ sơ sinh nếu phụ nữ mang thai mắc bệnh. Mặc dù có rất nhiều khó khăn khách quan cũng như chủ quan tác động, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi vẫn đạt trên 95% do đó chúng ta tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và các bệnh dịch có vắc xin tiêm chủng mở rộng khác tiếp tục khống chế.

Các bệnh dịch lưu hành khác như tay chân miệng, bệnh dại, viêm não vi rút tiếp tục được khống chế, với số mắc thấp hơn năm 2014. Ngay cả dịch sốt xuất huyết tuy có số mắc bệnh tăng so với năm 2014 nhưng tỷ lệ mắc/100.000 dân thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực, ví dụ như Malaysia, Philippine…

Để đạt được những thành công kể trên, một trong những giải pháp quan trọng chúng tôi nhận thấy rằng đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong phòng chống dịch bệnh.

Trước hết đó là sự đổi mới về tư tưởng, nhận thức. Công tác phòng chống dịch phải chủ động, kiên quyết kịp thời, hiệu quả. Chủ động là thể hiện dự phòng một cách tích cực, không để chờ dịch xảy ra rồi mới chống. Chủ động từ khâu giám sát, ví dụ hiện nay ngành Y tế luôn triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm một số bệnh quan trọng như dịch cúm để xác định sự lưu hành hoặc xuất hiện những trường hợp cúm mới xuất hiện, giám sát các trường hợp viêm phổi nặng để phát hiện những bệnh mới nổi, mới phát sinh, đồng thời giám sát nguy cơ, … Giám sát phát hiện ca bệnh sớm để tổ chức bao vây dập dịch một cách nhanh gọn không để dịch lây lan là hết sức quan trọng. Giám sát ngay tại cửa khẩu để ngăn ngừa dịch xâm nhập vào nước ta.

Chủ động thể hiện ở việc đã đưa vào sử dụng các loại vắc xin mới một cách hiệu quả và an toàn như vắc xin bại liệt tiêm (IPV), vắc xin sởi và rubella (MR)... Mong muốn của Bộ Y tế là người dân Việt Nam ngày càng được sử dụng nhiều loại vắc xin trong phòng chống dịch bệnh và một số bệnh truyền nhiễm lây lan mạnh, nguy hiểm cần phải đạt tỷ lệ tiêm cao trong cộng đồng, vì tiêm chủng là biện pháp hiệu quả nhất để khống chế, loại trừ, thậm chí có thể thanh toán được dịch bệnh. Chủ động trong việc dự trữ thuốc, vật tư, trang thiết bị trong phòng chống dịch, hiện nay Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng hướng dẫn của Bộ Y tế về dự trữ ngành trong phòng chống dịch, bao gồm cả các địa phương để có thể chủ động hơn nữa trong việc phòng chống dịch.  

Kịp thời thể hiện ở việc triển khai tất cả các hoạt động tại tất cả các tuyến, có sự phối hợp tốt từ công tác tổ chức chỉ đạo đến triển khai các biện pháp, bao gồm: giám sát, thông tin, báo cáo đến đáp ứng. Đối với đáp ứng, Bộ Y tế đã thành lập Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) với sự tham gia của các Bộ, ngành, và các tổ chức quốc tế và trong tháng 5 tới sẽ thành lập các Văn phòng EOC tại các Viện VSDTTW và Viện Pasteur Hồ Chí Minh. Bộ Y tế cũng đã thành lập các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch của Bộ Y tế và các khu vực sẵn sàng đi giải quyết tình hình dịch khi cần thiết. Công tác phối hợp liên ngành trong phòng chống dịch cũng được thực hiện một cách chặt chẽ hiệu quả hơn.

Thứ hai là sự đổi mới về chính sách. Cục Y tế dự phòng đã rà soát và tham mưu cho Bộ Y tế đề xuất Chính phủ chỉnh sửa và đưa ra chính sách phù hợp nhằm chỉ đạo và tạo cơ chế tốt nhất cho công tác phòng chống dịch. Quyết định Công bố dịch và công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm số 02/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 28/01/2016 làm rõ hơn trách nhiệm của UBND các cấp trong việc chỉ đạo xử lý dịch tại địa phương. Điểm khác biệt so với trước kia là nếu như trước đây chỉ khi nào dịch xảy ra mà địa phương không có khả năng giải quyết mới công bố thì hiện nay có dịch phải công bố và chính quyền các cấp phải chỉ đạo, đầu tư để dịch sớm được giải quyết chấm dứt. Công bố dịch thể hiện sự minh bạch hơn, thông tin kịp thời tới người dân.

Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BYT về thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm với hình thức báo cáo trực tuyến theo ca bệnh thay thế Thông tư số 48/2010/TT-BYT mới chỉ áp dụng ở thông tin về số lượng mắc, chết đơn thuần. Thông tư mới ra đời không chỉ thể hiện báo cáo nhanh hơn, thông tin ca bệnh cung cấp đầy đủ hơn mà còn xác định rõ trách nhiệm của hệ thống dự phòng, hệ thống điều trị và các tuyến trong báo cáo dịch.
Về tiêm chủng Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ký văn bản trình Nghị định về tiêm chủng. Nét mới nhất trong Nghị định này là tăng khả năng tiếp cận của người dân với tiêm chủng vắc xin. Việc tiêm chủng mở rộng sẽ không chỉ trạm y tế xã, phường thực hiện mà các cơ sở y tế có khả năng tiêm chủng đều có thể thực hiện. Về cơ chế tài chính cần tính đúng, tính đủ để đảm bảo nguồn đầu tư cho tiêm chủng đầy đủ dù đó là nguồn đầu tư từ Nhà nước hay tư nhân. Cách làm này còn đạt được việc tiến tới dần rút ngắn khoảng cách giữa tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Trong giai đoạn tới Cục Y tế dự phòng tiếp tục đề xuất một số hoạt động tiêm chủng được thanh toán kinh phí bằng nguồn bảo hiểm y tế để giảm gánh nặng đầu tư công…

Hiện nay Cục Y tế dự phòng cũng đang phối hợp với Vụ Pháp chế tổ chức đánh giá Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và xây dựng Luật Phòng bệnh với lý do Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ban hành năm 1987 bao gồm nội dung về phòng bệnh và chữa bệnh. Sau khi Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và Luật Khám chữa bệnh được ban hành nhiều vấn đề về phòng bệnh như phòng chống các yếu tố nguy cơ, phòng chống bệnh không lây nhiễm, chính sách đối với cán bộ y tế dự phòng, trách nhiệm của chính quyền các cấp chưa được đề cập trong Luật.

Thứ ba là đổi mới về công tác truyền thông. Công tác truyền thông được xác định là công tác vô cùng quan trọng trong phòng chống dịch. Truyền thông được thể hiện đồng bộ ở cả truyền thông thường xuyên và truyền thông nguy cơ. Truyền thông phải đi trước một bước theo đúng như sự chỉ đạo của Bộ trưởng. Thông tin cần kịp thời, định hướng được truyền thông. Hiện nay các hoạt động truyền thông đã được sử dụng với nhiều hình thức như tập huấn cho báo chí, giao luu trực tuyến, trang thông tin điện tử, fanpage, …

Thứ tư là đổi mới về việc áp dụng công nghệ thông tin trong trong phòng chống dịch. Cần xác định công nghệ thông tin đóng góp tích cực trong phòng chống dịch bệnh, thể hiện việc báo cáo nhanh, kịp thời, đảm bảo tính chính xác. Cục Y tế dự phòng đã triển khai phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo từng trường hợp bệnh, đang thí điểm triển khai phần mềm báo cáo công tác kiểm dịch y tế, phần mềm quản lý đối tượng tiêm chủng theo mã số ID để bất kỳ trẻ em tiêm chủng ở đâu cũng được theo dõi trên hệ thống, theo dõi lịch sử tiêm chủng suốt đời và kết nối giữa cơ sở tiêm chủng và bà mẹ có con đi tiêm chủng. Cục Y tế dự phòng đang xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch bệnh tích hợp nhiều nguồn khác nhau để phục vụ cho hoạt động hiệu quả của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh. 

Thứ năm là đổi mới về hệ thốngtiếp tục xây dựng hệ thống y tế dự phòng theo hướng phát huy được những điểm mạnh của các đơn vị sẵn có, không đầu tư dàn trải, từng bước thực hiện tinh giản các đầu mối y tế dự phòng ở tuyến tỉnh, huyện nhằm sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn lực cán bộ và nâng cao đời sống. Tại các Viện khu vực, đẩy mạnh tính tự chủ và chủ động của các Viện trong việc phòng chống dịch trong phạm vi quản lý được phân công, đồng thời nâng cao năng lực của các Viện khu vực trong việc nghiên cứu, giám sát dịch bệnh và hỗ trợ các địa phương trong phòng chống dịch bệnh.

Thứ sáu là đổi mới trong hội nhập quốc tế.  Hiện nay hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch được hợp tác tích cực hơn bao giờ hết. Việt Nam đã tham gia vào các chương trình hợp tác mang tính toàn cầu cũng như khu vực và đã tham gia làm quốc gia đầu mối trong việc triển khai các hoạt động quốc tế: là quốc gia đầu mối trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người của Chương trình An ninh y tế toàn cầu, quốc gia đầu mối trong lĩnh vực phòng chống bệnh dại, bệnh sốt xuất huyết của các nước khu vực ASEAN. Việt Nam cũng rộng mở và minh bạch trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trong việc mời các tổ chức quốc tế như WHO, USCDC tham gia thành viên của EOC để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ về tài chính trong công tác phòng chống dịch.
 
Trên đây là đổi mới về công tác lãnh đạo của Đảng bộ Cục Y tế dự phòng về công tác phòng chống dịch. Trong thời gian tới dịch bệnh tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó lường, đó là sự bùng phát và lan truyền của các bệnh mới nổi mà ngay cả các cường quốc cũng khó có thể ngăn chặn được một cách triệt để. Dịch bệnh sẽ xảy ra ngay sau khi có ca bệnh xâm nhập hoặc phát sinh, nếu phát hiện sớm và khống chế kịp thời, chỉ có thể đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát mạnh mà thôi.
Thêm vào đó, một số bệnh đã có vắc xin tiêm chủng vẫn có thể gia tăng số ca mắc bệnh. Nguyên nhân là sau nhiều năm đến nay, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại, nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thời gian qua, dịch bệnh chưa bùng phát mạnh do chúng ta đang được hưởng thành quả duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong nhiều năm. Nhưng một khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng xuống thấp, thì lúc đó bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa có miễn dịch tự nhiên. Một số dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người cũng cần cảnh báo do sự tiếp xúc giữa người với động vật ngày càng “thân thiện” hơn khi mà con người phát triển chăn nuôi, đi vào rừng sâu nhiều hơn…Các bệnh có véc tơ như sốt xuất huyết, sốt rét, dịch hạch cũng có nguy cơ lan rộng do biến đổi khí hậu, tập quán di cư, thói quen, lối sống của người dân đặc biệt thói quen trong ăn uống không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường cũng đóng vai trò quan trọng như tập quán ăn gỏi, ăn tiết canh đã gây ra các trường hợp tử vong do liên cầu lợn hoặc bệnh do ký sinh trùng trong năm vừa qua, thế rồi vật phế thải xung quanh nhà làm muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển, đây cũng là tác nhân truyền bệnh do vi rút Zika nếu vi rút này xâm nhập vào nước ta …
Trong các yếu tố trên thì việc giao lưu đi lại của người dân đóng vai trò rất quan trọng, dịch bệnh từ quốc gia xa xôi nhất có thể lây lan sang Việt Nam trong vòng 24 giờ, và giữa các khu vực trong nước chỉ là vài giờ do xu thế toàn cầu hóa ngày nay.
 
Trước tình hình đó chúng tôi thiết nghĩ Đảng Lãnh đạo thông qua nghị quyết, song nghị quyết cần đổi mới phù hợp với thực tiễn và nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ có được triển khai một cách khả thi hay không phải là ý chí của mỗi đảng viên trong Đảng bộ luôn mong muốn có sự đổi mới và cũng là người suy nghĩ, sáng tạo kiến lập nên sự đổi mới và quan trọng là Cấp ủy của đơn vị nắm bắt được sự tư duy sáng tạo đó để hướng nhiệm vụ có giá trị thực tiễn. Và cuối cùng cũng như trên hết là sự đồng lòng đoàn kết của đảng viên trong Đảng bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tại Hội nghị hôm nay thay mặt Ban chấp hành Đảng bộ Cục Y tế dự phòng Tôi cũng xin cám ơn sự lãnh đạo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng bộ, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Y tế cũng như các chi bộ, đảng bộ thuộc Đảng bộ Bộ Y tế đã phối hợp, giúp đỡ Đảng bộ Cục Y tế dự phòng hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian qua, mong muốn có được sự chỉ đạo và hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
 

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin