Cẩn trọng khi bệnh truyền nhiễm "vào mùa"

Cập nhật: 28/3/2016 | 7:26:11 AM

Thời tiết mưa phùn kéo dài, nồm ẩm tạo điều kiện cho các vi rút gây bệnh đường hô hấp, sốt phát ban, sởi, thuỷ đậu, rubella... phát triển, gây bệnh cả ở trẻ em và người lớn. Đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh cao, giải pháp tốt nhất là thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh để bảo vệ sức khoẻ trong thời điểm giao mùa này.

Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, thời điểm ngày 24-3 có 25 bệnh nhi, đa phần vào điều trị vì các bệnh: Cúm (H1N1, H3N2, cúm B), tay chân miệng, sốt vi rút, tiêu chảy cấp. Các bác sĩ ở khoa cho biết: Thời gian gần đây, do điều kiện thời tiết thay đổi, đặc biệt là mưa phùn, nồm ẩm khiến nhiều trẻ nhập viện. Có thời điểm như cuối tháng 2 vừa qua, khoa tiếp nhận, điều trị gần 70 bệnh nhi, đa phần mắc cúm. Dự kiến sang tháng 4, khi thời tiết giao mùa chuyển nắng nhưng độ ẩm trong không khí vẫn tăng cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút gây bệnh dễ sinh sôi nảy nở. Khi đó, trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh như thuỷ đậu, sởi, sốt vi rút, tay chân miệng. Những bệnh này có nguy cơ lây nhiễm cao từ người này sang người khác, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa nồm, ẩm ướt...

Bác sĩ Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân.

Còn bác sĩ Lương Xuân Kiên, Khoa Lây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Ngày 25-3, khoa có 54 bệnh nhân, điều trị các bệnh: Sốt vi rút, viêm gan, HIV... Đáng chú ý là có một nhóm học sinh Trường PTDT Nội trú tỉnh hiện đang điều trị tại khoa với các triệu chứng giống nhau, trong đó có 1 em dương tính với cúm H1N1. Trước đó, ngày 7-3, tại khu lán trại của công nhân xây dựng Sunrgoup thuộc phường Hồng Gai (TP Hạ Long), có 2 công nhân có triệu chứng sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau ngực, khó thở nhẹ. Đến ngày 7-3, có thêm 15 công nhân xuất hiện các triệu chứng tương tự. Các công nhân này đã được đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong đó có 2 người phải nhập viện điều trị, số còn lại được theo dõi tại nhà. Bác sĩ Kiên cho biết: Các bệnh nhân này đều mắc cúm mùa (H1N1). Tuy bệnh này không quá nguy hiểm nhưng cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ, công việc, làm lây truyền và khiến nhiều người lo lắng.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay tương đối ổn định: Tay chân miệng 19 ca; sốt xuất huyết 12 ca; viêm phổi nặng do cúm 3 ca. Riêng với bệnh ho gà, từ đầu năm đến nay ghi nhận 3 trường hợp, đối tượng mắc chủ yếu là trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh ho gà. Không có các bệnh do vi rút Zika, Mers-CoV, cúm A/H5N1. Số bệnh nhân mắc cúm mùa (H1N1, H2N3) là nhiều hơn cả, với 82 ca; trong đó ghi nhận 1 chùm ca bệnh tại Trường THCS Trọng Điểm với 18 ca, 1 chùm ca bệnh tại phường Hồng Hà với 5 ca mắc. Thời gian tới, các đơn vị y tế tiếp tục tập trung giám sát tình hình dịch bệnh trong tỉnh, đặc biệt chú ý các bệnh dễ phát sinh trong thời tiết hiện nay, như: Sởi, ho gà, tay chân miệng, cúm, Mers-CoV, Zika, sốt xuất huyết...

Có thể thấy, các bệnh truyền nhiễm xuất hiện rải rác tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thời tiết giao mùa từ xuân sang hè thường nồm, ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho vi rút, vi khuẩn phát triển, gia tăng thời gian tồn tại, phát tán các mầm bệnh trong không khí. Thời tiết “ẩm ương” không chỉ khiến trẻ em dễ ốm mà sức khoẻ người lớn cũng bị ảnh hưởng. Các bệnh dễ bùng phát trong thời điểm này phải kể đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp); bệnh sởi, thuỷ đậu, não mô cầu, tay chân miệng...

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, để phòng bệnh trong điều kiện thời tiết mưa ẩm hiện nay, điều quan trọng là các gia đình phải giữ vệ sinh môi trường sống, làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà; làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hoà nhiệt độ, máy hút ẩm, hong khô quần áo trước khi mặc. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, duy trì việc luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, để phòng bệnh tốt cần thực hiện đúng, đủ lịch tiêm chủng.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin