Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: Đột phá từ tiềm lực KHCN

Cập nhật: 18/5/2016 | 8:08:30 AM

Những năm qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã được UBND tỉnh, Bộ Y tế và Sở Y tế đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhờ đó, Trung tâm tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KHCN, tạo đột phá trong hoạt động chuyên môn và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thao tác với tủ an toàn sinh học cấp II Esco tại Phòng xét nghiệm vi sinh.
Nhân viên Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thao tác với tủ an toàn sinh học cấp II Esco tại Phòng xét nghiệm vi sinh.

Từ năm 2007 đến nay, thông qua các dự án như: Phát triển nông thôn, Hỗ trợ nâng cao năng lực y tế dự phòng, Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho hệ thống xét nghiệm, kiểm nghiệm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được tiếp nhận một số trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác chuyên môn. Đặc biệt, năm 2015, tỉnh triển khai Đề án “Tăng cường tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh” nhằm tăng cường tiềm lực cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong công tác kiểm soát VSATTP. Tổng mức đầu tư của Đề án là trên 23 tỷ đồng, trong đó dành khoảng 19 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị (năm 2015, UBND tỉnh đã chi trên 8,1 tỷ đồng, năm 2016 tiếp tục chi 12 tỷ đồng).

Thông qua các dự án đầu tư, đến nay Trung tâm đã có hàng trăm máy móc, thiết bị hiện đại, đặc biệt là các trang thiết bị dùng cho phân tích, kiểm nghiệm, như: Hệ thống sắc ký, hệ thống PCR, giải trình tự gen, máy sinh hoá… Các trang thiết bị này cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, phát hiện dịch bệnh, lâm sàng và định hướng phát triển các kỹ thuật cao hơn ở nhiều lĩnh vực: Xét nghiệm vi sinh, sinh hoá, hoá lý, huyết học... Các khu vực xét nghiệm, thử nghiệm được bố trí riêng biệt, sạch sẽ, có khả năng về thoát nhiệt, thoát khí độc hại. Phòng xét nghiệm của Trung tâm đạt an toàn sinh học cấp II, vận hành theo tiêu chuẩn ISO; đã triển khai nhiều kỹ thuật sinh học phân tử, đột biến gen để phục vụ công tác chẩn đoán dịch bệnh. Phòng xét nghiệm Hoá học của Trung tâm cũng triển khai kiểm nghiệm được các chỉ tiêu xét nghiệm về môi trường, y học lao động và xét nghiệm thực phẩm. Phòng xét nghiệm của Trung tâm được Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định là phòng xét nghiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thực phẩm, kiểm nghiệm thức ăn chăn nuôi, kiểm nghiệm lĩnh vực hoá và vi sinh; kiểm nghiệm trong lĩnh vực môi trường.

Song song với việc được đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trung tâm đã chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiếp nhận, làm chủ tiến bộ KHKT và ứng dụng vào công tác chuyên môn. Đến nay, 80% cán bộ, nhân viên của Trung tâm có trình độ đại học trở lên, trong đó có 2 tiến sĩ, 4 thạc sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa I. Hàng năm, các khoa, phòng thuộc Trung tâm đều đăng ký thực hiện đề tài cấp cơ sở hoặc sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Năm 2016, Trung tâm đã triển khai 5 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp tỉnh. Các đề tài đều có giá trị thực tiễn, như: “Nghiên cứu ứng dụng quy trình thử nghiệm bộ sinh phẩm định lượng vi rút viêm gan B hỗ trợ xét nghiệm và tiên lượng lâm sàng cho bệnh nhân mắc bệnh viêm gan B mạn tính trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; “Ứng dụng hệ thống sắc kí ghép phối phổ trong công tác kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Đánh giá mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”...

Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng cập nhật và ứng dụng KHKT, công nghệ vào công tác chuyên môn, như: Phòng chống dịch bệnh, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, kiểm soát môi trường lao động. Các khoa, phòng của Trung tâm đều triển khai các hoạt động ứng dụng tiến bộ KHCN, tiếp nhận chuyển giaoa từ Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trên vào hoạt động chuyên môn, đặc biệt là vào việc ứng dụng xây dựng các quy trình trong xét nghiệm, kiểm nghiệm. Từ việc đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao, Trung tâm đã phát triển các kỹ thuật sinh học phân tử phục vụ công tác chẩn đoán phát hiện dịch sớm, xét nghiệm phát hiện và khẳng định được hầu hết các loại bệnh dịch.

Từ năm 2012, Trung tâm đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là đơn vị Y tế hạng I đầu tiên của ngành Y tế tỉnh, đồng thời được Bộ Y tế công nhận là một trong 10 đơn vị đầu tiên của toàn quốc đạt chuẩn Quốc gia về y tế dự phòng tuyến tỉnh. Nhờ được đầu tư, tăng cường tiềm lực KHCN, cùng với việc chủ động nghiên cứu, ứng dụng KHCN đã giúp Trung tâm có được những đột phá trong công tác chuyên môn.


(Nguồn: Hoàng Nhi)

In bản tin