Quảng Ninh triển khai thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư về ATTP trong tình hình mới:Nhiều chuyển biến tích cực

Cập nhật: 30/5/2016 | 9:33:51 AM

Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới trên biển và trên bộ dài với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở với nước láng giềng Trung Quốc nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát thực phẩm qua biên giới. Trong khi đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm trên địa bàn ngày càng nhiều và đa dạng. Thực phẩm được các cơ sở sử dụng từ nhiều nguồn trong và ngoài tỉnh nên khó kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

                   Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tình hình đảm bảo ATTP tại Khách sạn Mường Thanh (TP Hạ Long).


Ở các địa phương, các cơ quan chuyên môn, Đài Truyền thanh - Truyền hình, Phòng Văn hoá - Thông tin, Phòng Y tế cấp huyện thường xuyên phối hợp vận động, tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân tự giác tham gia đảm bảo ATTP, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm; gắn các tiêu chí về ATTP trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Đặc biệt, tổ chức các chương trình tư vấn trực tiếp cho các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hộ chăn nuôi sản xuất về Luật ATTP; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh đến tận thôn, khu phố. Thông qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực; các cấp uỷ Đảng, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn về ý thức, trách nhiệm trong việc tham gia đảm bảo ATTP. Cùng với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm về ATTP được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, thường xuyên và đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Ban chỉ đạo liên ngành ATTP các cấp đã tổ chức kiểm tra, thanh tra lồng ghép với các chương trình kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ hằng quý, 6 tháng và kiểm tra toàn diện cuối năm; tập trung vào các đợt cao điểm trong năm: Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, tháng hành động vì ATTP… Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức gần 4.000 lượt đoàn thanh tra, kiểm tra tại 90.108 lượt cơ sở thực phẩm. Qua kiểm tra có 72.987 cơ sở đạt yêu cầu, chiếm 81%; 12.528 cơ sở vi phạm ATTP, trong đó số cơ sở bị phạt tiền là 4.373 cơ sở với tổng số tiền xử phạt trên 4,3 tỷ đồng. Cùng với đó, việc phát hiện, xử lý các vi phạm được chỉ đạo quyết liệt. Thời gian qua, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 901 vụ với 924 đối tượng vi phạm pháp luật về ATTP; đã tịch thu, tiêu huỷ hàng nghìn tấn hàng hoá nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.Triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21-10-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới”, BTV Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các hình thức như: Hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ, họp tổ dân khu phố, phát bản tin nội bộ và tài liệu tuyên truyền… Xác định công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị, BTV Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các quy định, điều luật cơ bản trong Luật ATTP; trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân dân đối với công tác đảm bảo ATTP. 5 năm qua, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã thực hiện trung bình mỗi năm khoảng 100 phóng sự truyền hình, 15.000 lượt phát thanh, 1.700 lượt truyền hình, 300 tin bài về ATTP trên các trang báo viết, báo điện tử; phát 144.500 tờ rơi, 9.600 đĩa CD, VCD; treo 21 pano, 5.437 băng rôn, 34.314 áp phích tuyên truyền về đảm bảo ATTP.

Đi đôi với đó, các ngành Y tế, Công Thương, NN&PTNT cũng đã chủ động giám sát mối nguy ô nhiễm đối với các ngành hàng thực phẩm theo phân cấp quản lý; thường xuyên đánh giá chất lượng, kiểm tra truy xuất nguồn gốc; kịp thời cảnh báo nguy cơ ô nhiễm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổng số mẫu thực phẩm đã được kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm là 109.935 mẫu/5 năm. Trong đó, ngành Công Thương tiến hành xét nghiệm 3.228 mẫu thực phẩm tại các chợ trong tỉnh, phát hiện 319 mẫu không đạt yêu cầu ATTP; ngành NN&PTNT xét nghiệm 3.389 mẫu nông sản, phát hiện 189 mẫu không đạt; ngành Y tế lấy 5.877 mẫu thực phẩm chín tại các chợ trung tâm, phát hiện 282 mẫu không đạt… Khi phát hiện các sự cố mất ATTP gây ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng người tiêu dùng, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các ngành, địa phương để giải quyết nhanh chóng, dứt điểm, không để tái diễn gây hoang mang cho người tiêu dùng và ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác đảm bảo ATTP trong tỉnh đã có những chuyển biến mới. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ATTP được củng cố, kiện toàn; công tác phối hợp liên ngành trong tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra được đẩy mạnh; việc phòng, ngừa ngộ độc thực phẩm được chú trọng. Nhiều năm qua, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm được quản lý.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin