Phòng chống bệnh dại trong mùa hè

Cập nhật: 23/6/2016 | 8:07:09 AM

Theo các chuyên gia, bệnh dại có thể xuất hiện trong suốt cả năm trên động vật và lây truyền sang người, nhưng mùa hè là thời điểm bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Những ngày nắng nóng cao điểm, Phòng tiêm Safpo tại Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh luôn đông đúc; trong đó có không ít bệnh nhân đến tiêm phòng bệnh dại.

Chỉ trong một tiếng đồng hồ, Trung tâm đã tư vấn và tiêm phòng cho 2 bệnh nhân bị chó cắn và 1 bệnh nhân tới tiêm lần 2. Theo Trung tâm YTDP tỉnh, trong 3 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã có 2 trường hợp ở huyện Tiên Yên bị chó dại cắn dẫn đến tử vong. Cả 2 trường hợp này đều không tiêm vắc xin phòng dại. Trong 5 tháng đầu năm nay toàn tỉnh có 689 trường hợp điều trị dự phòng sau khi bị chó nghi dại cắn (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015); trong đó có 91 trường hợp phải tiêm huyết thanh kháng dại.

Người dân đến tiêm phòng bệnh dại tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Người dân đến tiêm phòng bệnh dại tại Phòng tiêm Safpo, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Trước tình hình nhiều người bị chó nghi dại cắn, hàng năm Trung tâm đều chuẩn bị kế hoạch cụ thể phòng, chống bệnh dại. Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tổ chức 11 lớp tập huấn về công tác phòng, chống bệnh dại, trong đó có 7 lớp dành cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã với tổng số 224 học viên; 4 lớp dành cho cán bộ y tế thôn bản của huyện Tiên Yên (nơi có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại) với 122 học viên. Trung tâm đang tiến hành in tờ rơi, poster, đĩa DVD về phòng, chống bệnh dại để cấp cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm phòng dại, Sở Y tế đã bố trí 13 điểm tiêm phòng dại tại 13 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Cô Tô). Qua theo dõi cho thấy, 100% các trường hợp bị chó cắn, được tiêm phòng đều không bị mắc bệnh.

Tuy nhiên, quá trình phòng, chống bệnh dại vẫn gặp khó khăn. Theo Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Thị Dung: “Nguồn lây truyền bệnh dại ở Việt Nam chủ yếu từ chó; trong khi đó, việc kiểm soát đàn chó lại không dễ dàng do người dân, nhất là vùng nông thôn, miền núi còn nuôi chó thả rông. Bên cạnh đó, người dân còn có tâm lý chủ quan, thiếu kiến thức, nên khi bị động vật cắn không đến các cơ sở y tế tiêm phòng. Một khó khăn nữa là chi phí tiêm phòng bệnh dại còn khá cao, khoảng 1-1,2 triệu đồng/đợt điều trị (nếu chỉ tiêm vắc xin) và khoảng 2-2,5 triệu đồng/đợt (tiêm vắc xin và kháng huyết thanh dại) nên người dân cũng đắn đo trong việc tiêm phòng. Ngày 6-6-2014 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3031/UBND-VX3 về việc hỗ trợ kinh phí tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Theo đó, hỗ trợ 30%/người đối với tiêm huyết thanh phòng dại và 50%/người đối với tiêm vắc xin phòng dại.

Mới đây nhất, ngày 14-6-2016, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3400/UBND-NLN3 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại động vật năm 2016 nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của người dân. Để thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh, các ngành NN&PTNT, Y tế cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, trao đổi định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người để kịp thời có các phương án xử lý. Các địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân cách phòng, chống bệnh dại, vận động những gia đình nuôi, đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại, không thả rông và đeo rọ mõm khi chó ra đường. Các phụ huynh cần nhắc nhở con em không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Trường hợp bị chó, mèo cắn cần nhanh chóng thực hiện các thao tác y tế, sát trùng vết thương và đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin kịp thời.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin