Bệnh không lây nhiễm- nguyên nhân giảm tuổi thọ người Việt Nam

Cập nhật: 17/9/2016 | 12:29:55 PM

Các bệnh không lây nhiễm - chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh chóng, và hiện là nguyên nhân gây ra 73% tổng số ca tử vong của cả nước.

Ngày 16.9, tại Hà Nội diễn ra tại buổi họp báo thông báo kết quả chuyến công tác của Đoàn công tác liên cơ quan Liên Hợp Quốc (UNIATF) về Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm. Buổi họp báo này diễn ra dưới sự chủ trì của PGS. TS. Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế; bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú của LHQ tại Việt Nam và TS. Nicholas Banatvala - Cố vấn cấp cao của Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới về các Bệnh không lây nhiễm, trưởng đoàn công tác cơ quan liên LHQ.

Tại buổi họp báo, TS. Nicholas Banatvala - Cố vấn cấp cao của Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới về các Bệnh không lây nhiễm, trưởng đoàn công tác cơ quan liên LHQ về phòng chống các bệnh không lây nhiễm (UNIATF) đã thông báo về kết quả chuyến công tác của đoàn trong suốt 1 tuần qua.

Tuổi thọ giảm do bệnh không lây nhiễm


benh khong lay nhiem, hop bao chuyen cong tac UNIATF ve cac benh khong lay nhiem o Hanoi

Họp báo chuyến công tác tại Việt Nam của UNIATF về các bệnh không lây nhiễm 16.9 tại UN House, Hà Nội

 

Chuyến công tác của UNIATF nhận thấy các bệnh không lây nhiễm - chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh chóng, và hiện là nguyên nhân gây ra 73% tổng số ca tử vong của cả nước. Nguy cơ tử vong trước tuổi 70 (tuổi thọ trung bình của người Việt Nam) từ một trong những căn bệnh này là 17%. Hơn 1/3 ca tử vong ở Việt Nam là do các bệnh tim mạch.

Bà Pratibha Mehta, điều phối viên thường trú LHQ tại VN cho biết tới năm 2030, ở Việt Nam sẽ có 17 triệu người ở độ tuổi 60 trở lên. Bệnh không lây nhiễm tỷ lệ thuận với độ tuổi; do vậy Việt Nam cần có chiến lược để kiểm soát và hạn chế các bệnh không lây nhiễm ngay từ bây giờ.

Hút thuốc, uống rượu và "ăn mặn" đẩy con người tới "cửa tử"

Việt Nam đang đối mặt với những gánh nặng bệnh không lây nhiễm nặng nề do toàn cầu hóa, đô thị hóa và già hóa dân số. UNIATF nhận thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới tại Việt Nam dù đã giảm nhưng vẫn còn rất cao (45,3%) và có tới 44,2% số nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại. Thừa cân và béo phì đã tăng từ 12% lên 16% trong 5 năm qua. Tính trung bình, dân số Việt Nam đang tiêu thụ muối cao gấp 2 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Việc hút thuốc, uống rượu, và ăn mặn (tiêu thụ muối cao) là các yếu tố nguy cơ dẫn tới các bệnh mạn tính như ung thư, tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch,...Bệnh tăng huyết áp đang gia tăng nhanh chóng và hiện nay, cứ 5 người trưởng thành thì có một người tăng huyết áp.

UNIATF đã khuyến cáo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá lên ít nhất 70% giá bán lẻ, và thực thi đầy đủ Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. TS Nicholas Banatvala, cố vấn cấp cao của văn phòng WHO Geneva nhấn mạnh: "Những can thiệp sẽ cứu sống hàng ngàn sinh mạng và giảm đáng kể chi phí chăm sóc y tế trong những năm tới". Thuế từ thuốc lá ở Philippines đã giúp tăng gấp 3 lần ngân sách cho quỹ phòng chống các bệnh không lây nhiễm, và Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự.

Cam kết ngăn chặn các ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm

Tại hội nghị về phòng chống bệnh không lây nhiễm, GS. TS. Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cam kết ngăn chặn các ca tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm. Phòng chống các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các ban ngành và đối tác phát triển".

UNIATF đã chứng kiến cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc tăng cường tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân và đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, với 75% dân số có BHYT, với 1/4 dân số còn lại, Việt Nam cần mở rộng BHYT để ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm từ gốc, từ lúc bệnh còn ở giai đoạn tiềm tàng. Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, việc điều chỉnh lối sống: bỏ thuốc lá, hạn chế ăn mặn, phát hiện sớm nguy cơ để dự phòng và điều trị sớm sẽ giúp tăng tuổi thọ và giảm chi phí điều trị. Phải giải quyết tận gốc chứ không phải phần ngọn. Điều trị ở bệnh viện với chi phí tốn kém chỉ là phần ngọn, còn giải quyết tận gốc phải là từ hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

UNIATF đã thấy bằng chứng cam kết của Việt Nam trong giải quyết các bệnh không lây nhiễm thông qua Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 và các hành động đa ngành hiệu quả mà điển hình là trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá. Thông qua thực thi Luật và Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ hút thuốc ở nam giới đô thị.

"Các bệnh không lây nhiễm là một trong những trọng tâm của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), bà Pratibha, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho biết. Đạt được các mục tiêu về phòng chống các bệnh không lây nhiễm sẽ thúc đẩy toàn bộ chương trình nghị sự phát triển năm 2030, vì bệnh không lây nhiễm gây ra đói nghèo và tăng bất bình đẳng xã hội. LHQ cam kết hỗ trợ Việt Nam mở rộng quy mô đáp ứng phòng chống bệnh không lây nhiễm."

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin