Nâng cao ý thức người dân trong phòng chống vi rút Zika

Cập nhật: 21/9/2016 | 8:07:43 AM

Thời điểm này, một số nước Đông Nam Á đang nóng lên bởi số ca nhiễm vi rút Zika liên tục tăng. Tại Việt Nam cũng đã có một số trường hợp nhiễm loại vi rút này. Để tìm hiểu về nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào địa bàn tỉnh, cũng như công tác phòng, chống đang triển khai hiện nay, phóng viên Báo Quảng Ninh đã phỏng vấn bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

- Xin bác sĩ cho biết, nguy cơ vi rút Zika có thể xâm nhập vào địa bàn tỉnh hiện nay? Loại vi rút này có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe?

+ Những nước Đông Nam Á có số ca nhiễm vi rút Zika liên rục gia tăng trong thời gian gần đây là: Thái Lan, Philipin, Malaysia... Đặc biệt ở Singapore đã có trên 300 trường hợp nhiễm vi rút này. Việt Nam cũng đã phát hiện 3 trường hợp ở các tỉnh: Phú Yên, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh nhiễm vi rút này.

Trung Quốc là nước có đường biên giới tiếp giáp với Quảng Ninh cũng đã có các trường hợp nhiễm vi rút Zika; trong khi loại vi rút này chủ yếu lây lan do bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt. Loại muỗi này phổ biến ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa, Quảng Ninh là địa bàn du lịch, lượng khách đến từ các nước Đông Nam Á khá lớn. Bởi vậy, chúng tôi đánh giá nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào tỉnh rất lớn.

Nhiễm vi rút Zika chỉ được xếp vào mức độ nguy hiểm nhóm B, chứ không phải nhóm A như các bệnh cúm H5N1, H7N9... Các triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm bao gồm: Nhức đầu nhẹ, phát ban, sốt, khó chịu, viêm kết mạc và đau khớp. Đa số các trường hợp mắc thường là nhẹ và các triệu chứng thường hết trong khoảng từ 2 đến 7 ngày.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút Zika có thể gây hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Các dữ liệu cho thấy, ở bào thai của người phụ nữ bị nhiễm vi rút trong ba tháng đầu của thai kỳ có nguy cơ cao của tật đầu nhỏ (các bệnh đầu nhỏ là sự thoái hóa hoặc dị dạng của não). Vi rút Zika còn có thể gây hội chứng tê liệt thần kinh ở người lớn dẫn đến liệt người. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu khi bị nhiễm vi rút này mà chỉ điều trị triệu chứng.

- Ngành Y tế đã có những biện pháp gì để ứng phó, khi vi rút này xâm nhập, thưa bác sĩ?

+ Theo kết quả giải trình tự gen từ các viện nghiên cứu, chủng vi rút Zika đang lưu hành tại châu Á (trong đó có Việt Nam) không lây lan mạnh và nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ cao như chủng vi rút Zika lưu hành tại châu Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Y tế vẫn tiếp tục theo dõi về diễn biến tình hình dịch và nguy cơ lây lan của vi rút để kịp thời thông báo cho người dân và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.
Về phía tỉnh Quảng Ninh, không phải đến bây giờ mà ngay từ đầu năm 2016, tỉnh cũng đã chi 300 triệu đồng để mua các hóa chất, sinh phẩm phòng chống dịch và mở các lớp tập huấn giám sát cho các tuyến. Đến thời điểm này, cán bộ nhân viên y tế khối dự phòng từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đều nắm chắc kiến thức về cơ chế lây lan, cũng như biện pháp giám sát kịp thời phát hiện ca bệnh, cách lấy mẫu bệnh phẩm để đưa về Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh làm xét nghiệm. Hiện nay, trang thiết bị của Trung tâm đảm bảo thực hiện xét nghiệm phát hiện vi rút Zika một cách nhanh chóng dưới dạng phân tử sinh học nên phục vụ rất tốt cho công tác phòng chống dịch. Hệ thống giám sát ở các bệnh viện và trong cộng đồng cũng đã được tăng cường. Tất cả các đơn vị y tế đều có đội phòng chống dịch để kịp thời ứng phó khi có dịch xảy ra. Tuy nhiên, việc phòng bệnh tốt hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của mỗi người dân.

- Vậy cách phòng bệnh như thế nào hiệu quả, thưa bác sĩ?

+ Vi rút Zika lây truyền chủ yếu do muỗi Aedes mang mầm bệnh đốt. Ngoài ra một số trường hợp lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Đến nay vẫn chưa có vắc xin để dự phòng cho vi rút Zika. Việc phòng chống lây nhiễm chủ yếu thông qua kiểm soát các vector truyền bệnh. Bởi vậy, người dân, nhất là phụ nữ mang thai không nên đi du lịch đến các vùng đang dịch bệnh. Nếu đến, về từ vùng có dịch bệnh do vi rút Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, khi có biểu hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị. Với người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh hoặc từ vùng dịch trở về, cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục với vợ (bạn tình) trong suốt quá trình mang thai hoặc dự định có thai, hoặc trong ít nhất 6 tháng để phòng lây truyền Zika qua đường tình dục.

Người dân cần triển khai các biện pháp diệt muỗi như: Đảm bảo vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật dụng đọng nước (mảnh vỡ, lốp xe, vỏ lon, vũng nước đọng...). Đậy kín chum, bể hoặc thả cá diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng bẫy, vợt. Các cá nhân trong vùng dịch áp dụng các biện pháp hạn chế muỗi đốt như: Mặc quần áo kín, sáng màu, dùng thuốc xua đuổi côn trùng, nằm màn...

- Xin cảm ơn bác sĩ!

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin