Ngành Y tế dự phòng 60 năm đổi mới và phát triển

Cập nhật: 9/12/2016 | 1:53:06 PM

Chiều ngày 05/12/2016, Bộ Y tế long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Y tế dự phòng Việt Nam(1956-2016).

Tới tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Thị Trung Chiến, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; Ông Lokky Wai trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; cùng các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Bộ Y tế; các đồng chí Lãnh đạo ngành Y tế dự phòng qua các thời kỳ; đại diện Sở Y tế các tỉnh, các trung tâm y tế dự phòng; gia đình cố GS. Đặng Văn Ngữ; đông đảo các cán bộ ngành Y tế trong ngành y tế dự phòng; cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương, Hà Nội đã về dự và đưa tin cho buổi lễ long trọng này. 
 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương
Độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng.

Quá trình phát triển Y tế dự phòng được đánh dấu bằng điểm mốc quan trọng: ngày 12/4/1956, Bộ Y tế đã ban hành Nghị định số 333/BYT-NĐ thành lập Vụ phòng bệnh trên cơ sở tách ra từ Vụ Phòng bệnh chữa bệnh, có nhiệm vụ giúp Bộ để lãnh đạo công tác vệ sinh phòng bệnh và chống dịch. Trải qua 60 năm hệ thống Y tế dự phòng Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đưa nền y học nước nhà tiếp cận với trình độ y học tiến tiến, hiện đại của thế giới. Thành tựu y tế dự phòng Việt Nam nói riêng đã đạt được về phòng bệnh là rất quan trọng mà điển hình là thanh toán bệnh đậu mùa, bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh,  đồng thời ngăn chặn các đại dịch nguy hiểm mới nổi, được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế thành công dịch SARS, là điểm sáng về phòng chống HIV/AIDS.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Bằng sự quyết tâm, cố gắng không ngừng của các thế hệ, nhiều dịch bệnh đã được thanh toán, loại trừ, khống chế: Việt Nam đã thanh toán được bệnh đậu mùa vào năm 1978, thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005; nhiều bệnh dịch nguy hiểm đã được khống chế và đẩy lùi như dịch tả, dịch hạch, sốt rét... . Việt Nam cũng đã khống chế thành công nhiều dịch bệnh mới nổi; đặc biệt, Việt Nam vinh dự được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là nước đầu tiên trên thế giới khống chế thành công đại dịch SARS sau 45 ngày kinh hoàng phòng chống dịch bệnh. Đồng thời cũng đã chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh, không để xâm nhập vào Việt Nam trong khi các nước trong khu vực có dịch như cúm A(H7N9), MERS-CoV, Ebola… Thành công này đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và nâng cao uy tín của ngành y tế Việt Nam trên thế giới. Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và được Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận là nước có đủ năng lực trong giám sát, phòng chống, cảnh báo sớm và ứng phó kịp thời các dịch bệnh mới nổi và các sự kiện y tế công cộng khác. Việt Nam cũng đã sản xuất được 10/12 loại vắc xin và được Tổ chức Y tế thế giới công nhận Cơ quan quản lý vắc xin của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế NRA. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm ngày một tăng cường. Việt Nam được thế giới công nhận là một trong 10 quốc gia dẫn đầu trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế, đặc biệt trong giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ mắc sốt rét và phòng chống HIV/AIDS.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương
Độc lập hạng Nhì cho Cục Y tế dự phòng
.

Phát biểu tại buổi lễ Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận đánh giá cao sự phát triển của ngành y tế dự phòng. Phó Thủ tướng bày tỏ tri ân anh hùng liệt sỹ, Giáo sư Đặng Văn Ngữ cùng những thế hệ cán bộ y tế dự phòng đã không quản gian khổ, hy sinh thầm lặng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quốc cũng như trên mặt trận phòng chống dịch bệnh.
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại lễ kỷ niệm

Phó thủ tướng cũng cho rằng trong bối cảnh tình hình dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi, bệnh không rõ nguyên nhân liên tục xuất hiện trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta; gánh nặng do các bệnh không lây nhiễm vẫn ở mức cao, ngày càng khó kiểm soát do nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan như sự giao lưu đi lại, đô thị hoá, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...tiếp tục là những thách thức đối với ngành Y tế nói chung và hệ thống Y tế dự phòng nói riêng.

Phó Thủ tướng đề nghị ngành Y tế cần phải rà soát lại toàn bộ từ hệ thống tổ chức y tế dự phòng so với các nước khác từ hoạt động thường quy đến cách thức vận hành, kết nối mạng lưới các trung tâm kiểm soát dịch bệnh đồng thời phân tích rõ thuận lợi, bất cập của y tế dự phòng hiện nay. Theo Phó Thủ tướng “không chỉ bất cập của y tế dự phòng mà toàn bộ ngành Y tế cần nhìn thẳng vào những hạn chế, khó khăn để đổi mới đồng bộ, toàn diện nhằm sử dụng tốt nhất hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực của cả hệ dự phòng, điều trị ở cơ sở công lập và ngoài công lập. Từ y, bác sĩ đến các lương y, toàn xã hội, từng người dân, từng phong trào tập luyện sức khỏe ở cơ sở trong công tác y tế dự phòng”.

Phó Thủ tướng tin tưởng phát huy truyền thống 60 năm vẻ vang, với tinh thần trách nhiệm cao cùng sự đoàn kết nhất trí, nhiệt huyết đổi mới, năng động sáng tạo nhất định hệ thống y tế dự phòng nói riêng và ngành y tế nói chung, sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp ngày càng quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Nhân kỷ niệm 60 năm ngành Y tế dự phòng Chủ tịch nước đã trao Huân Chương độc lập hạng nhì cho Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế. Cũng tại buổi lễ, Bộ Y tế truy tặng Giải thưởng Đặng Văn Ngữ  đợt 1 năm 2016 cho 11 cá nhân và trao tặng giải thưởng này cho 20 tập thể và 88 cá nhân khác.

Một số hình ảnh tại buổi lễ



Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long trao giải thưởng Đặng Văn Ngữ cho các tập thể và các nhân có thành tích trông công tác y tế dự phòng

(Nguồn: vncdc.gov.vn)

In bản tin