Ứng dụng công nghệ trong quản lý sức khỏe toàn dân

Cập nhật: 5/1/2017 | 11:30:45 AM

Trong một buổi làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Quảng Ninh thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu và quản lý sức khỏe toàn dân (QLSKTD). Theo đó, người dân đang sinh sống và làm việc tại Quảng Ninh sẽ được quản lý sức khỏe từ lúc sinh ra tới lúc chết bằng hệ thống phần mềm CNTT.

Hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân (QLSKTD) sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khoẻ, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống QLSKTD, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã vạch..... Các cơ sở khám, chữa bệnh có thể lấy thông tin hành chính, lịch sử bệnh, yếu tố nguy cơ, vùng dịch để tham khảo cho công tác khám chữa bệnh..., giúp tiết kiệm thời gian, thống nhất, khoa học và chính xác. Hệ thống này cũng cảnh báo về thông tin y tế quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng; đặc biệt quản lý, theo dõi thường xuyên, kịp thời các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng. Đây cũng là những thông tin vô cùng quan trọng cho người quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, như: Tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, khám chữa bệnh... Bên cạnh đó, hệ thống QLSKTD còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, có yếu tố liên quan đến môi trường sống, nguồn nước, và các yếu tố vệ sinh khác. Hệ thống cũng giúp tin học hóa các loại sổ sách và báo cáo thống kê của các tuyến y tế; có thể lưu trữ, tra cứu đầy đủ các thông tin; kết nối với các phần mềm khác...
Thực hiện kỹ thuật nội soi dạ dày tại Trung tâm Y tế Đầm Hà
Với những lợi ích thiết thực như vậy, tỉnh đã giao cho ngành Y tế tỉnh xây dựng kế hoạch thí điểm thực hiện mô hình QLSKTD tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, tập trung thực hiện nhiều phần việc, như: Xây dựng Bộ hồ sơ điện tử quản lý sức khoẻ từng người dân và Hệ thống phần mềm thống kê, QLSKTD; lập hồ sơ điều tra, thu thập các thông tin cơ bản về hành chính, về y tế theo mẫu hồ sơ đã thiết kế; lập hồ sơ sức khoẻ cá nhân; cập nhật thông tin liên quan đến sức khỏe của cá nhân theo thời gian... Dự kiến, Kế hoạch thí điểm thực hiện mô hình QLSKTD tỉnh sẽ chia thành 2 giai đoạn thực hiện: Năm 2017 sẽ thí điểm quản lý sức khỏe cho khoảng 20% dân số của tỉnh (khoảng 240.000 người); từ năm 2018 sẽ quản lý sức khỏe cho toàn bộ người dân sinh sống và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh. 
Hiện, ngành Y tế tỉnh đã tổ chức tốt các đợt khám lưu động định kỳ tại 39 xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh, do 4 Đoàn khám của 4 Bệnh viện đầu ngành của tỉnh thực hiện. Trong năm 2016 đã khám cho khoảng 20 nghìn lượt người dân. Đây cũng là cơ sở để thống kê, đánh giá mô hình bệnh tật của từng vùng và xác định nhu cầu của công tác quản lý sức khoẻ. Ngành cũng đã tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá 28 chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe người dân đang thực hiện tại các tuyến y tế để xác định những tiêu chí cứng cần phải đưa vào Hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân. Các tiêu chí này phải đáp ứng được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin giúp những người làm công tác quản lý đề ra giải pháp và hoạch định chính sách cho tương lai. Đồng thời, nghiên cứu, tham khảo các nguồn tài liệu khác nhau để xây dựng biểu mẫu Hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân (đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành Dự thảo về biểu mẫu Hồ sơ quản lý sức khỏe người dân). Tổ chức nhiều buổi hội thảo xin ý kiến đóng góp của thủ trưởng các đơn vị, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm hiện đang phụ trách từng chương trình, dự án chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Tập đoàn Viettel tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp để xây dựng phần mềm thống kê, quản lý sức khỏe toàn dân.  
Quản lý sức khoẻ là một trong 10 nội dung chăm sóc sức khoẻ ban đầu của Việt Nam và hiện công tác này đã và đang được triển khai tại các trạm y tế. Tuy nhiên công tác này mới được triển khai với phạm vi hẹp, tập trung quản lý các thông tin rất cơ bản về sức khoẻ một số đối tượng như: Người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai… Khi Hệ thống QLSKTD đưa vào triển khai sẽ xây dựng được bộ hồ sơ điện tử quản lý sức khỏe từng người dân trên địa bàn tỉnh để phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần rất lớn trong việc hạ thấp tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tàn phế và tử vong, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. 

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin