Vì sao nhiều năm qua, dịch bệnh vẫn chưa "làm gì" được Quảng Ninh?

Cập nhật: 28/2/2017 | 8:10:37 AM

Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay diễn ra đúng vào lúc dịch cúm A/H7N9 đang lan rộng ở Trung Quốc, có nguy cơ cao lây nhiễm vào các tỉnh biên giới Việt Nam như Quảng Ninh. Tuy nhiên, nhìn lại công cuộc phòng chống dịch bệnh của địa phương này có thể thấy, nhiều năm nay, dịch bệnh vẫn chưa “làm gì” được Quảng Ninh.

Đây là kết quả của sự kết hợp có hiệu quả của các công tác chỉ đạo từ cấp trên, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan chức năng, không ngừng phát triển khoa học nghiên cứu y tế và luôn luôn coi việc cảnh báo, khám chữa bệnh kịp thời cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm.

Phát hiện sớm là yếu tố quan trọng để dịch bệnh không bùng phát trên diện rộng

Trước đây, Quảng Ninh từng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh lớn, ví dụ như: dịch hạch, dịch tả, dịch ho gà, bạch hầu... làm chết nhiều người. 5 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước “lao đao” vì dịch, nhưng cho đến nay, Quảng Ninh vẫn chưa “hề hấn” gì. Còn nhớ, năm 2012, Hải Phòng xảy ra dịch sốt xuất huyết rất lớn, Quảng Ninh cũng có trường hợp mắc bệnh nhưng chỉ lẻ tẻ. Năm 2013, dịch tay chân miệng bùng phát khắp nơi, Quảng Ninh cũng có trường hợp mắc bệnh nhưng không bùng phát thành dịch vì đã phát hiện ra sớm. Năm 2014, dịch sởi làm chết rất nhiều người ở Hà Nội, Quảng Ninh cũng có nhưng đã được xử lý kịp thời nên an toàn. Năm 2015, lũ lụt ở Cẩm Phả, Hạ Long, Vân Đồn rất nghiêm trọng nhưng sau đó không hề phát sinh dịch bệnh nào. Đây là những nỗ lực rất lớn của ngành y tế Quảng Ninh trong công tác phòng chống dịch bệnh. 

Thày thuốc ưu tú Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh
Thày thuốc ưu tú Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Ninh

Thày thuốc ưu tú Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm ý tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh nhớ lại: “Cách đây 3 tháng trong Hoành Bồ, có vụ việc một con chó cắn rất nhiều người. Nếu như bình thường thì hết tuần xã báo cáo huyện, hết tháng huyện báo cáo lại trung tâm để ghi nhận lại vụ việc đó là xong. Tuy nhiên, khi biết sự việc trên, trung tâm đã yêu cầu xã, huyện phải xuống tận nơi, xem người bị cắn có được tiêm chủng hay không và đã phát hiện là có rất nhiều người không tiêm chủng. Họ nói rằng tiêm mất nhiều tiền nên không có tiền, hay chó cắn chỉ cần rửa, làm sao phải tiêm? Chúng tôi phải gặp chính quyền, tìm nguồn tiền cho người dân tiêm chủng, tránh tình huống người bệnh mắc bệnh dại gây tử vong diện rộng. Qua việc đó thấy rằng công tác dự phòng phải đi trước một bước. Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Điện Biên mỗi một năm khoảng 100 người chết vì bệnh dại nhưng Quảng Ninh mấy năm nay không có là vì thế”.

Chỉ đạo kịp thời kết hợp với thanh - kiểm tra, trao đổi thông tin

Ngay từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng tiểu ban, các đồng chí Phó chủ tịch làm Phó các Tiểu ban; giám đốc các sở Công thương, Nông nghiệp và Y tế làm thường trực ở tiểu ban. Để kịp thời nắm bắt và xử lý khi có tình huống bất ngờ xảy ra, trong năm 2016, Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác đường dây nóng, cứ 3 tháng chủ tịch UBND tỉnh lại họp một lần, hàng tháng, các Phó Chủ tịch phải họp với các tiểu ban, tổ công tác cũng họp thường xuyên.

Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được chú trọng. Năm 2016, Y tế Quảng Ninh thanh - kiểm tra, xử lý tăng 150% so với năm 2015. Tại cửa khẩu Móng Cái, một trong những điểm nóng về công tác phòng chống dịch bệnh của Quảng Ninh, việc kiểm tra, thu giữ và tiêu hủy kịp thời những lô hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các lô hàng có liên quan đến gia súc, gia cầm, các mặt hàng có nguy cơ mang mầm bệnh cao được thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả. 

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn không ngừng phối hợp, liên kết với với các cơ quan, ban ngành có trách nhiệm và cơ quan phòng dịch của nước bạn để đảm bảo không có dịch bệnh bùng phát tại địa phương. 

Ông Hoàng Văn Lương, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh chưa có trường hợp nào có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền qua cửa khẩu. Chúng tôi phối hợp với các công ty Lữ hành du lịch để nắm được khách du lịch đi từ vùng nào đến, từ đó sàng lọc có hiệu quả, phối hợp tốt với cơ quan kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Đông Hưng, Trung Quốc, thông báo cho nhau về tình hình các dịch bệnh phải kiểm dịch. Nếu bình thường thì 3 tháng thông báo 1 lần, còn nếu có dịch thì cứ một tuần hoặc thông báo bất cứ lúc nào qua điện thoại để trao đổi. Mới đây, ngày 21/2, đơn vị đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Trung Quốc sang trả lời về tình hình dịch cúm A/H7N9, nắm bắt được thông tin có 2 trường hợp đã tử vong tại Quảng Tây vào ngày 15 và ngày 19 đều có tiếp xúc với gia cầm. Từ đó chúng tôi tăng cường hơn công tác kiểm soát dịch bệnh”. 

Máy đo thân nhiệt được đặt tại cửa khẩu Móng Cái
Máy đo thân nhiệt được đặt tại cửa khẩu Móng Cái

Trung tâm y tế dự phòng Quảng Ninh và cơ quan thú y cũng phối kết hợp thường xuyên để trao đổi thông tin qua hệ thống email. Hàng tuần đều có báo cáo gửi cho nhau. Từ tuyến xã trở lên, khi xảy ra một sự kiện y tế nào đó đều được cập nhật qua hệ thống phần mềm. Nhờ vậy mà dịch bệnh trong nhiều năm nay luôn luôn được chủ động phòng chống.

Đầu tư có hiệu quả cho khoa học và nhân lực chất lượng cao

Đại diện lãnh đạo mảng Y tế dự phòng Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh hơn nhiều tỉnh trong toàn quốc về công nghệ phát hiện và chuẩn đoán bệnh. Vì Labo sinh học phân tử của y tế dự phòng Quảng Ninh có thể phát hiện được hầu hết các loại bệnh mà ta đã biết hiện nay. Những dịch bệnh mà Quảng Ninh chưa có như zika, Êbola, H7N9... khi có mẫu bệnh phẩm vẫn có khả năng phát hiện ra trường hợp mắc bệnh”. 

Tại cửa khẩu Móng Cái những ngày qua, cùng với các ngành chức năng, Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế đã tăng cường bác sĩ và đặt máy đo thân nhiệt để kiểm soát dịch bệnh từ du khách nhập cảnh. Nếu có bệnh nhân nghi nghiễm sẽ được chuyển sang phòng cách ly trên tầng 2, ở đó có thêm một bác sĩ tăng cường để chuẩn đoán bệnh cũng như tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân nếu phát hiện ho, sốt, đi từ vùng dịch tới thì sẽ được tư vấn và khám bệnh ngay tại cửa khẩu.

Tăng cường bác sĩ khám và tư vấn về dịch cúm A/H7N9 tại cửa khẩu Móng Cái
Phòng khám cách ly được thành lập để kiểm soát dịch bệnh

Nội dung tư vấn cũng được hiển thị qua các tờ rơi, banner, áp phích tuyên truyền, thông tin tới người dân kịp thời. Trong những đợt cao điểm, ở các vùng trọng yếu luôn có đội ngũ y bác sĩ và tư vấn viên có trình độ, tay nghề giúp khám, điều trị, cảnh báo tới người dân và du khách. Đây là điều mà Y tế Quảng Ninh đã làm khá tốt và hoàn toàn chủ động.

Ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: “Triển khai kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9, Y tế Quảng Ninh đã thành lập đội cơ động kiểm tra đột xuất, tập trung phát triển, bổ sung trang thiết bị cần thiết (khẩu trang, hóa chất, quần áo bảo hộ), phối hợp tốt hơn với các lực lượng, hợp tác với cơ quan Trung Quốc, tăng cường đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, năng lực, tăng cường công tác tư vấn để tránh bỏ sót trường hợp nhiễm bệnh. Tuy nhiên y tế dự phòng vẫn là xương sống để hạn chế những hiểm họa của dịch bệnh tại Quảng Ninh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tốt hơn cho lĩnh vực này”.

Nhờ có sự chủ động, ứng phó kịp thời trước mọi tình huống mà trong nhiều năm nay, Quảng Ninh luôn là một địa phương an toàn về dịch bệnh, cũng như là điểm đến an toàn với du khách trong và ngoài nước. 

(Nguồn: qtv.vn)

In bản tin