Phòng chống bệnh dại: Các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt

Cập nhật: 10/3/2017 | 1:09:01 PM

Mặc dù năm 2014, 2015, trên địa bàn tỉnh đều có người tử vong do bị chó dại cắn, thế nhưng cho đến nay, do sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các địa phương nên tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại vẫn không đạt yêu cầu đặt ra.

Cán bộ thú y TP Hạ Long tiêm phòng vắc xin trên vật nuôi tại phường Hà Lầm.
Cán bộ thú y TP Hạ Long tiêm phòng vắc xin trên vật nuôi tại phường Hà Lầm.

Năm 2016, theo kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương sẽ phải triển khai tiêm 89.000 liều vắc xin phòng bệnh dại. Thế nhưng, đến hết năm, toàn tỉnh mới đạt gần 59.000 liều (đạt 66% kế hoạch). Lý giải về vấn đề này, các địa phương đều cho rằng, nguyên nhân chính là do chưa quản lý được chó nuôi trong dân, tập quán chăn nuôi thả rông còn khá phổ biến ở khu vực nông thôn, miền núi, nhận thức của chủ nuôi còn hạn chế... Nhiều nơi không thống kê hoặc thống kê qua loa, chiếu lệ không đầy đủ số lượng chó, mèo nuôi trong dân, việc quản lý đàn chó nuôi ở các địa phương bị buông lỏng, hiện tượng thả rông chó nuôi vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Điều đáng nói là bên cạnh những nguyên nhân trên, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại đạt thấp còn xuất phát từ chính sự chủ quan của các địa phương. Đơn cử như ở 6 địa phương là: Hoành Bồ, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, do điều kiện kinh tế của người dân ở những khu vực này còn khó khăn, nên 6 địa phương trên đều được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua vắc xin và công tiêm phòng. Thế nhưng cho đến nay, phần lớn các địa phương trên đều thiếu chủ động trong việc nhập vắc xin và tổ chức tiêm phòng. Những địa phương còn lại thì việc thống kê số lượng chó, mèo nuôi thiếu chính xác dẫn đến xây dựng kế hoạch tiêm phòng chưa sát với thực tế. Trong quá trình triển khai tiêm phòng dại, nhiều địa phương không thông báo rộng rãi, cụ thể về thời gian, địa điểm tiêm phòng, kinh phí tiêm phòng... nên đã làm giảm sự phối hợp của các hộ nuôi; đối với những hộ dân không chấp hành việc tiêm vắc xin, chính quyền cơ sở cũng không hỗ trợ cán bộ thú y, cũng không kiên quyết xử lý vi phạm của các hộ nuôi theo quy định.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2016, toàn tỉnh có 1.993 người bị chó dại cắn phải đi tiêm phòng dại (tăng 465 người so với năm 2015). Trong khi đó, để loại trừ bệnh dại, tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 193/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021. Theo đó, mục tiêu của chương trình, trên 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 2 năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình giai đoạn 2011-2015. Nhằm đạt được mục tiêu trên, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng dại với tổng số 90.800 liều (tăng gần 2.000 liều so với năm 2016). Trong đó, yêu cầu các địa phương phấn đấu đạt 100% chó, mèo nuôi được tiêm vắc xin dại để tạo miễn dịch; vận động trên 80% chủ nuôi tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi chó. Đặc biệt, chiến dịch tiêm vắcxin phòng bệnh dại trên đàn chó sẽ diễn ra cao điểm trong tháng 3-4 hàng năm.

Khẳng định về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng dại, ông Trần Xuân Đông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh, cho biết: Bệnh dại rất nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao, hiện nay tiêm phòng là giải pháp chủ động, hiệu quả nhất trong các giải pháp nhằm tạo ra miễn dịch chống bệnh dại. Để chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh dại năm nay đạt kết quả cao nhất, các địa phương cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, thống kê số lượng chó mèo nuôi trước khi triển khai tiêm phòng dại. Việc nhập vắc xin và lịch tiêm phòng cần đảm bảo kịp thời, chính xác, đồng loạt và kiên quyết xử lý những hộ nuôi cố tình không đưa vật nuôi đi tiêm phòng. Có như vậy, bệnh dại mới được đẩy lùi và thanh toán.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin